Không thể nghi ngờ rằng vệ tinh đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của con người, chúng được áp dụng trong các lĩnh vực như liên lạc thông tin, dẫn đường, dự báo thời tiết và chụp ảnh từ xa. Thật không may, sản xuất một "cỗ máy quay quanh trái đất" có thể rất tốn kém, chưa tính đến chi phí khởi động và vận hành bên ngoài không gian. Tuy nhiên trong một số ứng dụng của vệ tinh, độ cao của nó thật sự không cần thiết. Những chiếc máy bay có thể bay cao và bay lâu (Tiếng anh là high altitude, long endurance, tạm viết tắt là HALE) cũng có thể thay thế vệ tinh, và chi phí sản xuất thì thấp hơn nhiều. Những mẫu máy bay HALE trước đây hoạt động bằng nhiên liệu truyền thống, pin, và hydro. Tuy nhiên vào ngày 13 tháng 11 vừa qua, một máy bay mới đã gia nhập hàng ngũ HALE, thậm chí còn có thể có thời gian bay dài hơn và cao hơn, vậy nó sử dụng nhiên liệu gì? Đó là sức mạnh của mặt trời.
Máy bay sử dụng năng lượng mặt trời (ELHASPA) được thiết kế và sản xuất bởi Viện nghiên cứu Robotics và Cơ điện tử DLR Đức, phối hợp với các nhóm khác bao gồm cả hãng hàng không vũ trụ EADS. Nó được thiết kế để phục vụ như là một công cụ trình diễn và cũng là phương tiện nghiên cứu để nâng cao công nghệ, cũng như thử nghiệm các ứng dụng cho các chuyến bay cao vô hạn trên bầu trời.
Máy bay không người lái có sải cánh dài 23 m, chiều dài 10 m, nặng 100 kg, và có thể mang theo một vật nặng 5 kg. Hai cánh quạt của nó sử dụng 2 động cơ điện công suất 2 kilowatt, lần lượt được hỗ trợ bởi một loạt các tấm quang điện nằm dọc trên bề mặt của cánh máy bay.
Theo DLR, chuyến bay đầu tiên của ELHASPA chỉ là bước đầu tiên để hướng tới một nền tảng khác, và nếu như được hoàn thiện, nó có thể bay tự chủ ở độ cao trên 15km trong nhiều tháng. Bạn có thể xem video chuyến bay đầu tiên của ELHASPA hoạt động chỉ được 30 giây trong điều kiện không lý tưởng cho một chiếc máy bay năng lượng mặt trời dưới đây.