Nhịp sống số

Khẳng định vai trò của Điểm Bưu điện - Văn hóa xã

  "Trong thời gian qua điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) là mạng lưới quan trọng cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông phục vụ cho cộng đồng dân cư vùng nông thôn, miền núi, biên giới, và hải đảo, là điểm để hướng tới nông thôn, nông dân của Đảng và Nhà nước ta", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định tại Hội nghị toàn quốc về điểm BĐ-VHX sáng nay 8/1 tại Hà Nội.

<>

Điểm BĐ-VHX Cẩm Giàng, Bắc Cạn (Ảnh: backan.gov.vn)

Theo kết quả khảo sát chuyên sâu của đơn vị tư vấn Công ty Cổ phần phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) tiến hành tại 9 tỉnh thuộc 3 vùng miền và khảo sát mở rộng đối với tất cả các điểm BĐ-VHX trên cả nước được tiến hành từ cuối tháng 2/2011 đến tháng 5/2011 vai trò quan trọng và khá quan trọng của Điểm BĐ-VHX chiếm 63,7%. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết qua con số lấy mẫu này có thể thấy rõ vai trò của Điểm BĐ-VHX đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong 13 năm qua. Điểm BĐ-VHX góp phần xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận dân cư nông thôn và giảm nghèo thông tin.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) đã phấn đấu để thực hiện hoàn thành phát triển vận hành hơn 8000 điểm BĐ-VHX, góp phần phổ cập BCVT đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo còn khó khăn  trong suốt 13 năm qua.

Cũng theo đánh giá của khảo sát nói trên mà Tổng công ty Bưu chính (VNPost), đơn vị quản lý 8153 điểm BĐ-VHX trên toàn quốc cho biết:

- Các dịch vụ bưu chính chuyển phát giúp cho người dân dễ dàng nhận gửi thư từ, tài liệu, vật phẩm và hàng hóa cho bạn bè, người thân (91,1%), giúp thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (26,7%) và giảm thời gian, chi phí đi lại (50,6%).

- Dịch vụ phát hành báo chí, đọc sách báo miễn phí đã giúp người dân nông thôn tiếp cận dễ dàng hơn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật; nâng cao văn hóa đọc; nâng cao trình độ hiểu biết và kinh nghiệm sản xuất.

- Dịch vụ chuyển tiền giúp người dân dễ dàng hơn khi vay, mượn, cho hoặc nhận tiền từ con cái (91,9%); giảm thời gian và chi phí đi lại (48,5%) và giúp người dân dễ dàng xoay sở, huy động vốn trong thời gian ngắn (13,3%).

- Việc triển khai bán SIM, thẻ điện thoại giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận và sử dụng điện thoại di động (87,4%); giúp người dân tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại để mua thẻ (85,0%); giúp dễ dàng thăm hỏi, giao lưu với bà con, họ hàng ở xa (43,2%).

- Dịch vụ Internet mang lại những ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng dân cư như: tạo cơ hội sử dụng máy tính và Internet (80,9%); giúp bà con nông dân có thể tìm kiếm thông tin sản xuất, chính sách pháp luật, sức khỏe (36,9%).

- Ngoài dịch vụ bưu chính, viễn thông hiện có khoảng 51,9% điểm BĐ-VHX có cung cấp thêm các dịch vụ khác.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong thời gian tới điểm BĐ-VHX sẽ là điểm thực hiện những chính sách hướng về nông thôn. Bộ trưởng đề nghị sớm và chậm nhất trong quý II rà soát quy hoạch lại điểm BĐ-VHX để đầu tư duy trì các điểm BĐ-VHX ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; đa dạng hóa các dịch vụ để các điểm BĐ-VHX tồn tại, tiến tới đứng vững và phát triển; Đối với các điểm BĐ-VHX bất cập do đô thị hóa, dân cư thưa, những điểm không có người đến mạnh dạn ngừng hoạt động trả lại địa phương hoặc chuyển sang hình thức khác…

Về giải pháp phát triển điểm BĐ-VHX trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị cụ thể ba giải pháp cần tập trung: Đưa Internet băng rộng về điểm BĐ-VHX đi cùng với nội dung phù hợp, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để hợp tác và có một văn bản cấp cao về điểm BĐ-VHX và cần quan tâm, đãi ngộ cán bộ làm việc tại điểm BĐ-VHX. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị cần có cơ chế tuyên dương khen thưởng cán bộ làm việc tại điểm BĐ-VHX, mà cho đến nay vẫn chưa đến được với lao động thủ công.

<>Mai Anh