Nhịp sống số

Financial Times khen doanh nhân công nghệ Việt Nam

Vào năm 2005, khi đột ngột cắt ngang sự nghiệp đang nở rộ trong lĩnh vực tài chính vào để theo đuổi niềm đam mê với các trò chơi trên máy tính, Lê Hồng Minh không thể hình dung điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.

<>

Trước đó, Minh đã có 4 năm làm việc tại hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers và công ty quản lý quỹ VinaCapital. Nhưng người thanh niên tốt nghiệp chuyên ngành tài chính - kinh doanh tại Đại học Monash, Australia này quyết tâm thành lập một công ty trò chơi trực tuyến có tên Vinagame.

Sự chuyển hướng sự nghiệp này được Minh, năm nay 35 tuổi, gọi là "quá trình tự mày mò" khi anh trò chuyện với phóng viên tờ Financial Times (Anh) ngay tại văn phòng của Vinagame tại Tp.HCM.

"Tôi thích rủi ro. Tôi chỉ bắt tay vào làm việc mà chẳng cần nghĩ xem cái gì sẽ xảy ra", Minh nói.

7 năm sau đó, rủi ro mà Minh chấp nhận ngày nào dường như đã đem đến cho anh trái ngọt. Vinagame ra đời ở thời điểm khi lĩnh vực kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam gần như là con số 0 và cũng gần như chẳng ai ở Việt Nam khi đó có kinh nghiệm về lập trình các trò chơi. Minh đã tranh thủ được tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet để xây dựng công ty của mình.

Các trò chơi trực tuyến dành cho nhiều game thủ của Vinagame như "Võ lâm truyền kỳ" (do một công ty phần mềm Trung Quốc cấp phép) được đông đảo thanh niên Việt Nam ưa chuộng. Dựa trên thành công này, Vinagame lấn sân sang các lĩnh vực khác như mạng xã hội, website tin tức và âm nhạc, đồng thời chuyển đổi thương hiệu thành VNG Corporation.

Lê Hồng Minh, người sáng lập VNG. Rủi ro mà Minh chấp nhận ngày nào dường như đã đem đến cho anh trái ngọt.

Với thái độ lạc quan nhưng thận trọng về công ty của mình, Minh tiết lộ với Financial Times rằng, doanh thu của VNG sẽ vượt 100 triệu USD trong năm nay, chiếm khoảng một nửa thị trường trò chơi trực tuyến ở Việt Nam. VNG thậm chí đã được ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ rót vốn.

Theo đánh giá của tờ báo Anh, cho đến nay, thế giới vẫn biết đến Việt Nam với các sản phẩm như gạo và giày da hơn là các công ty phần mềm và Internet. Nhưng Minh nằm trong một nhóm nhỏ những doanh nhân công nghệ của Việt Nam trong độ tuổi 20-30 biết tranh thủ sự nổi lên của tầng lớp dân số trẻ mê công nghệ ở đất nước này.

10 năm trước, không có mấy người Việt Nam sở hữu điện thoại di động hay máy tính cá nhân. Giờ đây, điện thoại thông minh và iPad xuất hiện nhan nhản ở Hà Nội và Tp.HCM, chẳng kém gì ở London hay New York.

Tuy nhiên, những người đi tiên phong trong làng công nghệ Việt Nam cũng phải vượt qua một số trở ngại nhất định. Khởi đầu, hệ thống giáo dục về công nghệ của Việt Nam còn rất yếu, buộc nhiều người trong số này phải tự học. Như Nguyễn Hòa Bình là một ví dụ.

Khi còn là học sinh phổ thông, Bình tiết kiệm tiền ăn sáng để mua sách về lập trình. Năm ngoái, anh chàng 31 tuổi này đã bán 20% cổ phần trong PeaceSoft, công ty giao dịch trực tuyến do anh sáng lập, cho đối tác eBay.

Hồ Minh Đức, 29 tuổi, người cùng 4 bạn học thành lập công cụ tìm kiếm trực tuyến tiếng Việt đầu tiên mang tên Socbay, đã học chuyên ngành công nghệ thông tin ở đại học. Nhưng Đức cho biết, anh và các đồng nghiệp "tự học là chính chứ các thày chỉ dậy lý thuyết". Đức cho biết, những người sáng lập Socbay muốn sử dụng sự hiểu biết của mình về văn hóa Việt Nam và tiếng Việt để đem đến một công cụ tìm kiếm tốt hơn cho người Việt bên cạnh những công cụ tìm kiếm "ngoại".

Đức kể với Financial Times rằng, vào năm 2006, "gã khổng lồ" tìm kiếm Google đã đề nghị mua lại Socbay từ các nhà sáng lập với giá 5 triệu USD, cộng thêm quyền chọn cổ phiếu và công việc với mức lương 8.000 USD/tháng. "Nếu chúng tôi gia nhập Google, có lẽ chúng tôi đã học được nhiều", Đức nói.

Tuy nhiên, Đức và các bạn của anh từ chối đề nghị trên của Google vì "mức giá là quá rẻ và chúng tôi muốn tự phát triển công nghệ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của người Việt".

Nhưng trong bài viết mang tựa đề "Vietnam technology pioneers" (tạm dịch: "Những người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam"), Financial Times cho rằng, để làm được điều đó, những người như nhóm của Đức cần có sự ủng hộ của nhà chức trách.

"Ở Việt Nam, bạn cần phải có các mối quan hệ", Phùng Tiến Công, một doanh nhân Internet 32 tuổi, người sáng lập một số website về hẹn hò và âm nhạc, cho biết. Gần đây, Công đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc của MV Corporation, chuyên về phát triển ứng dụng cho điện thoại di động.

Lo ngại về những ảnh hưởng bất lợi của Internet đối với giới trẻ, cơ quan chức năng của Việt Nam áp dụng nhiều quy định đối với các nội dung trực tuyến và các nhà cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, những công ty như VNG có tầm phủ sóng rất rộng ở Việt Nam. Hiện đã có 18 triệu tài khoản đăng ký sử dụng các dịch vụ trò chơi, mạng xã hội, âm nhạc và tin tức của VNG, chiếm khoảng 60% số người sử dụng Internet của Việt Nam.

"Ở một vài góc độ nào đó, đây là một lĩnh vực nhạy cảm. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người hiểu mình", Minh nói.

Henry Nguyễn, một nhà quản lý quỹ thuộc IDG Ventures Vietnam, công ty đã đầu tư vào VNG và Socbay cho rằng, các doanh nhân công nghệ Việt Nam hiện ở thế bất lợi so với nhiều đối thủ ngoại. "Luật pháp Việt Nam hiện nay đang có lợi cho các công ty công nghệ không phải của Việt Nam, và có lẽ là không công bằng với các công ty trong nước", Henry Nguyễn nhận định.

Các doanh nhân công nghệ của Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại về tốc độ thay đổi của lĩnh vực này. "Công nghệ đang thay đổi chóng mặt, trong khi các công ty trong nước đối diện thách thức lớn vì nguồn lực hạn chế. Chúng tôi không có đủ nhân lực, kinh nghiệm hay môi trường xung quanh để hỗ trợ chúng tôi phát triển", Minh nói.

Những công ty như VNG của Minh cần sáng tạo, nhưng họ lại không có đủ nhân tài. Mặc dù có vài người đi dép lê màu hồng và buộc tóc đuôi ngựa, nhân viên của VNG chẳng có thời gian để chơi bóng bàn hay nằm dài trên sa lông để nghĩ về những thứ to lớn tiếp theo. Thay vào đó, "chúng tôi bận tối mắt tối mũi", Minh nói.

Theo Công, người đang cố gắng đưa tinh thần doanh nhân của anh tới MV Corporation, một điều quan trọng nữa là cần tăng cường tinh thần chấp nhận rủi ro khi thử nghiệm những ý tưởng mới. "Thông điệp quan trọng nhất khi tôi tới làm việc ở đây là chúng tôi sẽ tăng gấp đôi số sai lầm so với trước kia, bởi vì chúng tôi sẽ làm việc nhiều gấp đôi. Nhân viên của tôi có thể mắc lỗi, miễn là họ không lặp lại lỗi đó", Công phát biểu.

<>An Huy

(Theo VnEconomy/Financial Times)