Thiết bị công nghệ

Nơi “phải đến” cho người yêu nhiếp ảnh du lịch ở Hà Nội

Các địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội kèm theo lời khuyên hữu ích về thiết bị, chủ đề chụp sẽ giúp bạn có những bức ảnh đẹp.

<>
Trước tiên, cần phải định nghĩa cho đúng rằng “nhiếp ảnh du lịch” không phải là nhiếp ảnh với máy ảnh du lịch (thường ám chỉ dân chụp ảnh amateur) mà là những người có ham mê đi du lịch, và sử dụng nhiếp ảnh để ghi lại cảnh đẹp hoặc những khoảnh khắc tuyệt vời tại nơi đặt chân đến. Đến với Hà Nội, dân nhiếp ảnh du lịch chắc chắn không thể bỏ qua những địa điểm trứ danh sau đây.

1. Nhà thờ Lớn

Nhà thờ St. Joseph là Nhà thờ chính tòa tại Hà Nội, thường được biết đến với tên gọi Nhà thờ Lớn, nằm tại số 40 phố Nhà Chung. Được xây dựng từ năm 1886, phỏng theo mẫu thiết kế Nhà thờ Đức Bà (Paris, Pháp), Nhà thờ Lớn là công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo nổi tiếng nhất tại Hà Nội.

Khuôn viên phía trước nhà thờ không thật sự rộng rãi, nên để lấy hết được toàn cảnh mặt tiền, các bạn đừng quên mang theo một ống kính góc rộng.

Cửa ra vào và toàn bộ các cửa sổ bên trong nhà thờ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique, kết hợp với các bức tranh mô phỏng điển tích trong Kinh Thánh bằng kính màu rất đẹp mắt và hài hòa, tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên kỳ ảo.

Nếu bạn muốn chụp ảnh bên trong nhà thờ, nên mang theo giá đỡ (tripod) vì ánh sáng ở đây khá yếu, cần thời gian phơi sáng dài. Tránh sử dụng đèn flash, thiết lập cân bằng trắng bằng độ K hoặc preset để giữ được màu sắc trầm mặc tự nhiên.

2. Hồ Gươm và khu vực phố cổ

Có lẽ không cần giới thiệu nhiều về hai cái tên này, bởi hồ Gươm và toàn thể khu phố cổ chính là trái tim của Thủ đô. Nơi đây cũng là địa điểm “săn ảnh” lý tưởng cho nhiều nhiếp ảnh gia bởi kho đề tài phong phú đến từ những mái nhà còn giữ lại được cho mình kiến trúc thời Pháp thuộc, nếp sống của người dân “Tràng An chính gốc” hay cảnh đẹp từ những công trình nổi tiếng như tháp Rùa, cầu Thê Húc, tháp Hòa Phong, vườn hoa Vạn Xuân, vườn hoa Con Cóc, v..v..


Một góc phổ cổ Hà Nội.

Một ống kính 35mm sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho các tay máy theo đuổi trường phái nhiếp ảnh đời thường (still life) hay đường phố (streetlife) muốn ghi lại cuộc sống muôn màu muôn vẻ nơi đây. Ngoài ra, một ống kính tele zoom cũng sẽ hữu ích nếu bạn muốn bắt lại những hình ảnh chân thực về con người xung quanh hồ Gươm.

3. Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội. Với những hồ Văn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, chiếc chuông và trống khổng lồ cùng hàng trăm bia tiến sĩ “ngự” trên lưng rùa đá, những tấm hình bạn chụp tại đây dưới tư cách một khách du lịch chắc chắn sẽ khiến mọi người ở nhà không khỏi thích thú và ganh tị.


Khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám khá rộng rãi, tuy vậy lượng khách du lịch thường đông, đặc biệt vào dịp cuối tuần và các ngày lễ tết, bởi vậy nên tránh các thời điểm này nếu bạn muốn chụp được những bức ảnh toàn cảnh.

Bên trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tượng thờ ba vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, thầy Chu Văn An, triết gia Khổng Tử và các học trò của ông. Với nguồn sáng yếu ớt, không gian chật hẹp, nhiều người qua lại không tiện đặt tripod và quan niệm không dùng đèn flash tại những nơi thờ cúng, có lẽ bạn nên trang bị cho mình một ống kính góc rộng với độ mở lớn để tránh rung nhòe ảnh trong khi chụp.

4. Cầu Long Biên


“Cong rồng thép” được người Pháp xây dựng những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 có lẽ là cây cầu ghi dấu đậm nét nhất trong tâm hồn những người con Hà Nội. Trải qua hai cuộc chiến tranh với nhiều lần bị bom đạn bắn phá, cầu Long Biên đã không còn giữ được nguyên vẹn hình dáng xưa, nhưng sự cổ kính toát lên từ những thanh vịn, trục cầu kim loại hay mặt cầu bằng đá thì vẫn còn nguyên vẹn.

Với đường ray xe lửa còn hoạt động ở chính giữa, làn cầu hai bên dành cho cả xe thô sơ, và những gánh hàng rong bán khoai, mía, v…v.. tại những chỗ mở rộng, cầu Long Biên là địa điểm lý tưởng để sáng tác các bức ảnh mang tính chất hoài niệm.

5. Làng gốm Bát Tràng


Cách cầu Chương Dương đúng 8km đường bộ, Bát Tràng là làng gốm nổi tiếng nhất tại Hà Nội. Dù đường sá nơi đây đã được bê tông hóa, đa số các hộ gia đình làm gốm đều chuyển sang sản xuất theo dây chuyền bằng máy, thì Bát Tràng vẫn còn đó những căn nhà nhỏ, đình, chùa mộc mạc cũ xưa. Đặc biệt hơn, nếu chịu khó cầm máy cuốc bộ len lỏi qua những con ngõ nhỏ, sẽ món quà mà các nhiếp ảnh gia nhận được sẽ là quang cảnh rộng lớn của một dải sông Hồng. Đừng tiếc tiền thuê (hoặc mượn) một chiếc lens ultrawide/fisheyes, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn sự mênh mông của trời nước.


Chợ gốm luôn là địa điểm chụp lý tưởng cho những bức hình nhiều sắc màu.

Chợ gốm nhộn nhịp và những xưởng gốm phục vụ khách du lịch cũng là một đề tài lý thú cho dân chơi ảnh. Còn gì thích bằng bên cạnh những bức ảnh đẹp, các “mẫu” còn đem về cả những chiếc cốc gốm xinh xinh do chính mình tự làm tặng cho “nửa kia”?