Nhịp sống số

Gigabyte Aivia M8600: Chinh phục thị trường chuột chơi game cao cấp

Khi nhắc đến các thiết bị chơi game chuyên nghiệp, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những tên tuổi như Razer, Logitech, hay SteelSeries. Đối với Gigabyte, sau khi ra mắt bàn phím chơi game Aivia K8100 được nhiều website uy tín đánh giá cao vào cuối năm 2010, hãng sản xuất đến từ Đài Loan đã dần khẳng định tên tuổi của mình trong làng sản xuất gaming gear bằng việc ra mắt thêm chuột không dây Aivia M8600. Sản phẩm với dáng vẻ hầm hố cùng khá nhiều tính năng cải tiến, hứa hẹn sẽ là đối thủ đáng gờm đối với những gaming mouse ngang tầm.

Trước tiên, hãy điểm qua thông số kỹ thuật chính của Aivia M8600:
 

Giao tiếp: USB
Hệ thống định vị: Laser mắt đôi
Độ phân giải: 100 ~ 5600dpi (hardware: 5600dpi)
Bộ nhớ trong: 32KB
Gia tốc tối đa: 50g
Tốc độ tối đa: 150inch/giây
Chứng chỉ: CE/FCC/BSMI/NCC
Màu: Đen
Dây cáp: 1,8m bọc lưới chống đứt, cổng USB – USB mini mạ vàng
Kích thước: 134,3mm x 72,7mm x 42,7mm (dài x rộng x cao)
Khối lượng: 148g (có pin) 110g (không pin)
Phụ kiện đi kèm: Bộ nhận tín hiệu kèm sạc pin, 2 pin Li-ion, 2 dây cáp USB – USB mini, CD Driver, sách hướng dẫn, feet chuột dự phòng


1. Tổng quan về ngoại hình
 
Mỗi hãng sản xuất đều muốn tạo cho đứa con cưng của mình một cá tính riêng biệt ngay từ những chi tiết ban đầu. Phong cách đóng hộp của Aivia cũng vậy. Hộp chuột được thiết kế phải nói là… không giống một sản phẩm nào trước đó. Thoạt nhìn qua, tôi liên tưởng ngay đến hộp đựng... cầu lông với chất liệu bìa giấy hình trụ đứng. Hoặc liên tưởng gần hơn với biểu tượng hình chuột được in bên ngoài, tôi tin rằng nhiều người sẽ cho rằng đây là hộp đựng pad – bàn di chuột.
 

Bên trong hộp được chia làm hai tầng riêng biệt. Tầng trên cùng, sau khi mở nắp bao gồm thân chuột và dây nối USB. Tiếp đến phần thân bên dưới là một túi đựng bao gồm 1 dây USB nữa, pin dự phòng, cục nhận tín hiệu, feet chuột, sách hướng dẫn sử dụng và CD driver cỡ nhỏ.


Gigabyte hào phóng khi cho tới 2 dây nối USB, tất cả đều được mạ vàng tại chân cắm. Việc bọc lưới chống cắt cũng được Gigabyte sử dụng tương tự khá nhiều các thiết bị cao cấp khác. Trong khi đó đế sạc pin, kiêm bộ nhận tín hiệu giúp chúng ta vừa chơi game vừa cắm sạc pin dự phòng. Việc thay pin theo quảng cáo chỉ mất có 2 giây. Tuy nhiên, bạn có cố tháo lắp cho nhanh nhất cũng phải cần nhiều thời gian hơn số đó.


Phần quan trọng nhất: chuột Aivia M8600. Đây là một trong những chú chuột hầm hố nhất trên thị trường hiện nay, với các đường cong kết hợp với góc cạnh, nút cuộn chuột cũng giống chiếc bánh xe đua khiến người ta liên tưởng đến một phong cách rất… Lamborgini. Thân chuột khá đằm tay và hơi nặng, khiến người dùng không quen dễ gặp tình trạng mỏi tay khi sử dụng lâu.





Bố trí xung quanh chuột là rất nhiều các nút bấm bao gồm 4 nút chia đều 2 bên trái – phải. Chính giữa chuột được bố trí thêm 2 nút +/- giúp người chơi thay đổi DPI một cách nhanh chóng. Mặt dưới chuột bao gồm 4 miếng feet lớn, công tắc nhận tín hiệu, công tắc on/off và hai lẫy gạt. Mắt thần được quảng cáo có độ phân giải lên đến 5600DPI và đạt độ chính xác cao. Chúng ta sẽ kiểm nghiệm ở phần sau của bài viết.
 

Xem thêm ảnh về chuột Gigabyte Aivia M8600 tại đây

 
2. Phần mềm



Aivia M8600 có thể hoạt động dễ dàng và nhanh chóng mà không nhất thiết phải cài đặt bộ phần mềm đi kèm. Tuy nhiên để cài đặt nhiều tùy chọn cao cấp, bộ phần mềm có lẽ là cần thiết, và dễ dàng download tại trang chủ Gigabyte thay vì sử dụng CD driver.
 
Nếu bạn đã sở hữu bàn phím Aivia K8100, chắc hẳn bạn sẽ thấy giao diện của phần mềm “GHOST” trên M8600 rất quen thuộc với giao diện rất phong cách. GHOST cho phép bạn lựa chọn 2 chế độ tiết kiệm pin hoặc gaming, cho độ chính xác cùng khả năng đáp ứng cao nhất, hạn chế gần như hoàn toàn độ “trễ” gần như so với sử dụng dây nối. Ngay sát đó là chế độ lựa chọn dành cho người thuận tay trái/phải.

Nổi bật ở chính giữa là hình ảnh Aivia M8600 với các thiết lập mô phỏng cho từng nút bấm đơn trên chuột, giúp người dùng dễ dàng cài đặt theo ý thích. Cùng với đó là bộ công cụ cài đặt macro, độ nhạy (sensitivity), tốc độ nút cuộn (scrolling) và các thuộc tính dành cho chuột tại Control Panel trong Windows.

Để quá trình cài đặt thuận tiện với tùy mục đích sử dụng, mỗi thiết lập có khả năng gán với 5 profile khác nhau. Mỗi profile sẽ được thể hiện một màu sắc riêng biệt nhằm phân biệt khi đang thao tác trên chuột. Đèn led trên thân chuột đồng thời thể hiện cả lượng pin còn lại tùy theo số vạch. Bản thân tất cả quá trình thiết lập đều rất trực quan và dễ dàng, không khiến người dùng gặp phải bất cứ khó khăn nào.

3. Hoạt động



Gigabyte Aivia M8600 là một chuột chơi game không dây. Tuy nhiên, giống với thiết kế của Razer Orochi, bạn vẫn có thể cắm dây và nối với máy tính sử dụng như chuột dây bình thường trong một số trường hợp (hết cả 2 pin chẳng hạn). Đây cũng là lý do mà Gigabyte cung cấp cho ta đến 2 dây nối USB.

Thân hình M8600 tuy góc cạnh nhưng vẫn cho cảm giác thoải mái khi sử dụng. Tuy vậy đối với các game thủ hay phải lift off, thiết kế không thật bám tay khiến Aivia M8600 không dễ dàng nhấc lên để đặt qua đặt lại.


Về hoạt động, là người đã từng trải nghiệm qua khá nhiều loại gaming mouse khác nhau, tôi phải nói rằng cảm giác sử dụng Gigabyte M8600 là khá tốt. Các phím bấm có độ nảy rất tốt. Chuột có độ chính xác khá cao khi sử dụng trên bàn di chuyên dụng (tôi sử dụng SteelSeries QCK Diablo III), không gặp phải tình trạng loss tracking hay “trễ” (lag) ngay cả khi không cắm dây. Tuy nhiên đối với các bề mặt khác như giấy hay mặt kính, M8600 không còn cho sự chính xác đối với mắt laser nữa, tình trạng này còn tệ hơn khi pin chuột không còn ở trạng thái thật sự “khỏe mạnh”.

Pin chuột được quảng cáo đạt khoảng 50h chơi game liên tiếp với mỗi pin. Kiểm nghiệm thực tế cho thấy pin trụ được khoảng hơn 40 giờ sử dụng. Đây dẫu sao cũng là một kết quả rất khả quan.

4. Thử nghiệm

Thử nghiệm trên Aivia M8600, tôi test với Counter Strike Source (CSS) và Age of Empire: The Rise of Rome (AOE), 2 game được xếp vào hàng “huyền thoại” của LAN. Đối với CSS, các pha vẩy AWP dường như được tiếp thêm phần nào sức mạnh. Aiming được trợ giúp bởi các phím bên hông cũng cho tốc độ xử lý cao. Cùng với đó, các động tác spray, tapping hay bursting đều được thực hiện dễ dàng và chính xác. Duy nhất chỉ có nhược điểm như tôi đã nói ở trên, lift-off trên M8600 khá tệ bởi chuột không cho cảm giác bám tay. Phải nói thêm rằng, M8600 chỉ phù hợp với kiểu ôm hết lòng bàn tay (palm grip). Những ai quen với kiểu cầm ngón tay (finger grip) sẽ phải rất vất vả nếu không từ bỏ thói quen của mình.

Chuyển sang AOE, một game thuộc thể loại chiến thuật. Các thao tác trên game giờ đây cũng được cải thiện phần nào, từ việc lùa hươu, điều quân hay tệ hơn là chạy dân. Cảm giác khi chơi lâu là hơi mỏi tay do chuột khá nặng và thân hình khá gồ ghề. Một phần nguyên nhân có thể do tôi chưa quen sử dụng Aivia M8600.

Khó có thể nói Aivia M8600 hoàn hảo đối với từng thể loại game. Tuy nhiên những gì chú chuột này thể hiện được cũng ở mức khá tốt.

5. Tổng kết

Aivia M8600 là một bước tiến dài của Gigabyte trong nỗ lực chứng tỏ chỗ đứng của mình trong việc sản xuất gaming gear chất lượng cao. Chất liệu cấu tạo có chất lượng tốt, các nút bấm có độ nảy hợp lý cùng thiết kế bắt mắt giúp M8600 không có nhiều điều phải chê trách về chất lượng.

Tuy vậy, giá thành cao sẽ là rào cản lớn ngăn cản người dùng tiếp cận với sản phẩm. Đồng thời đối với game thủ sử dụng laptop, sẽ là khá lỉnh kỉnh khi sử dụng với cả thân chuột và bộ nhận tín hiệu. Dẫu sao đây vẫn là một sản phẩm xứng đáng để bạn để mắt tới nếu là người ưa thích sự hầm hố và có hầu bao rủng rỉnh.
 

Ưu điểm:

- Thiết kế đẹp, chắc chắn
- Nút bấm có chất lượng tốt
- Độ nhạy cao, chính xác, độ trễ không đáng kể
- Pin sạc rời, có thể thay thế nhanh chóng, dễ dàng
- Phần mềm dễ sử dụng

Nhược điểm:

- Giá thành cao
- Khối lượng nặng, không bám tay
- Vướng víu khi di chuyển