Không chỉ là chiếc điện thoại đời thứ 4 với khá nhiều những rắc rối ngay từ khi xuất hiện, đằng sau iPhone 4 còn là cả một câu chuyện dài phức tạp khác.
Sim Gevey nhái bẻ khóa iPhone 4
Một tuần sau khi sim Gevey thật có mặt để bé khóa iPhone 4 (bản khóa mạng) là sự xuất hiện rầm rộ của Gevey nhái (giống thật đến 80% từ bao bì bên ngoài đến cấu tạo bên trong). Giá rẻ hơn một nửa (từ 700- 1 triệu đồng so với 1,7- 2 triệu đồng hàng thật), dù không trơn tru như Gevey thật khi đưa vào máy nhưng nhìn chung dùng tạm ổn lại không phải chờ đợi. Các yếu tố quan trọng đó khiến Gevey nhái ngay trong tuần đầu có mặt đem về cho đậu nầu cấp hàng khoản lợi nhuận kếch xù (hơn 100 triệu đồng/tuần) mà cũng không đủ hàng để cung cấp. Điều đó cho thấy độ nóng sốt của thị trường với iPhone 4 cũng như số lượng sở hữu iPhone 4 bản khóa tại Việt Nam khủng khiếp đến mức nào. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Giá trị thực của Gevey nhái chỉ dao động trong khoảng 150- 200.000 đồng. Đặc biệt, càng về sau nó nhái càng giống, đạt đến 95% hàng thật. Ấy vậy mà những ngày đầu chưa hoàn thiện, nó đã bị thổi lên đến gần 1 triệu đồng. Đã thế lại không đủ hàng để cung cấp khiến nhiều đậu nậu phải bỏ trốn trước sự “săn đuổi” của nhiều cửa hàng chuyên iPhone.
Vỏ đen- vỏ trắng
Nếu từ đầu đến giữa tháng 5 là sự vẫy vùng của sim Gevey thật- giả gây náo loạn thị trường iPhone 4 bản khóa mạng thì đến cuối tháng 5 là sự thống trị của bộ vỏ trắng (hàng không đủ chất lượng quốc tế của Apple với giá thực là 2 triệu đồng/bộ vỏ). iPhone 4 bản trắng có giá cao hơn bản đen đến 4 triệu đồng. Mức chênh lệch này biến thị trường thành một cuộc đổi chác. Hàng trăm bộ vỏ trắng không đủ chất lượng quốc tế từ một số xưởng sản xuất Trung Quốc mà Apple đặt làm gia công thay vì bị hủy đã được tuồn ra ngoài. Các đầu nậu Việt Nam chỉ việc chịu khó cất công đi thu gom về và thực hiện cuộc đổi chác là sơ sơ bỏ túi 2 triệu đồng/bộ vỏ. Chưa hết, bộ vỏ đen khi thay ra lại tiếp tục được mang ra bán với mức giá rất tốt 1- 1,5 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần bán thành công 1 chiếc iPhone 4 bản đen được đổi vỏ trắng, đầu nậu, cửa hàng thu lợi từ 3- 4 triệu đồng/máy. Và hàng trăm ngàn bản iphone 4 trắng “đểu” đã được bán ra như thế ngay sau thông tin Apple cung cấp bản trắng mà người dùng không hề hay biết gì. Có chăng chỉ là một phút giây nào đó của sự hoài nghi, bản trắng ở đâu ra mà nhiều thế!
Account giả mua ứng dụng
Chấp nhận bỏ ra gần 20 triệu đồng để sở hữu chiếc điện thoại mơ ước nhưng rất ít khách hàng chịu bỏ tiền mua ứng dụng về dùng. Phần vì nhiều người ngại cũng như chưa quen với cái cách thanh toán qua thẻ của Apple. Phần vì sự cạnh tranh khá khốc liệt giữa các cửa hàng đã khiến khách hàng không có thói quen bỏ tiền ra mua ứng dụng. Khách hàng có sự so sánh giữa chỗ mua này chỗ bán kia để bắt cửa hàng phải cài đầy đủ ứng dụng mới chịu mua máy. Cả 2 lý do trên vô hình chung đưa đến một loại hình mua bán ứng dụng Apple khá độc đáo. Thay vì mua lẻ từng ứng dụng ưa thích cài vào máy, nhiều khách hàng được chào mời mua luôn 1 gói các ứng dụng với giá khoảng 100USD. Nhưng thực chất, khách hàng chỉ phải trả có 300.000 đồng để sở hữu gói ứng dụng phong phú trị giá đến 100USD. Ở đâu ra có sự phi lý này? Đó là vì những gói ứng dụng trên được mua từ các thẻ tín dụng ăn cắp ở nước ngoài!
Còn nhiều và nhiều mặt trái khác nữa đằng sau chiếc iPhone 4 nhiều “tai tiếng” của Apple. Ví như sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đầu nậu, cửa hàng khi giá máy mỗi nơi mỗi kiểu. Là sự lập lờ, tráo đổi nhiều linh, phụ kiện máy mà người dùng không hề hay biết. Họ phải trả một số tiền lớn để sở hữu sản phẩm chưa tương xứng với giá trị thật nếu không mua hàng ở những đại lý ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam. Dù vậy, iPhone 4 và những mẫu điện thoại trước đó vẫn là đề tài muôn thưở mà bất cứ lúc nào người ta cũng có thể bàn tán, bình phẩm.
Bộ ghép SIM Gevey là công cụ có xuất xứ từ Trung Quốc, gồm một vi mạch ghép vào microSIM và một khay SIM đi kèm. MicroSIM sẽ được cắt nhỏ hơn so với thường lệ, vi mạch của Gevey nằm bên dưới phần tiếp xúc với điện thoại để "đánh lừa" di động nhận mạng. Khay SIM đi theo được thiết kế lại cho vừa với phần vi mạch và SIM đã cắt.
Phân biệt thật giả
- Vỏ trắng- đen: Khó nhận biết bằng mắt thường hay một số dấu hiệu bên ngoài vì thực chất bộ vỏ trắng được thay thế vẫn là hàng của Apple. Vì lý do nào đó không đạt tiêu chuẩn quốc tế nên bị loại. Thay vì hủy, nó lại được tuồn ra ngoài. Cách nhận biết duy nhất tại thời điểm này là cho máy kết nối với iTune. Apple cũng lường trước việc này nên dù có thay vỏ thì khi kết nối iTune, hệ thống vẫn chỉ rõ bản chất của máy là đen hay trắng khi xuất xưởng.
- Sim Gevey: Lúc đầu Gevey nhái có bao bì khác hàng thật. Bao bì nhái chất lượng in kém, nhiều lốm đốm ngoài. Phần bao bì trong được gấp 3 thay vì gấp 2 như hàng thật. Phần cốt bên trong hàng nhái khi cho vào máy không trơn tru, phải khéo léo mới đút vào lọt. Chất lượng sim nhái cũng kém hơn. Dùng thời gian có thể hư hoặc thường gây treo máy, phải kích hoạt lại. Càng về sau, Gevey nhái giống thật rất nhiều. Phần vỏ gấp 3 nay được cải tiến, gấp làm 2 như hàng thật. Song, lớp vỏ ngoài cùng là dấu hiệu nhận biết dễ nhất vì chất lượng in còn kém, lốm đốm và nhiều hạt đen nhỏ li ti trên vỏ bao.