Điện thoại

Ngày cuối năm của những người lính ngự lâm miền biên viễn

"Tết là lúc thấy nhớ nhà, nhớ người thân nhất. Có người 5 năm rồi chưa được về quê ăn Tết cùng gia đình. Thế nhưng, nỗi nhớ nhà cũng là động lực để mỗi người lính biên phòng như chúng tôi cố gắng phấn đấu hơn...", người lính biên phòng trạm Pu Hao bùi ngùi kể.

Chúng tôi đến thăm Trạm biên phòng Pu Hao thuộc đồn biên phòng 453 nằm giáp biên giới nước bạn Lào nằm men men bên con đường đất thuộc bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La vào một buổi giữa đông.

Cái tê buốt của Hà Nội chẳng thấm vào đâu so với mảnh đất miền biên viễn quanh năm sương gió này. Tôi suýt xoa hai bàn tay đã tê cóng vì giá buốt, hai má ửng đỏ vì nứt nẻ trong cái hanh hao của tiết đông. Ấy vậy mà, từ khi gà trên bản đã đi ngủ, trăng treo trên đỉnh núi, người chiến sỹ biên phòng với độc bộ quân phục, lặn lội băng rừng khuya để làm nhiệm vụ tuần tra...

Trạm Pu Hao có 5 chiến sỹ còn khá trẻ. Người lớn tuổi nhất mới vừa 30, người trẻ nhất vừa tròn 22. Khỏi phải nói họ mừng thế nào khi có đoàn lên thăm. Trung Úy Nguyễn Khắc Thanh, trạm trưởng vừa rót chén nước chè ngun ngút khói vừa hồ hởi tếu táo: "Lâu lắm rồi anh em không nhìn thấy cô gái miền xuôi nào. Nghe sếp trên nói có nữ phóng viên đến thăm làm anh em sốt ruột cả đêm...".

Theo lời Trung Úy Thanh, cuộc sống của những người lính canh giữ biên giới khốn khổ nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Ở Trạm Pu Hao có người hai năm, thậm chí 5 năm chưa được ăn Tết ở nhà. Thế nên, khi cành đào rừng bên bờ suối chúm chím ra nụ cũng là lúc nỗi nhớ nhà càng cồn cào hơn bao giờ hết.

"Thiếu Úy Cà Văn Pản là người "bám" trạm lâu nhất ở đây. Cả lo cưới xin, anh ở nhà với vợ vẻn vẹn 7 ngày rồi biền biệt. 5 năm rồi chưa một lần cùng vợ ăn lấy một cái Tết. Làm nhiệm vụ như chúng tôi, việc được về phép đúng niên hạn hiếm lắm. Nhưng nỗi nhớ nhà đồng thời cũng là động lực để anh em cố gắng hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...", Trạm trưởng Thanh cho hay.

Sự thiếu thốn tình cảm của người lính biên phòng bày ra.. đằng miệng, còn sự thiếu thốn vật chất thì hiển hiện qua cái... bếp. Nồi xoong ám khói đen sì. Căn bếp ghép bằng ván gỗ thông thống gió tạt cay sè mắt. Đến bữa ăn, mấy chiến sỹ trẻ loay hoay chỉ lo thiếu bát đũa tiếp khách.

Trạm Pu Hao cũng vừa có điện chưa đầy một năm, nhưng chỉ là dòng điện nhập nhoạng tự chế bằng máy hơi nước. Trước kia, khi bóng tối biên phòng ập đến, trạm chỉ leo lét với ánh sáng đèn dầu.

Ngay cả nhà tắm của các chiến sĩ cũng chỉ là vài tấm bạt quây tròn không nóc... Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, vất vả đủ đường thế nhưng tuyệt nhiên trên nét mặt họ không hề có sự buồn chán, ngược lại, cái phẩm chất lạc quan, yêu đời và cái "chất lính" của bộ đội cụ Hồ vẫn vẹn nguyên trên khuôn mặt những "anh lính ngự lâm" miền biên viễn này.

Nhiệm vụ chính của trạm là nhập biên cho cư dân hai biên giới Việt - Lào, hướng dẫn giúp đỡ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, tổ chức tuần tra mật phục, truy bắt các loại đối tượng phạm tội (nổi cộm là tàng trữ, buôn bán trái phép ma túy, vượt biên trái phép, khai thác trái phép lâm thổ sản...).

Làm nhiệm vụ canh giữ chốn biên thùy, các chiến sỹ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi nơi đây các đối tượng phạm tội rất nhiều và liều lĩnh.

Đầu tháng 11, khi đang thực hiện tuần tra, mật phục, các chiến sỹ đã phát hiện hai đối tượng lạ mặt. Khi yêu cầu dừng xe, các đối tượng này đã liều lĩnh tông xe thẳng vào 3 chiến sỹ đang làm nhiệm vụ, sau đó còn dùng dao chống trả quyết liệt. Phải mất nhiều giờ đấu tranh, các chiến sỹ mới khống chế và bắt giữ được hai đối tượng nguy hiểm này.

Từ trạm Pu Hao đến khu trung tâm cách hơn 14 km, việc mua bán, chợ búa rất khó khăn. Vì thế, ngoài các nhiệm vụ chính, chiến sỹ biên phòng còn tăng gia sản xuất, chăn nuôi...

Những luống rau xanh mướt vươn mình trên mảnh đất miền biên viễn.

Bữa cơm của các chiến sỹ cũng hết sức đạm bạc.

Cột "bắt sóng" đặc biệt tự chế của các chiến sỹ.

Trạm Pu Hao mới bắt được sóng điện thoại cách đây nửa tháng. Tuy nhiên, sóng chỉ bắt được duy nhất tại một điểm, và khi nghe điện thoại các chiến sỹ phải đứng yên "bất động" và nói chuyện điện thoại như hát opera... Chỉ lệch máy đi một chút là sẽ không còn chút sóng nào.

Một góc cá nhân của các chiến sỹ biên phòng.

"Cách đây 10 năm, khi chia tay mình vẫn nhớ như in hình ảnh anh lính Trạm Pá Khoang đứng vẫy tay chào nhà báo mà nước mắt đỏ hoe. Đến nay, những anh lính “lấy binh làm nghiệp” trên chiều dài biên giới vẫn quả cảm và nghĩa tình như thế", anh bạn tôi bùi ngùi kể sau cái ôm thật chặt đầy quyến luyến với những chiến sỹ Trạm Pu Hao.

Lê Trang

Theo Infonet