Nhịp sống số

Nhà mạng thưa khuyến mãi, sim rác tái bùng phát

Khách mua dễ, giá rẻ, tài khoản khủng, người buôn hưởng lãi lớn..., sim rác tái bùng phát khi nhà mạng siết khuyến mãi thẻ cao. Theo đó, việc quản lí thuê bao trả trước của các hãng viễn thông gặp không ít khó khăn.

Mỗi tháng dùng hết gần một triệu tiền điện thoại, chị Nguyễn Thúy Mai, nhân viên của một cơ quan truyền thông ở Trường Chinh, Hà Nội đành chuyển sang dùng sim rẻ. Chị kể, vài tháng nay, cơ quan hỗ trợ 200.000 đồng mỗi tháng rồi yêu cầu nhân viên liên lạc với đối tác bằng điện thoại cá nhân, chi phí quá đắt nên chị không thể kham nổi. "Chờ mãi, cả tháng, nhà mạng mới khuyến mãi thẻ cào một lần, thậm chí còn lâu hơn, mà cũng chỉ được tặng 50% giá trị card, dùng sim rác rẻ hơn nhiều", chị Mai nói.

Sim rác tái bùng phát khi nhà mạng thưa khuyến mãi. Ảnh: Xuân Ngọc.

Theo đó, chị chỉ cần mua 5 chiếc sim rác loại tài khoản 115.000 đồng với tổng chi phí 200.000 đồng cùng 150.000 đồng cước sim chính là dùng đủ cả tháng. Khoản đó tính ra tiết kiệm khoảng một nửa so với bình thường và rẻ hơn 30% nếu nạp thẻ lúc được khuyến mãi 50%.

Chị Mai cho biết thêm, trước kia, ưu đãi của nhà mạng là 100% giá trị thẻ, khuyến mãi liên tục nên thời điểm cần liên lạc nhiều, chị cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc dùng 2 sim vì sợ bất tiện. Nhưng nay máy 2 sim, 2 sóng khá rẻ, viễn thông lại ít giảm giá nên chị đành đầu tư một chiếc điện thoại mới để xài sim tài khoản khủng.

Mặc dù đã có quy định về thuê bao trả trước, song tại thời điểm này, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua sim rác, tài khoản khủng mà không cần đăng kí thông tin tại nhiều cửa hàng, đại lí trên các tuyến phố như Kim Mã, Trường Chinh, Trương Định, Đại La, Nguyễn Thái Học... Được bán nhiều nhất là sim của Viettel, MobiFone, VinaPhone với giá 40.000 - 45.000 đồng, tài khoản 115.000 đồng. Một số sản phẩm khủng hơn như sim MobiFone giá 180.000 đồng có 600.000 đồng, VinaPhone giá 80.000 đồng có 250.000 đồng...

Anh Nguyễn Văn Thịnh, chủ một cửa hàng bán sim thẻ ở Kim Mã, Hà Nội cho biết, hơn 2 tháng gần đây, khuyến mãi của nhà mạng thưa nên sim rác bán chạy hơn. Trung bình mỗi ngày, anh tiêu thụ được từ 5 đến 10 chiếc. Tuy chưa bằng thời kì hoàng kim nhưng con số đó đã tăng mạnh so với năm ngoái.

Chủ kinh doanh này cho hay, rất khó để yêu cầu khách mua sim đăng kí thông tin. "Tiện là tiêu chí số một, đòi hỏi lằng nhằng chỉ mất khách. Mình không phải nhà mạng, họ lo cung cấp chứng minh thư rồi mất thông tin cá nhân nên quy định thì nắm rõ nhưng thực hiện khó lắm", anh Thịnh nói.

Giới kinh doanh sim số còn có một lí do khác để đẩy mạnh, tái bùng phát sim rác. Anh Nguyễn Văn Hưng, kinh doanh sim số đẹp và sim thẻ hơn 5 năm ở Hà Nội tiết lộ, với mỗi sim rác, người bán lãi 2.000 - 5.000 đồng. Trong khi đó, cả lô thẻ cào loại 100.000 - 500.000 đồng, nhập vốn lớn vài chục triệu mỗi lần nhưng khi bán, người kinh doanh chỉ được 500-2.000 đồng mỗi chiếc. Loại thẻ giấy, mệnh giá nhỏ 10.000 - 20.000 đồng, lợi nhuận chỉ được 200 đồng.

Theo anh Hưng, lãi lớn nên ngay khi khách có nhu cầu, người kinh doanh sim sẵn sàng cung ứng, thậm chí nếu phải hạ giá đôi chút, khoản tiền thu về vẫn lãi hơn bán thẻ cào. "Sim rác họ tự sản xuất, bắn tiền, gom, chuyển tài khoản, để lâu, giá trị càng lớn. Còn thẻ cào giờ còn có thời hạn sử dụng. Cái gì lãi lớn thì nguồn cung sẵn sàng hơn", anh Hưng nói.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của MobiFone cho biết, việc bùng nổ sim rác gây lãng phí tài nguyên số, khiến các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn trong việc quản lí thuê bao thực hoạt động. Hiện nay, nhà mạng này cũng như Viettel, VinaPhone đang làm chặt theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lí thuê bao trả trước.

Theo đó, tất cả những trường hợp sử dụng sim không đăng kí thông tin đều khuyến cáo khai báo theo đúng quy định. Sau thời gian gia hạn, nếu bị phát hiện, thuê bao ảo sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ. "Khi mua sim, khách hàng nên thực đăng kí chính chủ bằng chứng minh thư để được nhà mạng bảo vệ quyền lợi", ông nói.

Vị đại diện này cho rằng, việc hạn chế sim rác còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của các đại lí kinh doanh - người trực tiếp tiêu thụ sản phẩm này và đăng kí thông tin cho khách hàng. Theo ông, mặc dù chưa ngăn chặn được triệt để, song so với thời điểm mới bùng phát cách đây 2 năm, vấn nạn sim rác đã được hạn chế nhiều.

Theo VnExpress