Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình RPG với phần 2 của câu chuyện.
<>
Lột xác khỏi thế giới thần thoại
Đến thập kỉ 80 của thế kỉ 20, các nhà làm game RPG bắt đầu vận dụng nhiều cách dẫn chuyện mới lạ, sáng tạo thay vì chỉ đi theo một lối mòn cũ rích. Những người anh hùng cũng có cơ hội thoát ra khỏi tấm áo giáp thô xơ, nặng nề để bay đến một thế giới rộng mở hơn cùng những câu chuyện xa xôi, viễn tưởng.
Được phát hành trên hệ máy Sega Genesis, series Phantasy Stars đã trở thành cái tên đột phá trong thể loại khoa học viễn tưởng. Đây cũng là game RPG đầu tiên của Nhật được phát hành ở Bắc Mỹ mà tạo ra lợi nhuận đáng kể cho Sega.
Đò họa "tân tiến" thời bấy giờ của Phantasy Stars.
Mặc dù vẫn giữ lại nhiều nét quen thuộc của thể loại fantasy xưa cũ, điển hình đó là hệ thống chiến đấu với vũ khí cận chiến hoặc phép thuật, vậy nhưng cốt truyện game đã có khác biệt đáng kể so với tiền bối. Người chơi không bị bó hẹp trong khuôn khổ, họ có thể thỏa sức khám phá và chiến đấu để đem lại hòa bình cho cả thái dương hệ.
Nhân vật chính trong game là nữ - một điều nữa cũng khá mới lạ nếu nói về khía cạnh xây dựng hình tượng nhân vật. Đồ họa của Phantasy Stars lúc đó được coi là một bước tiến đi trước thời đại (dĩ nhiên là theo tiêu chuẩn ở thời điểm bấy giờ). Nó tạo cho người ta cảm giác được chơi một game 3D chính hiệu, và đặc biệt hơn cả là xóa bỏ những cái nhìn thiếu thiện cảm từ giới phê bình - những người cho rằng RPG là thể loại game “phẳng”, quá nhiều chữ và chả có gì hay ho.
Tiếp đến, hệ máy Super Nintendo đã tiếp nhận sự ra đời của EarthBound hay còn gọi là Mother 2 ở thị trường Nhật Bản - một tựa RPG độc đáo. Game là cuộc chiến đấu của những đứa trẻ với cốt truyện kết hợp từ hình ảnh người ngoài hành tinh và những cậu bé, cô bé người Mĩ qua cái nhìn của các nhà phát triển game người Nhật.
Dù có nhiều điểm cóp nhặt từ Dragon Quest, nhưng EarthBound vẫn khắc họa thành công một thế giới riêng đầy sống động. Bằng chứng đó là ngay sau khi ra mắt, nó ngay lập tức nhận được sự đồng tình của game thủ khu vực châu Mĩ và người chơi đã bày tỏ sự mong đợi phần tiếp theo của câu truyện.
Dungeons & Dragons đem lại sự thành công tuyệt đối và đánh dấu việc rời bỏ những mô típ xưa cũ để mở toang cánh cửa cho những ý tưởng mới lên ngôi. Xenogears tiếp cận câu chuyện dưới góc nhìn mang đầy tính triết lí với những câu chữ và lời thoại có thể làm hài lòng cả những fan hâm mộ khó tính nhất. Fallout đưa bạn đến 1 thế giới đổ nát sau chiến tranh và cho nhân vật của chúng ta được tự do đi lại trong thế giới ảo. Hay dòng game Diablo giới thiệu một thế giới đen tối, mang đậm màu sắc tôn giáu với hệ thống xây dựng màn chơi một cách ngẫu nhiên.
Những tựa game trên đã có những đóng góp quan trọng tạo nên một trong những thời kì phát triển mạnh mẽ và đa dạng nhất trong lịch sử game RPG.
RPG thời kì Phục hưng
Khoảng giữa thập niên 80 và 90 là thời kì bùng nổ về gameplay, đây là thời kì game thủ lần đầu được trải nghiệm một cách đầy đủ nhất những tinh hoa của dòng game này. Thậm chí cho đến ngày nay, chúng ta vẫn được đón nhận nhiều quả bom tấn mang đậm ảnh hưởng mà quãng thời gian này để lại.
Tựa game Bard’s Tale đã khuấy động những cái tên cùng thể loại dungeon-crawler bằng cách pha thêm một chút hài hước vào tính cách nhân vật và những cuộc đối thoại với NPC. Wizardry và Ultima xuất hiện với việc tăng thêm độ khó và điều chỉnh lại hệ thống chiến đấu. Shin Megami Tensei được coi là game đầu tiên có nhiều nhánh truyện và có các kết thúc khác nhau. Trong khi Chrono Trigger lại được xây dựng trên phong cách của trò chơi phi tuyến tính kết hợp với việc giới thiệu một cốt truyện dày đặc, thậm chí nếu bạn xét theo tiêu chuẩn của ngày nay.
Các game nhập vai chiến thuật như Orge Battle, Shining Force, Fire Emblem và các phần tiếp theo nằm trong series đã phát triển hệ thống chiến đấu của RPG theo phong cách cá nhân hoặc điều khiển một nhóm nhỏ dựa trên các khái niệm đầy đủ về hệ thống combat mới. Trên phương diện này, Final Fantasy IV thực sự làm nên cuộc một cách mạng bằng việc trở thành chiếc cầu nối kỳ diệu giữa chiến đấu thời gian thực của action RPG và những trận đánh theo lượt của hầu hết các game JRPG.
Những thành tựu vĩ đại này đã thúc đẩy dòng game RPG theo nhiều hướng, bao gồm cả việc phát triển hệ thống multiplayer và phát hành game cho nhiều định dạng cầm tay.
Thời kì vàng son tiếp tục với hệ máy handheld
Mặc dù bị coi là non nớt hơn hầu hết các hệ console và PC, thị trường thiết bị cầm tay vẫn tạo dựng được một cơ sở vững mạnh hỗ trợ RPG trong những năm qua. Các chu kỳ sản xuất ngắn hơn và ngân sách nhỏ hơn đã cho phép các nhà phát hành có thể phát triển theo một hướng mới lạ khác hẳn các thế hệ console đàn anh. Chỉ cần nhìn vào doanh thu khổng lồ mà các thiết bị chơi game cầm tay mang lại cho Nintendo là chúng ta có thể thấy ngay điều này.
Legend of Zelda: Link’s Awakening ngay khi ra mắt đã “đánh thức” một cuộc đổ bộ của người hùng tộc Elf trên hệ handheld. Series Oracle trên Game Boy đã tạo nên một cơn sốt lớn . Minish Cap trên GameBoy Advance thu nhỏ thế giới viễn tưởng lại đúng bằng khuôn khổ hai lòng bàn tay. Hai phiên bản Phantom Hourglass và Spirit Tracks tiếp tục ra đời để nới rộng “tầm hiểu biết” của Link đến với tàu hơi nước, tàu hỏa….
Đôi khi, chính những tựa game “đàn em” handheld RPG lại là những thứ tạo nên xu hướng. Không chỉ với tay sang địa hạt consoles, chúng còn tạo ra tầm ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm giải trí khác nhau như sách, báo, phim ảnh… Không cần phải nhìn đâu xa, huyền thoại Pokemon chính là minh chứng điển hình!
Bắt đầu từ thập niên 90 và kể cả cho đến ngày nay, “tôn giáo” Pokemon vẫn còn đang hiển hiện và có một sức sống ngầm vô cùng mạnh mẽ thông qua những phiên bản game, những tập phim hoạt hình, những con thú đồ chơi hay những tấm hình vô cùng ngộ nghĩnh...
Tuy nhiên, rồi thì thời kì của những chiêc màn hình nhỏ cũng không thể kéo dài mãi mãi. RPG bắt đầu lao theo một cuộc phiêu lưu mới, cuộc phiêu lưu đến với thế giới mở và kết nối trực tuyến.
Tham khảo tại IGN