Nhịp sống số

Firefox không Google - Tồn tại hay không tồn tại?

>Mozilla cho ra đời trình duyệt Firefox, nhưng doanh thu mà “Cáo lửa” mang lại phụ thuộc quá nhiều vào Google nếu không muốn nói là hoàn toàn. Một vấn đề rất lớn đối với Firefox đã nảy sinh khi Google tạo ra trình duyệt Chrome. Google đã có sản phẩm trình duyệt cho riêng mình, điều này khiến việc hợp tác với Firefox hay không đã không còn quan trọng với “gã khổng lồ”.

Trình duyệt Firefox của Mozilla chiếm một vị trí nhất định trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Với mục đích xóa bỏ sự độc quyền của Internet Explorer của Microsoft trên thị trường trình duyệt lúc đương thời, Firefox là trình duyệt web duy nhất trên thế giới không hoạt động vì mục đích thương mại. Mozilla tạo ra Firefox nhằm mục đích phục vụ người sử dụng web đơn thuần chứ không hề thâu tóm người dùng và tạo ra lợi nhuận như cái cách Internet Explorer vẫn làm.


Mozilla đã thành công phần nào, và nỗ lực này rất đáng ghi nhận. Trong nhiều năm qua, Firefox đã trở thành đối thủ lớn nhất của Internet Explorer (IE) trên thị phần trình duyệt. Dù vẫn không thể thống trị thị trường nhưng Firefox luôn tạo áp lực thường trực đằng sau IE và giúp cho rất nhiều người sử dụng web có thêm sự lựa chọn trình duyệt tối ưu dành cho mình.

Tuy nhiên, chính vì hoạt động với mục đích phi thương mại, Mozilla đã phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ. Là một tổ chức phi lợi nhuận không có nghĩa Mozilla luôn phải hoạt động hoàn toàn miễn phí. Hãng vẫn cần số tiền không nhỏ để chi trả cho địa điểm văn phòng, lương nhân viên, cụm máy chủ, đường truyền… cộng thêm tất cả chi phí cho việc hoạt động phát triển phần mềm : máy tính, phần mềm, bản quyền…

Mozilla nhận được sự ủng hộ từ các nhà tài trợ, nhưng phần lớn doanh thu của hãng đến từ các đối tác cung cấp dịch vụ tìm kiếm, điển hình là Google. Google Search được thiết lập là công cụ tìm kiếm mặc định trên hầu hết các phiên bản của Firefox, “gã khổng lồ” sẽ trả tiền cho Firefox qua việc quảng cáo ưu tiên này.

Thế nhưng mọi chuyện không còn suôn sẻ như nó vốn có. Google đã cho ra đời trình duyệt web của riêng mình: Chrome. Và mới đây thôi, Chrome đã chính thức vượt qua Firefox để trở thành trình duyệt có thị phần lớn thứ 2 thế giới và vẫn đang tiếp tục bỏ xa “Cáo lửa” phía sau cuộc đua này. Chưa hết ngỡ ngàng với kết cục này, Firefox lại nhận thêm hung tin nữa, hợp đồng thỏa thuận với đối tác làm nên doanh thu chính cho hãng là Google đã hết hiệu lực vào tháng 11 vừa qua.

Cho đến thời điểm này, vẫn không hề có một thông tin chính thức hay cả thông tin rò rỉ nào đó về vấn đề hợp đồng giữa 2 bên được gia hạn. Có vẻ như kết cục của sự việc là một chấm hết. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu Mozilla có tồn tại được nếu thiếu Google? Google có còn cần đến Mozilla hay không?

Vấn đề tài chính của Mozilla

Theo báo cáo tài chính năm 2010 của công ty, doanh thu của hãng đạt hơn 123 triệu USD, tăng hơn 18% so với năm 2009. Tuy nhiên có đến hơn 121 triệu USD trong số này đến từ tiền bản quyền với các đối tác cung cấp dịch vụ tìm kiếm. Điều đó có nghĩa là hơn 98% doanh thu hàng năm của hãng đến từ các đối tác này.

Mozilla không tiết lộ số tiền cụ thể hãng nhận được từ Google, nhưng con số này có thể ước lượng lên đến hơn 85%, tương đương với con số hơn 100 triệu USD! Trở lại thời điểm năm 2008, có đến 88% doanh thu của hãng đến từ “gã khổng lồ”. Mozilla đã “bào chữa” cho việc mình phụ thuộc quá nhiều vào Google bằng cách liệt kê ra nhiều hãng tìm kiếm cũng là đối tác của công ty như Bing, Yahoo, Amazon, eBay, Yandex…

Tháng 10 vừa qua, Mozilla cũng cho ra đời phiên bản Firefox tích hợp công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào Google. Mục đích của hãng thì hợp lý, nhưng kết quả mà công ty phi lợi nhuận này thu được không khả quan chút nào, đặc biệt với tình hình phát triển trì trệ của Bing.


Dù có thực hiện các chiến lược đột phá hay bất ngờ thì trong thời gian ngắn trước mắt, Google vẫn nắm trọn phần lớn doanh thu của Mozilla. Mặc dù hợp đồng của hãng và Google đã hết hạn, nhưng theo các nguồn tin cho rằng Google và Mozilla vẫn đang trong quá trình đàm phán và Google Search vẫn được thiết lập mặc định trên các phiên bản Firefox thì khả năng tích cực vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, liệu Mozilla có thể tồn tại với nhiều sự thay đổi trong hợp đồng với Google nếu được gia hạn?

Mozilla không Google

Mozilla vẫn có thể “sống” được ít nhất là trong một thời gian ngắn nếu không có bản hợp đồng với Google. Cũng trong bản báo cáo tài chính năm 2010 của công ty, Mozilla hiện có 27 triệu USD tiền mặt và các khoản có thể đầu tư, cùng với đó là 105 triệu USD giá trị các nguồn mà hãng đang đầu tư. Mặc dù tình hình trước mắt đang rất khó khăn nhưng hãng hoàn toàn có thể trụ được 1 vài năm nếu Google chấm dứt hợp đồng với Firefox.


Không có Google, con số doanh thu của Mozilla sẽ không tụt xuống mức cuối cùng là con số 0. Firefox vẫn có một số đối tác cung cấp dịch vụ tìm kiếm khác như Yahoo, Bing.. và có thể tạo thêm doanh thu nếu thiết lập các dịch vụ tìm kiếm này làm công cụ mặc định trên Firefox. Đặc biệt, tổ chức phi lợi nhuận này vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng người sử dụng web. Trong năm 2010, Mozilla nhận được số tiền ủng hộ 1,3 triệu USD từ 5500 người, con số tăng gấp 5 lần so với năm 2009. Điều này cho thấy hãng luôn muốn nhận được sự ủng hộ của công chúng làm trọng hơn là dựa hoàn toàn vào các đối tác tìm kiếm, dù con số này chênh lệch nhau rất nhiều.

Tuy nhiên, không có tiền hay cụ thể hơn là nhiều tiền thì khả năng duy trì và phát triển sản phẩm sẽ sụt giảm đáng kể. Chưa kể đến việc duy trì cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…Theo thời gian, việc thiếu hụt doanh thu chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của Mozilla.

Google không Mozilla

Hãy nhìn nhận vấn đề từ một khía cạnh khác. Liệu Google có cần đến Mozilla nữa hay không?

5 năm trước, khi lần đầu tiên Google và Firefox hợp tác để đưa Firefox vào cuộc chiến trình duyệt với Internet Explorer, sản phẩm của Microsoft đang thống trị thị trường trình duyệt. IE luôn được mặc định trên các sản phẩm của Microsoft, cụ thể là Windows. Google đã quyết định thỏa thuận với Firefox để cạnh tranh với Microsoft. Firefox mở rộng thị phần của mình, đi cùng với trình duyệt này là các dịch vụ của Google làm trọng tâm.

Tuy nhiên, thời gian 5 năm cũng đủ làm thay đổi nhiều thứ. Thời điểm hiện tại, IE vẫn đang đứng vị trí số 1 trên thị phần trình duyệt của thế giới. Trong khi đó, Chrome của Google đã vượt qua chính Firefox để chiếm vị trí thứ 2 và đang ngày càng bỏ xa “Cáo lửa”. Cứ theo xu hướng này, liệu chỉ trong năm 2012 tới thôi, thị phần của Firefox sẽ còn thê thảm như thế nào nữa?


Chrome chính là “chiếc giày vàng” của Google trong cuộc đua này. 5 năm trước Google không thể tự mình tạo ra sản phẩm cạnh tranh với IE của Microsoft mà phải nhờ đến sự hợp tác của Firefox. Giờ đây, “gã khổng lồ” đã nắm trong tay vị trí thứ 2 về thị phần trình duyệt, và đi kèm với Chrome là rất nhiều dịch vụ của Google.

Người sử dụng đã không cần phải nhờ tới Firefox để tìm đến những dịch vụ hiện đang rất phổ biến của Google như trước nữa. Có Chrome, họ có tất cả dịch vụ của Google.

Tương lai nào cho Firefox?

Chiến lược phát triển của Firefox trong tương lai gần chỉ là 6 tuần cho ra đời một sản phẩm mới. Điều này có thể ảnh hưởng tích cực đến tính năng hay tốc độ duyệt web của Firefox nhưng nó không thực sự đem lại sự thoải mái cho người sử dụng. Họ chưa kịp làm quen với sản phẩm mới, thì một sản phẩm mới hơn và có thể tốt hơn đã ra đời. Thậm chí nó còn gây khó chịu cho các đối tượng sử dụng là doanh nghiệp, tổ chức…

Trên đây chỉ là hoạt động của Firefox trong thị trường máy tính để bàn. Có ý kiến cho rằng Firefox nên tham gia thị trường trình duyệt web trên di động hay máy tính bảng để cải thiện tình hình xấu hiện nay. Mozilla đã bắt tay vào thực hiện, nhưng…

Theo số liệu từ Net Applications, trình duyệt Safari của Apple chiếm hơn 55% thị phần mảng di động, kế tiếp là Opera Mini với 20,09% và Android với 16,36%. Còn con số của Firefox như thế nào? Nó đâu? Câu trả lời chưa vượt nổi 0,04%. Con số này đã nói lên tất cả!

Firefox chỉ biết ngậm ngùi quay về với thị trường duyệt web trên máy để bàn vốn đang trong tình trạng tiến lùi không xong: “Loay hoay một vũng ao làng…”

Tham khảo: Digitaltrends