Nhịp sống số

Học sinh THPT Nhân Chính, Hà Nội đạt giải Nhất viết thư quốc gia UPU 2012

Từ 932.519 bức thư gửi dự thi Cuộc thi viết thư quốc tế UPU 41, bức thư của em Nguyễn Đăng Quý Minh, lớp 10A9, trường THPT Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội đã được các thành viên Ban giám khảo Quốc gia trao giải Nhất.

<>

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh đạt giải tại cuộc thi viết thư UPU lần thứ 41 - 2012

Hướng tới sự kiện thể thao lớn nhất của hành tinh, Thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012, Liên Minh Bưu chính thế giới (UPU) đã chọn chủ đề cho cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 41 (2012) là: <>“Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội (Olympic Games) có ý nghĩa đối với mình”.

Học sinh Nguyễn Đăng Quý Minh xúc động đạt giải Nhất

Nguyễn Đăng Quý Minh đã viết bức thư gửi cho vận động viên thiểu năng trí tuệ Nguyễn Hữu Kỳ Phong, 18 tuổi, đã giành được Huy chương Vàng môn chạy 50m, với thành tích 10 giây 34 tại Thế Vận hội Olympics Athens, Hy Lạp năm 2011.

Vận động viên Nguyễn Hữu Kỳ Phong, ở phường Thùy Dương, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặc dù bị thiểu năng trí tuệ (bệnh down), nhưng ngay từ nhỏ, anh đã ham thích thể thao, đặc biệt là bóng đá. Lớn lên, được cha mẹ đưa đến sinh hoạt tại Trung tâm Giáo dục Văn Thể mỹ  tỉnh, anh Phong đã lạc quan, nhanh chóng giành được chiến thắng trong kỳ Olympic đặc biệt dành cho người thiểu năng trí tuệ tại Thế vận hội Olympic Athens 2011.

Xúc động trước  nghị lực, ý chí của vận động viên Nguyễn Hữu Kỳ Phong, thư của em Quý Minh gây xúc động với người đọc bởi những ý tưởng, tình cảm độc đáo, chân thành: “Nhắm mắt lại, em như nhìn thấy trước mặt một bóng hình nhỏ bé với bước chân không vững nhưng vẫn cố gắng hết sức lao đi trên đường chạy: Đã có lúc hình bóng ấy như chao đi trước một cơn gió mạnh. Đã có lúc đôi chân bật máu, tê buốt. Đã có lúc, ý chí của hình bóng ấy chợt lung lay. Đích đến xa quá, mà thân xác lại không tuân theo lý trí nữa rồi. Chẳng lẽ, sẽ gục xuống, sẽ chấp nhận rời bỏ cuộc chơi, sẽ mãi mãi không thể vượt lên số phận? Nhưng không, bóng hình nhỏ bé ấy lại vùng dậy, gió mạnh hơn, chân buốt hơn, chỉ duy con tim vẫn bùng cháy như một ngọn đuốc. Và khi ấy, con người nhỏ bé đã đốt cháy chính mình, đốt cháy đường chạy, để thắp lên ngọn lửa mà ta vẫn gọi là: Ngọn lửa Olympic”.

Ngoài giải Nhất trao cho em Nguyễn Đăng Quý Minh, sáng nay đúng ngày sinh nhật Bác 19/5, Ban Tổ chức quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU của Việt Nam cũng đã trao 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích cùng các giải phụ cho: thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh người dân tộc thiểu số và thí sinh khiếm thị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao giải Nhất cho em Nguyễn Đăng Quý Minh và đã căn dặn các em học sinh trường THPT Nhân Chính, Hà Nội và học sinh cả nước: “Nhân cuộc thi viết thư UPU năm nay, nói về thể thao, chúng ta nhớ Bác Hồ như một tấm gương mẫu mực về rèn luyện thể thao và sức khỏe để học tập tốt hơn, lao động tốt hơn, cống hiến cho đất nước nhiều hơn”.

Một tiết mục nhào lộn với bóng làm sôi động Lễ trao giải viết thư quốc gia UPU 41

Bức thư của em Nguyễn Đăng Quý Minh đã được Ban Tổ chức dịch ra tiếng Pháp gửi UPU tại Béc-nơ, Thụy Sỹ. Chúng ta cùng hy vọng bài thi của em đoạt giải cao quốc tế.

<>HM