Nhịp sống số

Khai trương mạng chuyên dùng trên cả nước

“Mạng chuyên dùng là một trong những dự án quan trọng nhất trong các dự án hạ tầng của nhà nước” là khẳng định của Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo CNTT quốc gia Nguyễn Thiện Nhân tại Lễ khai trương mạng chuyên dùng trên cả nước sáng nay 22/3 tại Hà Nội. Lễ khai trương được truyền hình trực tiếp ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước.

<>

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng và nhiều đại diện các ban, ngành nhà nước đã tham dự buổi lễ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bưu điện Trung ương đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và triển khai Mạng chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước

Mạng chuyên dùng với tên gọi đầy đủ là mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) bắt đầu triển khai từ năm 2004 theo công văn giao nhiệm vụ cho Bưu điện Trung ương thuộc Tập đoàn BCVT Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã trải qua 2 gian đoạn đầu tư kết nối đến hơn 3700 điểm với tốc độ cao, nhiều dịch vụ đã được triển khai trên tạo tiền đề cho chính phủ điện tử.

Mạng được đánh giá là công cụ đắc lực và hữu hiệu để các cơ quan Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành triển khai các bài toán ứng dụng CNTT (gồm các cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin và dịch vụ công) phục vụ việc quản lý, điều hành từ cấp Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, mạng còn phục vụ một số cuộc điện đàm cấp cao giữa lãnh đạo Đảng và nhà nước ta với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế.

Mạng được tách biệt hoàn toàn với các mạng công cộng khác. Kết nối mạng tại tất cả các đơn vị đều sử dụng cáp quang tốc độ 100/1.000 Mbps. Các kết nối đều đảm bảo tính dùng riêng, an toàn, bảo mật và tính dự phòng cao, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt 24/7.

Kiến trúc phân lớp mạng của mạng TSLCD gồm: Mạng đường trục (mạng lõi), Mạng truy nhập cấp I, Mạng truy nhập cấp II, Hệ thống quản lý mạng theo mô hình phân cấp quản lý hành chính nhà nước.

Đối với bảo mật, mạng TSLCD là mạng có tính an toàn, bảo mật cao nhất so với các mạng công cộng khác do có sự tách riêng về hạ tầng vật lý. Mỗi cơ quan Đảng và Nhà nước sử dụng mạng TSLCD đều được tách riêng với nhau về mặt logic bằng cách tạo các mạng riêng ảo khác nhau trên nền mạng TSLCD, điều này góp phần loại bỏ khả năng tấn công giữa nội bộ các khách hàng với nhau.

Trong thời gian qua mạng chuyên dùng đã kịp thời đáp ứng các sự kiện quan trọng của Đảng như Đại hội Đảng XI, các phiên truyền hình trực tuyến của Chính phủ với 63 địa phương. Tới nay, đã có 84/93 cơ quan Bộ đã dùng mạng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đều cho rằng tiến độ triển khai mạng còn chậm so với yêu cầu, hiệu quả sử dụng mạng còn thấp, số lượng các cơ quan bộ, ban ngành trung ương và nhất là tỷ lệ sử dụng dịch vụ mạng của các cơ quan nhà nước tại địa phương còn chưa cao, bị động còn phụ thuộc vào hướng dẫn, việc thiếu cơ sở dữ liệu đã hạn chế sử dụng mạng và nhận thức ứng dụng của mạng của các cán bộ, đặc biệt lãnh đạo chưa tương xứng với tiềm năng.

Tại lễ khai trương Giám đốc các Sở TT&TT các tỉnh Cần Thơ, Đã Nẵng, Cà Mau, Quảng Ninh cho biết mạng chuyên dụng đã tạo điều kiện liên thông nhiều dịch vụ công, triển khai các cổng thông tin điện tử và đặc biệt dịch vụ hội nghị truyền hình đã rất hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPT Phạm Long Trận khẳng định VNPT sẽ theo sát thực hiện mạng chuyên dùng này, tiếp tục đầu tư và vận hành hoạt động hiệu quả. Điều này thể hiện trách nhiệm, đạo lý của Tập đoàn VNPT.

Được biết trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ thực hiện tổng kết hoạt động của mạng chuyên dùng trong suốt thời gian qua.

<>HM