Nhịp sống số

Landkreuzer P-1000 Ratte: Quái vật nghìn tấn của Đức Quốc Xã

Hitler, trùm tội phạm gây nên cuộc Thế chiến thứ 2 không chỉ là một kẻ ái quốc cực đoan, ông ta còn biết yêu. Một trong những tình yêu lớn nhất đời Hitler đó là vũ khí hạng nặng. Và định nghĩa “hạng nặng” trong từ điển của Hitler không chỉ bao gồm những chiếc tàu chiến khổng lồ, những quả tên lửa siêu âm hay máy bay phản lực cỡ lớn, đôi lúc nó còn vượt tầm như thế. Hitler đã phê duyệt rất nhiều đề án xây dựng vũ khí mang tầm cỡ hủy diệt, có khả năng cày nát chiến trường một cách dễ dàng, biến quân lực đối địch trở thành những chú lính chì vô hại.

Một trong những dự án có thể thay đổi cục diện chiến tranh mà Hitler phê chuẩn đó là Landkreuzer P-1000 “Ratte”. Đó là một cỗ xe tăng hạng “siêu nặng”, một pháo đài di động thực thụ, nặng nề, mạnh mẽ hơn mọi chiếc xe tăng của bất cứ quốc gia nào trước và sau giai đoạn chiến tranh. Thậm chí, người Đức cũng không dùng từ “xe tăng” để nói về nó, họ gọi nó là Landkreuzer (land cruiser - chiến hạm trên đất liền). Xét về độ to lớn, nó chỉ thua đúng “người em” của mình đó là Landkreuzer P-1500, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này xin phép chưa đề cập đến “khẩu súng đặt trên đường ray” có phần phi lý này. Vì ít ra, P-1000 còn có khả năng di chuyển tự hành còn P-1500 giống như một khẩu đại bác được người ta kéo trên đường ray thì đúng hơn.


Landkreuzer P-1500 - khẩu đại bác trên đường ray.


Chỉ huy trưởng Sư đoàn Panzer, tướng thanh tra các lực lượng thiết giáp và là chỉ huy trưởng của Bộ chỉ huy tối cao Đức Quốc Xã, Heinz Guderian đã ghi lại trong một buổi hội thảo năm 1942 giữa các Đại tướng và Thống chế với nhau rằng: “Sự ảo tưởng của Hitler đã khiến ông ta đắm chìm trong thế giới của những thứ vĩ đại. Hai kỹ sư Grote và Hacker được giao nhiệm vụ phải chế tạo ra một chiếc xe tăng quái vật có trọng lượng lên đến 1000 tấn”.

Tên: Landkreuzer P-1000 “Ratte”
Giai đoạn phát triển: tiền mẫu
Bắt đầu phát triển vào tháng 6 năm 1942
Đội ngũ phát triển: Krupp
Số người lái: 20+
Cân nặng:  từ 1000 tấn đến 2000 tấn
Bọc giáp: 150mm -> 360mm

Động cơ: 8 X động cơ Daimler-Benz Mb501 20 xi-lanh tương đương 16000 mã lực
Hoặc 2 X động cơ Man V12z32/44 24 xi lanh tương đương 17000 mã lực
Tốc độ tối đa dự tính: 40km/h
Chiều dài: 35 mét
Chiều rộng: 14 mét
Chiều cao: 11 mét
Vũ trang: 2 khẩu 280mm 54.5 Sk C/34 (vốn được thiết kế cho tàu tuần dương hạm có khả năng bắn xa tới hơn 40km), 1 khẩu 128mm Kwk 44 L/55, 8 khẩu 20mm Flak38, 2 khẩu 15mm Mg 151/15. Vị trí của những khẩu súng này vẫn chưa được xác định vì dự án này thực tế chưa hoàn thành. Tuy vậy người ta dự đoán rằng 8 khẩu 20 mm Flak38 được đặt trên đỉnh của xe tăng nhằm chống lại những cuộc tấn công bằng máy bay.


Chỉ nhìn vào trọng lượng mà căn cứ thì rõ ràng, Landkreuzer P-1000 “Ratte” đủ khả năng nghiền nát bất kỳ cỗ xe tăng nào khác trên chiến trường. Người Mỹ sở hữu chiếc xe tăng hạng nặng T-28, được coi là nặng nhất Thế chiến thứ 2 thời đó cũng chỉ vỏn vẹn… 86 tấn. Nếu đặt lên bàn cân thì T-28 chỉ đáng được xem là nhóc con so với đô vật Su-mô “Ratte”. Vì quá to lớn và nặng nề như thế, lại thêm đội ngũ lái xe tăng có thể vượt xa con số 20 (có thể lên tới 40 người/chiếc), Landkreuzer P-1000 “Ratte” được trang bị đầy đủ lượng lương thực, chỗ chứa cùng nhà vệ sinh tự động ngay trên xe. Thậm chí, người ta còn dự tính sẽ trang bị cho nó 2 chiếc xe máy BMW R12 nhằm phục vụ cho mục đích do thám.


Với cân nặng quá đỗi khủng khiếp, “Ratte” phải sử dụng tới 6 bánh xích, 3 mỗi bên thay vì 2 bánh xích, mỗi bên 1 như các loại xe tăng thông thường. Kể cả như thế đi chăng nữa, trọng lượng của con quái vật này vẫn quá nặng, có thể phá nát bất cứ con đường nào nó đi qua và chắc chắn, không thể vận hành qua đa số những chiếc cầu trên thế giới. Tuy nhiên, với trang bị ống thở (đẩy không khí tới động cơ giúp chúng hoạt động bình thường) và gầm xe cách mặt đất 6 thước (tương đương 1,8 mét) thì việc vượt sông với nó không phải là vấn đề lớn.

Dĩ nhiên, vấn đề lớn nhất với người Đức đó là họ không có cơ hội để đưa “Ratte” ra ngoài chiến địa. Không có một con đường nào có khả năng chịu được trọng lượng khủng khiếp của nó vì thế “Ratte” chỉ có thể chiến đấu ở những chiến trường mở rộng lớn. Hơn thế nữa, mặc dù kích cỡ vĩ đại của “Ratte” có khả năng “hù dọa” quân đội đối phương sợ chết khiếp nhưng thực tế, khi bộ binh hoặc xe tăng cỡ nhỏ của địch tiến lại gần, vũ khí chính của “Ratte” – 2 khẩu 280mm 54.5 Sk C/34 sẽ trở thành gánh nặng. Trên lý thuyết, những chiếc Landkreuzer như thế này sẽ cần được một tiểu đội bộ binh cơ giới hoặc xe thiết giáp cỡ nhỏ hộ tống, giống như tàu khu trục hộ tống tàu sân bay vậy.


Một trong những lý do khác khiến cho con quái vật chiến địa này khó có thể thành công đó là tốc độ siêu “rùa” cùng kích cỡ quá lớn của nó dễ dàng biến “Ratte” thành mồi ngon cho không lực Đồng Minh. Giả như nếu Landkreuzer được thiết kế thành công và đưa vào sử dụng sớm hơn, trước khi máy bay có khả năng mang theo bom tấn hạng nặng, nó sẽ là “bất khả chiến bại”. Vì với lớp giáp quá dày cộng thêm trọng lượng nghìn tấn, chỉ có những chiếc xe tăng cùng cỡ nòng với nó mới có thể bắn hạ “Ratte”. Tuy nhiên, trong những năm sau Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ 2, công nghệ không quân đã tiến bước đủ xa để biến những chiếc xe tăng như thế này trở thành đống phế liệu. Kể cả khi được trang bị súng đại liên phòng không Flak38 dày đặc trên xe, cũng không thể nào một chiếc “Ratte” chịu được những đợt không kích liên tục từ các phi đội máy bay bổ nhào cùng những quả bom nặng tới hơn 200kg.


Vì thế, cuối năm 1944, Albert Speer, Bộ trưởng Quốc phòng của Hitler đã kịp nhận ra tính phi thực tiễn của dự án Landkreuzer và quyết định ngưng phát triển nó trước khi mẫu thử nghiệm ra mắt. Có nhiều tin đồn cho rằng dàn súng trên lưng Ratte đã được tái chế lại thành súng bảo vệ bờ biển tại Hà Lan nhưng những nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng đó thực chất là những khẩu đại bác thiết kế cho tàu tuần dương hạm.

Một vài nhà nghiên cứu quân sự đã chỉ ra rằng giả như Đức Quốc Xã thành công trong việc chế tạo Landkreuzer P-1000 “Ratte” và đưa nó vào chiến trường, khả năng chiến thắng một trận đầu của họ là rất cao. “Ratte” đủ lực để xoay chuyển thế trận của cả một trận chiến và biến tất cả bộ binh địch trở thành đồ chơi. Tuy nhiên “cái giá của chiến thắng một trận đấu sẽ phải trả bằng cả chiến dịch”, dù sớm hay muộn “Ratte” cũng sẽ bị máy bay hạ gục. Trong xu thế của chiến tranh hiện đại, cần tốc độ và sự dẻo dai thì rõ ràng, người ta thà bỏ tiền xây dựng những chiếc xe tăng nhỏ hơn, nhanh hơn thay vì tập trung vào một cỗ pháo đài di động như “Ratte”.