Nhịp sống số

Nghề báo “đeo đẳng” tôi như là duyên phận

Nghề báo “đeo đẳng” tôi như là duyên phận
Trải lòng mình với nghề báo bằng sự chân thành, giản dị, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã dành nhiều giờ trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận.

<>

Khẳng định đến với nghề báo như một duyên phận, ông có cái nhìn đa dạng, sâu sắc về nghề. Và hẳn không lạ lắm khi biết, người đang trò chuyện là một tiến sỹ kinh tế và giữ chức vụ Tổng biên tập một tờ báo hàng đầu về kinh tế hiện nay.

Nhà báo TS. Nguyễn Anh Tuấn

Thời gian gần đây, báo Đầu tư được đánh giá rất cao gắn với tên tuổi tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn. Người chèo lái con thuyền này hẳn là hạnh phúc với điều đó?

- Hẳn là bạn đang ưu ái tôi rồi. Tôi xuất thân là một nhà kinh tế. Năm 28 tuổi sau khi bảo vệ luận án Phó Tiến sỹ kinh tế tại Ba Lan, tôi trở về nước với tâm huyết sẽ là một chuyên gia kinh tế, nhưng ít năm sau, theo nhiệm vụ phân công tôi đến với nghề báo, rồi cứ thế bị cuốn vào công việc thú vị này. Năm 1991, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư nhận thấy cần có một tờ báo tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại, chính sách đối ngoại và hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Lúc đó tôi là một chuyên viên tổng hợp và ham mê viết lách nên được cử sang để cùng một số anh em khác xây dựng tờ báo. Và quyết định điều động 3 tháng đã kéo dài gần 10 năm. Đến nay, chặng đường nghề nghiệp của tôi có hai nghề chính. Một là chuyên viên làm việc quản lí nhà nước về đầu tư. Và thứ hai là nghề làm báo với 10 năm của thế kỉ trước và 5 năm vừa rồi. Tôi nghĩ nghề báo là một nghề đến với mình từ rất sớm, nhưng thành thực chưa bao giờ sẽ lựa chọn nó làm nghề nghiệp suốt đời. Nhưng nghề báo cứ đeo đẳng tôi như một duyên phận.

Hiện nay các tờ báo đang gồng mình phát triển nội dung thông tin nhưng cũng đổ xô kiếm tìm quảng cáo để tồn tại. Liệu có sự mẫu thuẫn trong hai chiến lược đó không, thưa ông?

- Tôi cho đó là những hướng đi phù hợp với tình hình thực tế vì các báo phải tự trang trải về tài chính. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn một cách khách quan và toàn diện để lựa chọn cách đi sao cho hiệu quả, vừa đảm bảo định hướng thông tin, vừa củng cố được tiềm lực tài chính. Một tờ báo muốn làm kinh doanh tốt thì trước tiên chất lượng tờ báo phải tốt. Doanh nghiệp nào cũng muốn quảng cáo trên một tờ báo có lượng phát hành lớn. Nội dung thông tin và kinh doanh báo chí luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để phát triển kinh doanh thì trước hết phải có nội dung tốt, mà muốn nội dung tốt thì đòi hỏi hoạt động kinh tế báo chí phải hiệu quả để có tiền đầu tư nâng cấp trang thiết bị, tăng lương, nhuận bút…Tôi cho rằng, nếu tờ báo nhìn nhận đúng sự tương trợ lẫn nhau giữa hai chiến lược đó thì không hề tạo ra những mâu thuẫn hay cản trở gì trong hoạt động của tòa soạn.

Đối tượng mà báo Đầu tư hướng đến khá đặc biệt, có sự kết hợp ba vai trò: đối tượng đọc báo, đối tượng viết bài, đối tượng… mời quảng cáo để phát triển kinh tế báo chí?

- Đúng vậy. Nhưng báo Đầu tư luôn tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên. Người viết bài phải hiểu độc giả của mình cần gì. Người mời quảng cáo phải hiểu nếu quảng cáo trên báo Đầu tư thì họ sẽ được gì. Nếu họ đăng một quảng cáo vô nghĩa, phải trả một khoản tiền nhất định thì giỏi lắm họ chỉ đăng 1 lần với sự nể nang nào đó rồi thôi. Nhưng nếu hiệu quả rõ rệt từ việc quảng bá thì doanh nghiệp sẽ không tiếc tiền để quảng cáo. Phát hành khoảng 2- 3 vạn mỗi kì, chúng tôi đặt ra định hướng cung cấp thông tin phải mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp- bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Chúng tôi hài lòng về những việc đã làm được cho lợi ích đất nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Có đánh giá rằng: dường như mối quan hệ của doanh nghiệp và báo chí “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tổng biên tập nghĩ sao về điều đó?


- Có một số doanh nghiệp như vậy, nhất là các doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm pháp luật bị báo chí phê phán, chỉ trích. Nhưng tôi khẳng định càng ngày các doanh nghiệp càng nhận rõ vai trò của thông tin đối với sự phát triển của họ. Hiện nay các doanh nghiệp rất coi trọng việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông báo chí. Họ coi báo chí là cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giữa nhà đầu tư với nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lí nhà nước. Những người làm báo với trách nhiệm của mình lên tiếng bảo vệ doanh nghiệp làm ăn theo pháp luật, đồng hành cùng với họ, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh theo đúng pháp luật. Xét cho cùng các nhà báo viết về kinh tế phải góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Báo in dường như ngày càng yếu thế trong cuộc cạnh tranh với truyền hình, internet. Là Tổng biên tập của một tờ báo in có khá nhiều ấn phẩm, ông lo lắng chứ?

- Đúng là báo in đang bị cạnh tranh khốc liệt của truyền hình và internet, thậm chí có những tiên đoán về sự chấm dứt số phận của nó. Tôi cho rằng, mỗi loại hình báo chí đều có thế mạnh riêng, nhưng báo in cần có giải pháp để “thoát hiểm”. Vì vậy, Báo Đầu tư đặt ra chiến lược phát triển là phải xây dựng một cơ quan báo chí đa phương tiện. Tức là từng bước kết hợp báo in với báo điện tử, kết hợp sức mạnh của báo điện tử để phát triển và tiếp tục hiện đại hóa các phương tiện truyền thông ngoài báo in, cải thiện các phương thức truyền tải thông tin cho phù hợp và tìm kiếm khoảng riêng cho báo mình. Báo Đầu tư là tờ báo đa ấn phẩm, đa ngữ, có 4 tờ báo in, 3 tờ báo điện tử và mỗi tờ báo lại có đối tượng phục vụ khác nhau, nhưng phải kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau.

Ông có vẻ tự tin trước bối cảnh không mấy tươi đẹp này?

- Nói cách khác là tôi nhận thức rất rõ sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Tôi không quá bi quan với báo in, ít nhất là trong vòng 1 thập kỉ tới. Tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào nỗ lực và các giải pháp cụ thể mà chúng tôi đã, đang và tiếp tục làm. Với tôi tổng biên tập là một nghề, nghề nặng nhọc. Trong quá trình hành nghề, một tổng biên tập vừa phải chỉ đạo nội dung vừa phải đóng vai trò là một tổng giám đốc, tức là luôn nghĩ tới việc phát triển kinh tế báo chí, chứ không chỉ thuần túy chỉ đạo thông tin. Chúng tôi coi trọng cả 2 nhiệm vụ và trên cơ sở đó, phấn đấu để đến năm 2020 trở thành một tờ báo kinh tế có vị trí xứng đáng trong khu vực.

Vâng, xin cảm ơn ông.

Hà Vân

Nhà báo và Công luận