Nhịp sống số

Nhìn lại 20 năm chuyển đổi mạng Viễn thông

Với nhiều khách hàng tại TP HCM, khái niệm viễn thông trước đây chủ yếu chỉ xoay quanh các dịch vụ nghe- gọi điện thoại, nhắn tin. Mãi sau này có thêm khái niệm Internet, băng thông rộng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trên nền tảng mạng viễn thông kỹ thuật số hiện nay (được chuyển đổi từ mạng Analog-cơ sang Digital- kỹ thuật số), Viễn thông (VNPT) TP HCM phát triển thêm rất nhiều dịch vụ tiện ích, hiện đại khác đã và đang được thị trường khai thác triệt để.
 


Nảy sinh từ nhu cầu thực tiễn
 

Sau ngày 30/4/1975, Viễn thông (VNPT) TPHCM tiếp quản mạng lưới viễn thông do chế độ cũ để lại, đặc trưng là hệ thống điện thoại với tổng đài cơ khí ngang dọc, từng nấc, tổng dung lượng khoảng gần 30.000 số với gần 25.000 thuê bao, tập trung chủ yếu ở nội thành. Giai đoạn này, thiết bị và mạng truyền dẫn, nhất là cáp xuống cấp nghiêm trọng, không vật tư, thiết bị thay thế. Thời kỳ vô cùng khó khăn cho hoạt động viễn thông của thành phố cả về hạ tầng cùng điều kiện kinh tế chung còn nhiều hạn chế. Mạng điện thoại chỉ hoạt động cầm chừng, tổng đài hay hư hỏng. Trong khi đó, nhu cầu khách hàng đang dần tăng cao và tạo áp lực buộc phải đổi mới, phát triển nhằm cung cấp thêm nhiều dịch vụ chứ không chỉ nghe- gọi.
Hiện VNPT TPHCM đang sở hữu mạng lưới hiện đại với gần 10 triệu số điện thoại: 2 triệu số điện thoại cố định và 8 triệu số di động, cùng 500 ngàn cổng cho Internet MegaVNN, có 300 đài trạm, trên 1000 trạm BTS của điện thoại di động Vinaphone. Các dịch vụ của Viễn thông TP.HCM được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. 
 

Trước nhu cầu bức thiết của thị trường, VNPT TPHCM đã quyết định mua tổng đài Starex của Hàn Quốc để tăng dung lượng và tự động hóa mạng viễn thông cho thành phố, các tỉnh thành miền núi phía bắc. Năm 1990-1991, bằng việc lắp đặt 2 tổng đài điện thoại điện tử 45.000 số do Alcatel, Siemens sản xuất, VNPT TPHCM và viễn thông các tỉnh cùng mở rộng và hoà chung mạng lưới phát triển mạng điện thoại đường dài. Đây là tiền đề để dịch vụ điện thoại liên tỉnh có điều kiện phát triển và góp phần vào hệ thống điện thoại di động bùng nổ về sau này.  


Nền tảng mới, thêm nhiều dịch vụ mới
 

Từ cột mốc trọng đại năm 1991, (thời kỳ chuyển đổi mạng Analog sang Digital), năm 1992, hệ thống điện thoại di động đầu tiên (Call-link) ở Việt Nam được đưa vào hoạt động tại TP HCM. Bước đột phá tiếp theo về phương tiện liên lạc di động để đến năm 1996, hệ thống điện thoại di động Vinaphone công nghệ GSM được đưa vào khai thác. Chính từ thời điểm này, hàng loạt dịch vụ cộng thêm ngoài “nghe- gọi” đã nảy nở như: dịch vụ 108, điện hoa, những trang vàng, PCN (chuyển phát nhanh)… Đặc biệt, dịch vụ Fax ra đời đã giải quyết được vấn đề kiều hối, làm cơ sở chuyển đổi hàng triệu USD về Việt Nam. Đến nay, so với các phương tiện liên lạc khác như email thì Fax vẫn được ưa dùng. Thậm chí dùng phổ biến ở các doanh nghiệp vừa- nhỏ, hộ kinh doanh gia đình do tính tức thì. Nhiều khách hàng cho biết, email nhanh, tiện nhưng nhiều khi Internet trục trặc hoặc mất điện thì Fax vẫn “lợi hại” hơn cả.  
 

Hiện, số lượng dịch vụ cộng thêm ở VNPT TPHCM nhiều khó mà nhớ nổi. Bên cạnh dịch vụ cố định quá quen thuộc thì phương tiện liên lạc được sử dụng nhiều nhất là di động và Internet MegaVNN. Năm nay, với sự phát triển mạnh của băng thông rộng, các dịch vụ như FiberVNN, Metronet có số lượng khách hàng lớn hơn nhiều so với năm ngoái. Không chỉ có khách hàng doanh nghiệp, nhiều hộ gia đình, cá nhân, công ty nhỏ có điều kiện chỉ thích chọn FiberVNN vì trên nền tảng này có thể dùng thêm nhiều dịch vụ khác như MyTV, MegaEyes, hội nghị truyền hình hay mới nhất là MegaERP (hệ thống quản lý thông minh cho doanh nghiệp trên nền điện toán đám mây)… Còn MetroNET lại được các khu xông nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chọn làm “nền tảng” cho mạng băng thông rộng nội bộ. 
 

Doanh thu phát sinh của VNPT TPHCM sau khi chia tách mỗi năm tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Riêng năm 2010 đạt trên 4000 tỷ đồng, góp phần cùng VNPT đạt doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững trên thị trường BCVT-CNTT. 


Tiến đến 4G và điện toán đám mây
 

Di động 3G đang dần quen thuộc với mọi người dùng có nhu cầu di chuyển liên tục nhưng vẫn không ngừng kết nối công việc trên điện thoại, máy tính. Mục tiêu sắp tới của VNPT TPHCM là tiếp tục hoàn thiện hệ thống để tiến tới hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 4. Theo VNPT TPHCM, phải hoàn thiện và không ngừng nâng cấp hạ tầng viễn thông kỹ thuật số mới có thể đáp ứng nhanh và đầy đủ nhu cầu đa dạng của các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: tư vấn thiết kế hạ tầng, cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp CNTT, dịch vụ riêng ảo, Datanet, bảo trì hệ thống…Song hành cùng di động thế hệ thứ 4, trong tương lai gần nhất, khách hàng sẽ thụ hưởng thêm nhiều dịch vụ tiện ích khác dựa trên công nghệ điện toán đám mây đang được VNPT TPHCM tập trung đầu tư với tốc độ truyền dẫn cao, ổn định, chi phí hợp lý.  
 
 

Đêm 29/12/1991, đêm lịch sử của Viễn thông TPHCM khi chuyển đổi thành công tổng đài Analog sang tổng đài kỹ thuật số Digital bằng việc lắp đặt 2 tổng đài điện thoại điện tử 45.000 số. Cột mốc quan trọng đánh dấu mốc son mở đầu cho sự phát triển công nghệ Viễn thông Việt Nam sánh vai cùng công nghệ thế giới. Từ đây, hàng loạt dịch vụ đa dạng, tiện ích phục vụ nhu cầu liên lạc đã không ngừng phát triển. Điển hình như: cố định, đường dài, quốc tế, MegaVNN, FiberVNN, MetroNET, 3G, Datanet, mạng riêng ảo, hội nghị truyền hình, MyTV, MegaEyes, VoIP…Và mới đây nhất là MegaERP trên nền điện toán đám mây. 


 
 
 
Vy Ái Dân