Smartphone

Những sự kiện công nghệ thay đổi thế giới 2011

Những sự kiện công nghệ thay đổi thế giới 2011

Những sản phẩm tạo ra các xu hướng mới, hàng loạt thiết bị ra mắt phá vỡ giới hạn công nghệ, cuộc chiến pháp lý giữa các ông lớn, sự ra đi của những cây đại thụ... Năm 2011 đi qua với nhiều sự kiện công nghệ bước ngoặt.

 

 

Thế giới công nghệ đã biến đổi mạnh mẽ trong năm 2011 - Ảnh minh họa: DigitalTrends

Sau đây là các sự kiện công nghệ đáng chú ý nhất trong năm qua được nhóm thực hiện Nhịp sống số (nhipsongso.tuoitre.vn) chọn lọc:

1. Vĩnh biệt Steve Jobs!

"Phù thủy" trong làng công nghệ, Steve Jobs qua đời vào ngày 5-10-2011 do suy hô hấp cấp, chỉ một ngày sau khi Hãng Apple cho ra mắt dòng iPhone 4S, thế hệ kế tiếp của iPhone 4.

Hoa và hình ảnh tiếc thương Steve Jobs đặt bên ngoài Apple Store - Ảnh: Reuters

Sự ra đi đột ngột của cây đại thụ trong làng công nghệ đã khiến cả thế giới bàng hoàng, để lại nhiều tiếc thương trong lòng người hâm mộ. Hình ảnh tưởng niệm của ông xuất hiện ở khắp các cửa hàng Apple Store, hoa và nến được người hâm mộ thắp sáng khắp nơi trên thế giới.

"Steve đã là một trong những con người sáng tạo nhất nước Mỹ, có đủ dũng khí để nghĩ về những điều khác biệt, có đủ niềm tin vào khả năng mà ông ấy có thể thay đổi thế giới và có đủ tài năng để thực hiện nó" - Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự tiếc thương đối với Steve Jobs.

Fan Apple tiếc thương Steve Jobs bên ngoài Apple Store tại New York - Ảnh: Getty Images

* Xem: Steve Jobs - những câu chuyện chưa bao giờ kể | Những câu nói dẫn đường của Steve Jobs

Tiểu sử, tính cách và những lời nói dẫn đường của ông đã được cựu chủ tịch kiêm CEO CNN và thư ký tòa soạn tạp chí Time, Walter Isaacson ghi nhận lại trong cuốn Steve Jobs (dựa trên hơn 40 cuộc phỏng vấn với Jobs qua hai năm, cũng như những cuộc phỏng vấn với hơn 100 thành viên gia đình, bạn bè, đối thủ và đồng nghiệp).

Steve Jobs của Walter Isaacson xuất bản vào tháng 11 nhanh chóng trở thành tác phẩm "bán chạy nhất" (bestseller), sách bản dịch tiếng Việt Tiểu sử Steve Jobs ra mắt vào ngày 5-12.

<>Hồ sơ về Steve Jobs trên Tuổi Trẻ Online</>

Bên cạnh đó, một cây đại thụ của cộng đồng mã nguồn mở cũng ra đi trong năm nay, <>Dennis Ritchie</>, đồng phát minh của hệ điều hành Unix và cha đẻ ngôn ngữ lập trình C.

Trong suốt thập niên 1960 tại Bell Labs, ông đã tạo ra ngôn ngữ C, cũng như cùng một đồng nghiệp lập trình viên khác là Ken Thompson phát triển hệ điều hành Unix.

Những đóng góp của Dennis Ritchie kể từ thập niên 1960 là rất to lớn. Thế giới mạng Internet căn bản hoạt động dựa trên Unix, cũng như có rất nhiều phần mềm thương mại được viết bằng ngôn ngữ C, và các “thế hệ sau” của nó như C++ và Java.

“Nếu ví Steve Jobs như bậc thầy kiến trúc sư chuyên xây dựng các tòa nhà chọc trời, Dennis Ritchie cùng các cộng sự chính là những người đã phát minh thép để xây dựng các công trình đó”, James Grimmelmann, cựu lập trình viên của Microsoft, hiện đang làm việc tại Trường Luật New York.

Ken Thompson (trái) và Dennis Ritchie nhận Huân chương Quốc gia công nghệ từ Tổng thống Mỹ Bill Clinton - Ảnh: Internet

2. Cuộc chiến pháp lý bản quyền phát minh công nghệ

Cho đến tận những ngày kết thúc năm 2011, cuộc chiến pháp lý về bản quyền phát minh công nghệ giữa những hãng công nghệ hàng đầu thế giới vẫn diễn ra rất gay gắt tại nhiều quốc gia trên thế giới, tập trung vào nhóm công nghệ di động, chiến trường chính vẫn là thị trường châu Âu, bao gồm các tên tuổi: Apple, Google, Samsung, HTC, Microsoft, Motorola, Oracle, RIM...

Các cuộc kiện tụng liên quan đến bản quyền phát minh sáng chế đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết - Ảnh minh họa: Internet

Bản quyền phát minh sáng chế giờ đây là vũ khí quan trọng nhất đối với các hãng công nghệ, đặc biệt là các hãng sản xuất thiết bị di động. Trong năm qua, Google phải chi đến 12,5 tỉ USD cho thương vụ thâu tóm mảng sản xuất thiết bị di động Motorola Mobility của Motorola bao gồm cả những phát mình công nghệ của hãng này.

Trong năm qua, có khá nhiều cuộc kiện tụng giữa các hãng, tuy nhiên, lớn nhất, kéo dài nhất và có sức ảnh hưởng nhất vẫn là các cuộc chiến sau:

<>* Apple - Samsung</>: Phát súng đầu tiên mở đầu cuộc chiến pháp lý thuộc về Apple khi hãng này kiện Samsung đã vi phạm bản quyền thiết kế và giao diện người dùng của iPhone và iPad trong bộ sản phẩm bao gồm smartphone Galaxy S và máy tính bảng Galaxy Tab 10.1.

Nhiều lệnh cấm nhập khẩu do đơn kiện của Apple, rồi lại được xem xét do đơn kháng án từ Samsung, kế đến là hủy hoặc thu hẹp phạm vi cấm bán các sản phẩm Samsung Galaxy liên tục được tòa án Đức, Hà Lan, Úc, Mỹ... đưa ra trong suốt ba quý cuối năm 2011.

Tính đến thời điểm hiện tại, Apple và Samsung đã có hơn 30 đơn kiện tụng qua lại tại 12 tòa án, ở ít nhất chín quốc gia trên bốn châu lục. Cuộc chiến vẫn còn kéo dài sang năm 2012.

<>* Apple - HTC và Motorola</>: Sau Samsung, Apple tiếp tục đánh mạnh vào các hãng sản xuất thiết bị di động dùng Android khác bao gồm HTC và Motorola. Những đơn kiện vi phạm phát minh công nghệ đã khiến HTC bị cấm bán một số dòng smartphone của mình tại thị trường Mỹ sau phán quyết ngày 21-12.

Apple quyết tâm hạ gục Android - Ảnh: Internet

Trong khi đó, Motorola Mobility được Google hậu thuẫn đã có một chiến thắng tạm thời tại thị trường Đức vào ngày 9-12, có thể dẫn đến lệnh cấm bán ra iPhone và iPad tại quốc gia này.

* Xem : Google "tậu vũ khí" cho HTC kiện Apple

<>* Microsoft - Android</>: mặc dù sở hữu Windows Phone, đối thủ của Android, nhưng Microsoft lại nắm giữ một số bản quyền phát minh quan trọng với Android để có thể dồn ép các hãng sản xuất thiết bị di động dùng hệ điều hành này phải "nộp phí" bản quyền.

Danh sách "nạn nhân" của Microsoft đến nay gồm có: HTC, Samsung, Acer, Viewsonic, Wistron, Onkyo, General Dynamics Itronix và Velocity Micro cùng các hãng ODM như Compal Electronics, Wistron và Quanta Computer.

Tính đến nay, Microsoft đã thu lợi từ hơn 50% thiết bị sử dụng Android hiện có trên thị trường.

<>* Oracle - Google</>: Nhiều bất lợi cho Android của Google trong đơn kiện từ phía Oracle. Oracle cho rằng Google đã có sử dụng mã nguồn Java trong một số tập tin hệ thống của Android. Vụ kiện vẫn chưa đến hồi kết thúc.

* Xem: Java: lửa vẫn cháy giữa Oracle và Google

3. Sự trỗi dậy của "làn sóng hacker"

Hàng loạt các hệ thống mạng của các hãng công nghệ như mảng kinh doanh giải trí trực tuyến của Sony, hệ thống điều khiển giao thông tàu điện ngầm ở San Francisco lẫn nhà thầu quân sự lớn trên thế giới bị hacker "ghé thăm". Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là hai nhóm hacker Anonymous và Lulz Security.

Lấy biểu tượng theo nhân vật trong phim Vendetta, nhóm hacker Anonymous liên tục gây ra những vụ hack vào các hệ thống mạng lớn trên thế giới - Ảnh minh họa: Internet

LulzSec đã "gác kiếm" sau khi bị các tổ chức an ninh mạng trên thế giới truy lùng do tấn công vào hệ thống website các tổ chức quản lý, chính phủ tại nhiều quốc gia. Anonymous vẫn tiếp tục và còn mạnh tay trả đũa lại các tổ chức an ninh mạng.

Trong diễn biến mới nhất vào ngày hôm nay, Anonymous đã hack vào cơ quan chuyên cung cấp thông tin phân tích tình báo an ninh, quân sự, kinh tế, chính trị nổi tiếng thế giới là Stratfor (Hoa Kỳ).

(xem tiếp trang sau)

THANH TRỰC