Hành tinh Kepler-16b (nhỏ nhất) đang bay quanh 2 ngôi sao lớn hơn.
Kính thiên văn vũ trụ Kepler của NASA mới đây đã phát hiện ra hành tinh đầu tiên quay quanh 2 ngôi sao. Hành tinh được đặt tên Kepler-16b cách Trái Đất khoảng 200 năm ánh sáng. Mặc dù có thành phần chỉ toàn khí và không hy vọng tồn tại sự sống nhưng theo nhà nghiên cứu William Boruckias, việc phát hiện ra hành tinh này mang lại những cơ hội tìm ra sự sống trong dải thiên hà của chúng ta bởi hầu hết các ngôi sao thuộc thiên hà đều là một phần của hệ thống sao đôi.
Mặc dù trong nhiều thập kỉ qua, theo giả thuyết của giới khoa học thì các hành tinh quay quanh 2 sao thực sự tồn tại và một số nghiên cứu trước đây cũng đã chứng minh sự tồn tải của chúng. Tuy nhiên, phải đến phát hiện lần này của Kepler-16b thì giả thuyết trên mới được xác nhận trên thực tế. Hành tinh Kepler-16b được phát hiện trong hệ thống sao đôi Kepler-16 với 2 ngôi sao bay theo quỹ đạo và chúng che khuất lẫn nhau nếu quan sát từ một vị trí thuận lợi từ Trái Đất. Sự che khuất của 2 ngôi sao được các nhà thiên văn gọi là thiên thực cấp 1 (primary eclipse) và thiên thực cấp 2 (secondary eclipse). Ở đây chúng ta có 2 ngôi sao 1 lớn (nóng hơn) và 1 nhỏ (lạnh hơn). Nếu ngôi sao lớn bị ngôi sao nhỏ che phủ 1 phần, nó sẽ bị mất đi một phần ánh sáng và đây được gọi là hiện tượng thiên thực cấp 1. Ngược lại, nếu ngôi sao nhỏ bị bao phủ toàn bộ bởi ngôi sao lớn, nó sẽ mất ít ánh sáng hơn hay thiên thực cấp 2.
Ảnh chụp từ kính thiên văn vũ trụ Kepler cho thấy độ sáng của hệ sao đôi trở nên mờ đi khi các ngôi sao không che phủ lẫn nhau và điều này ám chỉ có sự xuất hiện của một "kẻ thứ 3". Bên cạnh đó, hiện tượng mờ sáng của hệ sao đôi còn lặp lại theo chu kì qua đó cho thấy 2 ngôi sao đã nằm tại các vị trí khác nhau trên quỹ đạo của mình mỗi khi hành tinh thứ 3 di chuyển qua. Suy ra, hành tinh thứ 3 đã di chuyển xung quanh cả 2 ngôi sao trong một quỹ đạo kép rất rộng.
Với việc nghiên cứu sự thay đổi về thời gian che phủ, các nhà khoa học đã có thể tính được lực hút trọng trường tác động lên 2 ngôi sao bởi hành tinh thứ 3 từ đó tính toán được khối lượng của hành tinh. Kết quả cho thấy lực hút này khá yếu và họ cho rằng hành tinh thứ 3 chỉ là một hành tinh nhỏ với khối lượng nhẹ. Các nhà khoa học cho biết Kepler-16b là một hành tinh không thể sống được, lạnh như sao Thổ và có thành phần chủ yếu là đá và khí theo tỉ lệ 50/50.
Cứ mỗi 229 ngày, Kepler-16b bay hết một vòng quanh 2 ngôi sao. 2 ngôi sao này đều nhỏ Mặt Trời, ngôi sao lớn có khối lượng khoảng 69% so với Mặt Trời trong khi ngôi sao còn lại là 20%. Mặc dù có chu kỳ quỹ đạo khá giống với sao Kim (225 ngày/1 vòng quanh Mặt Trời), Kepler-16b lại nằm bên ngoài vùng sự sống (nơi nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt) do các ngôi sao của hệ Kepler-16 đều lạnh hơn Mặt Trời.