Nhịp sống số

Mỏng manh ranh giới của tự do báo chí

"Tự do báo chí là một quyền cơ bản của con người, được pháp luật của mọi nhà nước hiện đại thừa nhận và bảo vệ. Quyền này gắn liền với quyền tự do ngôn luận và là một thành tố của quyền tự do ngôn luận”, TS. Đặng Dũng Chí, Giám đốc Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định tại Hội thảo “Báo chí, Truyền thông với quyền con người” hôm nay 23/2 tại Hà Nội.

(ICTPress) - <>

Ảnh minh họa

Theo ông, báo chí đóng vai trò hết sức cần thiết cho bất cứ xã hội nào và tạo thành nền tảng vững chắc cho mọi xã hội dân chủ. Ngày nay báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân quyền, cũng như phát hiện những vi phạm đối với quyền tự do cơ bản của công dân.

TS. Mila Rosenthal, chuyên gia về quyền con người, Trường nghiên cứu xã hội mới, New York đã dẫn chứng những ví dụ sinh động cho việc các tin tức tốt của các tờ báo về các vấn đề nhân quyền có tác động tích cực.

Báo Người New York (The New Yorker) năm 2003 có điều tra sâu là một bài báo cũng nói đến nô lệ trong thời hiện đại về các công nhân người Mexico thu hoạch cà chua tại Florida đã bị giữ lại làm việc bất hợp pháp trên các đồn điền và bị ép làm việc trong các điều kiện bị thống khổ, ngược đãi, làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt nhưng lương rất thấp hầu như không có được bao nhiêu và bị bảo vệ, trốn lủi khỏi các cơ quan pháp luật. Bài báo đã phanh phui và tạo tiếng vang. Kết quả người lao động được tăng lương, thoát khỏi cảnh lao động như nô lệ.

Một ví dụ khác là Báo Người Bảo vệ (The Guardian) của Anh đã tố cáo công ty Trafigura, một doanh nghiệp đã cho tàu xả 500 tấn chất độc hại ở Bờ Biển Ngà do các nước châu Âu không cho phép tàu neo đậu, gây nhiễm độc cho 108.000 người, theo tin của BBC (hãng đã bị công ty này kiện vì tội phỉ báng nhưng không thành công) và của tờ Guardian. Kết quả của vụ việc này là một số người của công ty bị bắt giữ và kết án tại tòa án Hà Lan. Người đưa đơn kiện công ty này là những người sống sót từ thảm họa.

Một vụ việc nữa gây tranh cãi là một phóng viên của tờ báo Thời báo New York đã thực hiện một loạt bài về quyền con người ở Afganistan bị bạo hành, xâm hại đến như thế nào. Đó là một phụ nữ trẻ mới 15 tuổi bị chồng nhốt và tra tấn ở nhà bằng vật cứng,… Tình trạng của cô tồi tệ và tại bệnh viện cô trả lời phỏng vấn. Tin này được đưa lên Thời báo New York. Sau đó có 1 phản hồi rất quan tâm từ hội nữ quyền của Mỹ đòi hỏi điều tra sâu về sự xâm xâm phạm. Một nhóm nhân quyền thì cho rằng 15 tuổi (thực chất cô 13 tuổi) thì chưa đủ tuổi để trả lời phỏng vấn báo chí. Vậy, tin này có nên đăng tải hay không. Tòa soạn báo Thời báo New York đã điều tra nội bộ dưới sự dẫn dắt của một biên tập viên chính tương tự như thư ký tòa soạn Việt Nam chuyên về đạo đức báo chí để xem xét bài báo có thích hợp để đăng không. Điều tra nội bộ kết luận cần phải thận trọng hơn bảo vệ quyền tự do cá nhân, xem xét sự cân bằng giữa tổn hại và đạo đức báo chí.

TS. Mila Rosenthal cho rằng đây là ví dụ điển hình về bảo vệ nhân quyền. Tờ Thời báo New York nổi tiếng về điều tra cũng phải đau đầu xem đăng hay không đăng.

Trong khi đó, TS. Đỗ Chí Nghĩa, Phó Trưởng khoa Phát thanh, Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đề cập đến vụ việc  ông Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một ví dụ nóng hổi. Chính việc bị hành xử thô bạo, nguy cơ bị tước đoạt tài sản đã mất bao xương máu, công sức gây dựng nên đã khiến người nông dân có bằng kỹ sư nông nghiệp có hành vi manh động, nổ súng vào lực lượng cưỡng chế. Với cách thông tin khách quan, kiên trì, đầy quả cảm và trách nhiệm, báo chí đã giúp công chúng và các cơ quan nhà nước tiếp cận vấn đề một cách khách quan, đa diện, đầy đủ hơn. Đó là một thông tin quan trọng để các chuyên gia, các vị lãnh đạo lên tiếng phân tích về các góc độ khác nhau của vụ việc và Thủ tướng Chính phủ đã chính thức kết luận những sai trái của chính quyền cơ sở ở Tiên Lãng và Hải Phòng, nguyên nhân trực tiếp đẩy ông Đoàn Văn Vươn và người thân đến chỗ phạm tội.

TS. Đặng Dũng Chí cho biết: thực tế cho thấy, báo chí có vai trò to lớn trong bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, ông, cho rằng: «ranh giới của tự do báo chí thật mỏng manh. Đôi khi do mục tiêu khám phá sự thật, truy tìm công lý, nhà báo đã vô tình bước vào “vùng cấm”. Chẳng hạn nhà báo khai thác quá sâu và đưa những thông tin về đời tư của một cá nhân, hay trích dẫn phát ngôn của những cá nhân có trách nhiệm trong một sự kiện, khi chưa được kiểm chứng đầy đủ, có thể tạo bất lợi cho cá nhân đó trong một vụ án hoặc một sự kiện “nhạy cảm”. Nhà báo cũng cần cẩn trọng khi đưa tin về những sự kiện được xem là nhạy cảm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, bởi hệ lụy rất khó hình dung được »

Một số tờ báo khi đưa tin về nghi can trong vụ án, đã tỏ ra tự tin khi công khai hình ảnh hoặc đưa ra bình luận về họ như là một sự lăng mạ... đã không biết rằng việc này đã vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã được quy định trong luật nhân quyền quốc tế cũng như pháp luật của hầu hết quốc gia. Tương tự, việc đưa hình ảnh hoặc tên thật của trẻ em trong một sự kiện vi phạm quyền, nhất là ở những sự kiện “nhạy cảm” cũng vi phạm nguyên tắc “dành những lợi ích tốt nhất cho trẻ”…

TS. Trần Bá Dung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam cho biết: Nhiều vụ việc phóng viên bị cản trở hoặc hành hung khi tác nghiệp, được báo chí lên tiếng phản ánh, phía Hội nhà báo Việt Nam đã bày tỏ kịp thời quan điểm và có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý thích đáng theo pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khi tìm hiểu thì thấy thực tế là trong một số trường hợp do lỗi thái độ của phóng viên không đúng mực, gây bức xúc và dẫn đến những vụ việc đáng tiếc (như vụ phóng viên tập sự Trần Công Lũy của báo Công Lý, chưa có thẻ nhà báo, chưa có thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam). Có trường hợp khi cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ thì bản thân nhà báo hoặc cơ quan báo chí có phóng viên đó lại để nghị để tự hòa giải.

Bình luận về ví dụ của trường hợp báo New York đưa tin về việc em bé 13 tuổi ở Afganistan, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và Giáo dục Trí Việt cho biết quyền trẻ em làm sao trẻ em 13 tuổi có thể biết để bảo vệ quyền của mình bị vi phạm thế nào, báo chí phải vào cuộc.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng biên tập báo "Xưa và nay" phân tích từ "quyền tự do". Theo ông "quyền" không chỉ là tự do mà còn có nghĩa vụ. Được làm và không được làm gì. Quyền đằng sau có giới hạn, nhiều khi không được vượt quyền. Tự do thì vô hạn. Quyền của người này thì người khác cũng có quyền khác. Báo chí là công cụ. Quyền báo chí là có quyền hành nghề. Quyền báo chí là công cụ của xã hội, người dân có quyền sử dụng.

Ông cho biết báo chí cũng vi phạm nhiều. Song, nhiều khi chỉ xin lỗi. Ví dụ, như vụ việc tượng đài Điện Biên. Ông cho rằng báo chí phải có trách nhiệm đối với đối tác. Báo chí có tâm thì sẽ có cách giải quyết.

<>Mai Anh