Nhịp sống số

Những cái nhìn về Apple ở tinhte.vn

 Những cái nhìn về Apple ở tinhte.vn
id="post_message_10163309">


Nhân sự kiện Steve Jobs thôi giữ chức vụ CEO của Apple (nên lưu ý là thôi giữ chức khác với việc từ chức, trong tiếng Anh họ sử dụng "resignation" dịch là “từ chức” nhưng trong văn Việt thì nó không chính xác). Lại đọc qua chủ đề này trên tinhte, thấy nhiều comment với nhiều cung bậc cảm xúc, tiếc nuối có, hỉ hả có, bình thản cũng có,… Mới nảy sinh ra ý định viết một bài lạm bàn về cách nhìn của những nhóm đối tượng khác nhau về phía Apple, hay chi tiết hơn là cựu đầu máy của Apple – Steve Jobs.

Điểm qua vài nét về Apple, tên đầy đủ ban đầu là Apple Computer Inc. được thành lập năm 1976 bởi 3 đồng sáng lập: Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne. Đa phần chúng ta chỉ nhớ tới 2 anh Steve mà không hề biết tới sự tồn tại của Ronald Wayne, bởi vì Ronald đã bán đi 10% cổ phần Apple để lấy $2,300 chỉ 2 tuần sau khi công ty được thành lập (giá trị số cổ phiếu này tại thời điểm 2010 là 22 tỷ USD). Đồng sáng lập khác là Steve Wozniak rời Apple sau 12 gắn bó (1987), ông cũng trải qua 1 tai nạn máy bay phần nào khiến ông trở nên hơi lập dị. Chỉ còn lại đó Steve Jobs, trở thành linh hồn của Apple gắn bó miệt mài và lãnh đạo tài tình đưa Apple đến vị trí của ngày hôm nay. Tuy nhiên, cũng đã có rất nhiều những biến cố thăng trầm xảy đến với Steve. Nếu hôm nay là tuyên bố thôi giữ chức vụ CEO thì 26 năm trước Steve đã thực sự thôi việc ở Apple sau những bất đồng quan điểm và tranh cãi với John Sculley (1985), kẻ đến sau Steve rất lâu nhưng giữ chức vụ CEO của Apple tại thời điểm đó. Phải đến hơn 10 năm sau đó, khi Apple đang rơi vào khủng hoảng về sự sáng tạo. Gil Amelio, CEO lúc bấy giờ của Apple nhận thấy sự bế tắc trong việc nâng cấp Mac OS đã đưa ra quyết định đúng đắn khi mua lại NeXT – công ty mà Steve sáng lập ra ngay sau khi từ chức ở Apple. Năm 1997, Gil bị cách chức CEO do những thất bại mà Apple vấp phải, Steve quay trở lại làm CEO. Steve Jobs đã làm sống lại Apple một lần nữa giống như những năm đầu khi Steve sáng lập ra nó. Những thành công đáng kể đó là:
  • 1998: Ra mắt dòng máy Macintosh 128K – iMac. Tiếp sau đó là các nâng cấp với MacOS.
  • 2001: Giới thiệu 1 sản phẩm mà sau này trở thành biểu tượng khi nhắc đến máy nghe nhạc Mp3 – iPod.
  • 2005: Tuyên bố ra mắt những sản phẩm sử dụng chip Intel vào năm 2006. Chấm dứt sự lập dị về phần cứng, thật sự có hiệu quả mạnh mẽ và góp phần làm nên sự nổi tiếng Apple ngày một nhanh cho đến nay.
  • 2007: iPhone đầu tiên ra mắt sau bao đồn đoán, nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và cả tiêu cực chon đến tận đời bây giờ là đời iPhone thứ 4. Nhưng trên hết doanh số và sự phổ biến của iPhone đã trả lời cho những phản hồi này.
  • 2010: Một thiết bị khác làm thay đổi cái nhìn và cách tiêu dùng được giới thiệu – iPad. Cũng như iPhone, iPad nhận được không ít hơn các phản hồi mang tính tiêu cực. Một lần nữa, doanh số và sự phổ biến lại trả lời cho những phản hồi này.
Vậy là phần điểm lại những nét chính trong bức tranh của Apple với họa sĩ chính là Steve Jobs đến đây là hết. Nhắc lại một chút là tôi không phải fan hâm mộ của Apple nói chung nhưng là fan hơi cuồng của sản phẩm iPhone 4. Các bạn cũng thấy rằng những gì tôi vừa nêu ra không có suy nghỉ chủ quan, bao gồm các những mốc thời gian và sản phẩm. Tôi để tự thị trường tiêu dùng và các con số trả lời cho bất kì thắc mắc nào của các bạn nếu có. Phần tiếp theo tôi sẽ nói về các nhóm đối tượng cùng cách họ nhìn về phía Apple cũng như các sản phẩm của hãng. Trong phần này sẽ có nhiều ý kiến chủ quan của cá nhân tôi hơn, các bạn có thể đồng tình hoặc phản đối, tuy nhiên mong các bạn có ý định tranh luận xin dùng ngôn ngữ phù hợp, không đả kích, chọc ngoáy,… nói chung là xin hãy hết sức tinhte.

“Apple thật là tuyệt, tôi sùng bái Apple”

Đây là nhóm đối tượng phổ biến, họ thường sở hữu ít nhất 1 sản phẩm của Apple và bị chinh phục hoàn toàn theo một mặt nào đó, ví dụ như tính năng, kiểu dáng, phong cách,… Sau khi bị chinh phục, họ hoàn toàn siêu đổ vì Apple. Đối với nhóm đối tượng này, Apple đã giữ 1 vị trí cao nhất trong tâm trí họ, gần như (thực tế là hầu hết) không có 1 thương hiệu nào có thể vượt qua được vị trí này. Nhóm này khá cực đoan trong cách nói chuyện về Apple. Nếu khen họ sẽ khen lên tận mây xanh, ai đó đồng ý, họ sẽ tâng lên vài tầng mây nữa. Tuy nhiên nếu ai đó có ý phản đối, họ sẽ trở nên cực kì kích động, họ sẽ mang so sánh sản phẩm không phải Apple đó với Apple để lôi ra những khuyết điểm dù nhỏ hay lớn, nặng hay nhẹ đều biến sản phẩm không phải Apple chỉ là đồ bỏ đi. Với họ bạn chỉ có thể chọn 1 trong 2: trở thành bạn thân thiết nếu biết khen Apple hoặc là kẻ thù không đội trời chung nếu bạn có ý định chê điểm gì đó ở Apple.

Nhóm đối tượng này có số lượng thành viên tăng theo ngày và tăng chóng mặt, cũng có lí do chính đáng của nó khi Apple tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm của họ. Sản phẩm sau tốt hơn, đẹp hơn, sành điệu hơn sản phẩm trước. Rất nhiều thành viên của các nhóm còn lại, một ngày nào đó cũng sẽ chuyển sang nhóm này (thực tế là không ít). Nhưng vì nhược điểm cực đoan và thái quá, chính nhóm này là nguyên nhân kích động các cuộc cãi vã không hồi kết, và đẩy rất nhiều thành viên ở nhóm trung lập sang nhóm Mọi thứ trừ Apple.

Với sự kiện Steve Jobs thôi giữ chức vụ Apple ở trên, ban đầu sẽ khiến họ rất buồn, hẫng hụt rồi có thể suy sụp đôi chút. Sau đó nhóm này sẽ chuyển sang hoang mang, lí do là họ bắt đầu lo sợ Apple sẽ không còn là Apple như trong tâm trí của họ nữa khi Tim Cook lên nắm quyền CEO. Họ băn khoăn các sản phẩm tiếp theo của Apple sẽ ra sao khi không có Steve. Họ có lí do để mà lo lắng, bệnh tình của Steve Jobs có vẻ tiến triển xấu (Steve sinh năm 1955 và mới chỉ 56 tuổi), điều không ai mong muốn có thể xảy ra. Không thể nào phủ nhận Steve là linh hồn của Apple, linh hồn ấy vơi bớt đi, liệu các sản phẩm tiếp theo có ít nhiều bị ảnh hưởng. Gắn bó 35 năm với Apple sẽ nói cho Steve biết đâu là thiết kế hoàn hảo giữa hàng trăm thiết kế khác cho 1 sản phẩm mới mang ngôn ngữ và triết lý đậm tính Apple. Nhìn lại lịch sử khi Apple thay CEO liên tục và cũng là từng ấy lần họ thất bại, lần này sẽ ra sao? Câu trả lời vẫn còn nằm ở tương lai phía trước và chúng ta hãy cùng chờ đơi.

“Apple cũng là một thương hiệu tốt, tôi sẽ mua nếu tôi cần”

Đây là nhóm đối tượng trung lập, dễ nhận thấy những người thuộc nhóm này là những người tiêu dùng có bản lĩnh và kinh nghiệm. Họ không dễ bị chinh phục bởi những hào nhoáng bên ngoài hay những câu quảng cáo ấn tượng về một sản phẩm nào đó. Những con người này thích hiểu một cách đầy đủ về sản phẩm họ sẽ mua chứ không phải hiểu xem thương hiệu ấy sành điệu ra sao, nổi bật thế nào. Cân nhắc đầy đủ giữa các yếu thiết kế, tính năng, giá trị và khả năng tài chính. Nếu ta dễ bắt gặp nhóm sùng bái Apple có thể chờ trực trước nhiều ngày tại một Apple Store để có được sản phẩm mới. Thì nhóm này không bao giờ hành động tương tự, họ sẽ đến Apple Store vào những ngày sau đó để kiểm tra và thử tính năng của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hay không. Nhóm đối tượng này rất ôn hòa, họ tham gia tranh luận với lí lẽ rõ ràng về một vấn đề nào đó của sản phẩm, không bao giờ có tư tưởng chụp mũ, phủ định hoặc khẳng định tiên quyết mà thiếu đi chứng cứ. Rất nhiều người thuộc nhóm này luôn muốn đứng ra giàn xếp các cuộc cãi vã của nhóm sùng bái và nhóm ghét cay đắng, tuy nhiên họ chả mấy khi thành công, vì các thành viên của 2 nhóm còn lại khá cực đoan.

Nhóm này thì số thành viên tăng không bao giờ nhanh dù chỉ bằng một nửa tốc độ 2 nhóm còn lại. Lí dó đơn giản là để trở thành người tiêu dùng có bản lĩnh và kinh nghiệm thì chắc chắn mọi người đều cần thời gian. Nhóm này khó bị cực đoan hóa quan điểm nên họ không dễ dàng chuyển sang 2 nhóm còn lại (vẫn có nhưng rất ít). Sau này khi biết chả bao giờ dừng được cái cuộc cãi vã của 2 nhóm kia, họ sẽ không cố gắng nữa và thậm chí là cũng trở nên ít comment vào các chủ đề hơn. Lặng lẽ trải nghiệm chính là nhóm trung lập. Nhưng một khi viết bài thì chắc chắn bài viết của họ rất đáng để đọc vì giá trị của nó.

Sự kiện Steve Jobs của Apple không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của nhóm này, họ không vì thế mà thay đổi quan điểm hay cách nghĩ và Apple. Apple có những sản phẩm trong tầm ngắm của họ và chúng vẫn ở đó. Họ cũng không lo lắng xem triết lý và ngôn ngữ của Apple thay đổi ra sao, thậm chí họ còn rất tò mò về sự thay đổi của Apple trong tương lai. Những thay đổi này có thể tốt hoặc không tốt, họ cũng sẽ từ từ đánh giá không vội vàng.

“Apple là cái gì, tôi không bao giờ dùng Apple”

Nhóm này ban đầu họ có thể không ghét Apple đến thế, thậm chí vài người còn có thể thuộc nhóm trung lập vốn khó bị kích động bởi những cuộc chiến vô bổ không hồi kết. Nhưng sau khi tham gia vài cuộc tranh luận cá nhân mà bị nhóm sùng bái có lời lẽ cực đoan thì tất yếu tâm lý chiến đấu tới cùng của họ bùng lên. Apple trở thành nạn nhân dù Apple chả hề nói ghét những người này, vì nhóm sùng bái, bây giờ nhóm ghét cay đắng sẽ coi những gì thuộc về Apple là kẻ thù không đội trời chung. Thực tế trong nhóm này cũng còn nhiều nhóm nhỏ khác khi chính họ cũng trở thành thành viên của một vài nhóm sùng bái khác như Symbian, Anroid, BlackBerry về hệ điều hành. Hoặc như là của thương hiệu như HTC, RIM, Samsung, LG,… Tựu chung lại thì xích mích giữa các nhóm sùng bái nhỏ này cũng có tuy nhiên không bao giờ căng thẳng và nặng nề bằng xích mích giữa họ với nhóm sùng bái Apple. Kẻ thù của kẻ thù là bạn, đương nhiên khi gặp cuộc chiến với Apple, họ tựu chung lại thành bạn, thành 1 nhóm ra sức công kích và khích bác lại các ý kiến của nhóm sùng bái Apple. Điều thú vị là nhiều thành viên nhóm ghét cay đắng vẫn sở hữu các sản phẩm của Apple thậm chí nhiều hơn 1 và họ cũng có thể bị chinh phục 1 chút nào đó. Nhưng vì vẫn chưa đủ độ chín để trở thành người tiêu dùng bản lĩnh và kinh nghiệm để gia nhập nhóm trung lập. Họ vẫn dễ bị kích động, thay vì nhìn nhận sự rành mạch, lại gặp phải những sự cực đoan từ nhóm sùng bái, bằng kinh nghiệm sử dụng Apple họ lại càng có lí lẽ để chỉ trầm trọng hóa các yếu điểm.

Thành viên nhóm này thay đổi không có dự báo trước, có thể tăng lên rất nhanh và sau đó giảm xuống cũng rất mau chóng. Lí do là họ không phải cùng lập trường quan điểm vững chắc như nhóm sùng bái, họ vẫn có các quan điểm riêng và sự sùng bái riêng, chính vì thế trong bản thân nhóm này cũng có những tranh cãi đôi khi nảy lửa. Và nếu họ quay mặt lại với nhau thì 1 trong 2 sẽ có thể trở thành bạn của nhóm sùng bái vào ngày hôm sau và giúp sức nhóm sùng bái chiến đấu lại nhóm ghét cay đắng.

Nhiều người sẽ hả hê trước sự ra đi của Steve Jobs vì họ cho rằng ngày tàn của Apple đã đến, họ đương nhiên sung sướng hoan hỉ và điều này. Lí do cũng không phải không chính đáng, ở phía trên trong nhóm sùng bái tôi có phân tích qua. Cách họ phản ứng hoàn toàn bình thường và dễ hiểu, như nhóm sùng bái luôn muốn Apple ở vị trí hàng đầu thì nhóm ghét cay đắng không bao giờ muốn điều đó, họ cũng sùng bái các thương hiệu khác và muốn thương hiệu của họ vượt lên trên Apple.

Kết luận

Bản thân tôi ban đầu tôi ở nhóm ghét cay đắng, tôi cũng có thương hiệu yêu thích riêng của bản thân, và tôi cũng ghét cách ăn nói đầy ngông cuồng của nhóm sùng bái. Các bạn dễ dàng tìm các bài viết cũ của tôi đả kích nhóm sùng bái, nhưng chỉ với các thành viên cực đoan, còn với những người sùng bái chân chính tôi luôn luôn tôn trọng họ, và tôi phân biệt rõ điều đó trong các bài viết. Sau này tôi chuyển hẳn sang nhóm trung lập vì vốn dĩ tôi ở nhóm này lúc đầu, rồi sang nhóm ghét cay đắng trong chốc lát mà thôi. Tôi coi trọng các đánh giá trung lập có tính khách quan, nhìn rõ điểm yếu điểm mạnh để trở thành người tiêu dùng thông thái mới là mục đích của tôi. Không phủ nhận khi hiện thời tôi đang thỏa mãn với sản phẩm iPhone 4 của Apple, nhưng chỉ có thế, các sản phẩm khác của Apple vẫn chưa vào được danh mục hàng sẽ mua của tôi. Vì thế cũng rất khó để tôi xếp bản thân dù là vào cuối danh sách của nhóm sùng bái.

Biết viết này không nhắm công kích hay tranh luận bất kì một vấn đề nào. Hoàn toàn là cảm hứng cá nhân đưa tôi đến bài viết này. Mục đích là vẽ lại cái nhìn tổng quan về cách nhìn của các nhóm đối tượng khác nhau về phía Apple. Cũng có mong muốn sâu xa là các thành viên tinhte có thể cân nhắc lại văn phong khi tranh luận trong diễn đàn. Thay đổi các từ ngữ kích động sang ôn hòa, từ tâm lý đối đầu sang tranh luận mang tính xây dựng. Cuối cùng, tôi chắc chắn các bạn không thể nào phủ nhận được thành công của Apple và đặc biệt dưới sự dẫn dắt tài tình của Steve Jobs.

© 2011 by Kenny J Le, tinhte.vn


QUẢNG CÁO



CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ:


CÁC CHỦ ĐỀ KHÁC: