Nhịp sống số

Lật tẩy ngành công nghiệp gián điệp toàn cầu

Đó không phải là câu chuyện trong phim khoa học viễn tưởng. Mỗi con người chúng ta giờ đây đều bị theo dõi, dù bạn không phải là tội phạm hay nhân vật quan trọng.

Julian Assange khẳng định bất cứ ai dùng dịch vụ Internet đều có thể bị theo dõi Ảnh: Reuters.

Nhân loại đang sống trong thời kì hiện đại và văn minh hơn bao giờ hết. Chúng ta có Internet, điện thoại để kết nối với nhau. Dữ liệu cá nhân thì được lưu trữ trên mạng (hay còn gọi là điện toán đám mây) với tài khoản cá nhân mà chỉ mỗi người chúng ta mới biết mật khẩu. Mọi thứ tưởng chừng như rất an toàn.

Tuy nhiên, theo tiết lộ mới nhất của trang WikiLeaks, những chuyện như cài bọ, nghe lén điện thoại... đã trở thành cũ kĩ.

Nhất cử nhất động đều bị theo dõi

Hằng ngày chúng ta làm bao nhiêu thứ trên Internet? Đó có thể là gửi thư điện tử, tán gẫu trực tuyến, gọi điện Skype, tương tác trên Facebook, xem video trên YouTube. .. Nhiều người nghĩ mình không quan trọng và cũng không phải là tội phạm nên sẽ chẳng ai theo dõi. Nhưng có thể một người thân của bạn lại là đối tượng để kẻ khác trục lợi. Mọi thứ bạn thổ lộ trên Facebook hay viết trong thư điện tử đều bị xem lén.

"Chúng ta đang nằm dưới một hệ thống theo dõi diện rộng, hệ thống máy tính của các quốc gia bị nhiễm các chương trình giám sát, tất cả những cuộc gọi điện thoại đều có thể bị ghi âm bởi một công ty"

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange

Tất cả những tương tác trên mạng Internet đã và đang trở thành đối tượng cho một ngành công nghiệp mới. Nó “hút” tất cả những thông tin trên về lưu trữ trên những máy chủ có dung lượng tới hàng petabyte (mỗi petabyte bằng 1 triệu gigabyte). WikiLeaks mới đây đã tung ra tập “hồ sơ gián điệp” bao gồm gần 300 tài liệu về 160 công ty ở 25 quốc gia thuộc ngành công nghiệp do thám trên.

Trong buổi họp báo mới đây tại một trường đại học ở London (Anh), ông Assange đã hỏi các sinh viên: “Những ai ở đây đang dùng iPhone? Ai đang dùng BlackBerry? Ai đang dùng GMail? Vâng, tất cả các bạn đều tiêu rồi”. Ông Assange nói các nước đang phát triển công nghệ do thám này bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Nam Phi, Canada. .. Hệ thống do thám được bán cho tất cả các nước, không phân biệt thể chế.

WikiLeaks đưa ra ví dụ về một công ty ở Hayward, California (Mỹ) là Glimmerglass. Thiết bị của họ giúp các cơ quan chính phủ bí mật xâm nhập các đường cáp quang dưới biển (đường truyền dẫn dữ liệu và cuộc gọi giữa các châu lục). Công ty SS8 ở Milpitas, California thì chào hàng thiết bị Intellego cho phép cơ quan an ninh “thấy được những gì họ cần thấy ngay tức thời”, bao gồm cả bản nháp thư điện tử của đối tượng bị theo dõi và cả các tập tin đính kèm như văn bản, hình ảnh, video.

Chưa hết, Công ty Blue Coat cũng ở California bán công cụ lọc trang web để chặn những website không mong muốn. Cách đây không lâu, Chính phủ Syria đã mua một số máy của Blue Coat thông qua một nhà bán lẻ ở Dubai. “Những gì chúng ta đang thấy là không gian ảo đang bị quân sự hóa. Nó giống như có một chiếc xe tăng đỗ trước vườn nhà bạn vậy” - ông Assange nói.

Công ty Pháp giúp Gaddafi

Một đối tác của WikiLeaks là trang Owni.fr đưa ra bằng chứng cho thấy công ty Pháp Amesys đã giúp chính quyền của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi theo dõi các nhân vật đối lập sống lưu vong ở Anh. Hệ thống theo dõi Internet có tên gọi “Hệ thống Đại bàng” giám sát địa chỉ thư điện tử của các lãnh đạo đối lập. Một trong số đó là nhà văn 74 tuổi Mahmud Al-Naku, hiện đang là đại sứ Libya tại Anh.

Trong danh sách theo dõi của chính quyền Gaddafi còn có bộ trưởng văn hóa của chính quyền mới là Atia Lawgali. “Hệ thống Đại bàng” còn có thể chặn thư điện tử, các cuộc gọi điện qua đường Internet (VoIP), tin nhắn và các dòng lệnh tìm kiếm. Amesys thừa nhận có bán thiết bị cho chính quyền Libya cũ nhưng nói họ không thể kiểm soát được khách hàng sẽ làm gì với thiết bị đó.

Ông Assange khẳng định trong 10 năm qua, ngành công nghiệp giám sát đã chuyển đổi từ vai trò phục vụ các cơ quan tình báo thành một ngành kinh doanh xuyên quốc gia. “Hồ sơ gián điệp” của WikiLeaks còn cho thấy các hệ thống theo dõi này cực kì hiện đại và đắt giá, có hệ thống lên đến hàng triệu USD.

Tổ chức Quyền riêng tư quốc tế khẳng định người dân các nước không thể thờ ơ khi công nghệ do thám đang trở thành một thứ hàng hóa bán chạy và nhắm vào tất cả mọi người.

Theo Tuổi Trẻ