Nhịp sống số

Facebook Tìm kiếm: bước đầu tiên vào thị trường 15 tỷ USD

>Một nhóm 20 kỹ sư của Facebook, cùng với một lập trình viên cũ của Google, đang tiến hàng tối ưu hoá công cụ tìm kiếm của mạng xã hội này, theo Businessweek.

Cho tới giờ, công cụ tìm kiếm của Facebook còn khá thô sơ. Nó mới chỉ giúp người dùng phân biệt được các trang fanpage, các cập nhật từ bạn bè và các kết quả tìm kiếm web được Bing hỗ trợ.


Trong tháng 2 vừa qua, Facebook đã nhận được 336 triệu lượt truy vấn, thấp hơn nhiều so với Google và các đối thủ khác.

Công cụ tìm kiếm mới sẽ có mục đích nâng cao, sắp xếp lại danh mục nội dung cực lớn do người dùng Facebook tạo ra mỗi ngày. Các hoạt động của người dùng như cập nhật status, vào các trang fanpage và dùng nút Like để đánh dấu các bài viết và video ở các trang khác, sẽ khiến công việc tối ưu hoá này khá nặng nề.

Công cụ tìm kiếm khác hẳn Google?

Google cũng đã tham dự vào lĩnh vực tìm kiếm xã hội này gần đây, khi khai mở mạng xã hội Google+ và cho phép người dùng đánh dấu +1 cho các kết quả tìm kiếm ưa thích.

Hướng đi của Google ngược với Facebook hiện tại, khi Google đi từ tìm kiếm tới mạng xã hội, và tích hợp mạng xã hội đó rất sâu trong công cụ tìm kiếm. Một bước đi được đánh giá là vụng về và dễ làm loãng kết quả tìm kiếm.

Bing, đối thủ chính nhưng còn khá yếu thế trước Google, cũng đã có chức năng tìm kiếm xã hội. Lợi thế của Bing là sự kết hợp với dữ liệu người dùng của Facebook, trong hoàn cảnh Microsoft nắm khoảng hơn 2% cổ phần của mạng xã hội này.
 

Bing đang kết hợp chặt chẽ với Facebook

Facebook có lẽ cũng sẽ không đi đối đầu trực tiếp với Google. Khi mà Google dùng cách đánh chỉ mục hàng tỷ tỷ trang web và dùng các thuật toán để phân loại các trang. Facebook có lợi thế ở dữ liệu người dùng, và yếu tố này sẽ giúp hãng đem tới các kết quả tìm kiếm phù hợp hơn cho người dùng.

Thị trường quảng cáo trên tìm kiếm có giá trị 15 tỷ USD quả là một hấp lực lớn với Facebook. Công cụ tìm kiếm của hãng này sẽ có nhiều thế mạnh để quyến rũ người dùng hơn. Khi mà hãng được người dùng cung cấp hàng tỷ hành vi và thói quen của họ, thông qua nút Like nhỏ nhoi nhưng cực nhiều giá trị.

Ví dụ khi bạn tìm kiếm về “điện thoại” Facebook có thể hiện cho bạn thấy fanpage về điện thoại nào bạn vừa mới like gần đây, bài viết về điện thoại nào bạn vừa thích hay vừa bình luận… Tất cả thông tin dạng đó sẽ khiến người dùng gắn bó với Facebook hơn và cung cấp cho trang này nhiều dữ liệu hơn.

Một khi đã làm thoả mãn người dùng, thì công cụ tìm kiếm sẽ rất dễ sinh lợi. Chưa tính tới cách kinh doanh gì mới mẻ, chỉ cần Facebook bán các từ khoá cho các doanh nghiệp muốn hiển thị sản phẩm của mình lên đầu trước các đối thủ, như việc mà Google và Microsoft đang làm. Hãng này cũng sẽ kiếm được khá nhiều tiền.

Khó khăn và tương lai

Nhưng việc xây dựng trang tìm kiếm cũng không phải đơn giản. Các kỹ sư của Facebook sẽ phải đối mặt với nhiều chướng ngại vật. Mỗi khi người dùng đánh giá các trang web, Facebook lại nhận được một dữ liệu mới. Và đừng quên, với hơn 700 triệu người dùng, lượng dữ liệu được cập nhật là rất lớn.

Có lẽ, Facebook còn phải tiếp tục cộng tác với Bing để tránh khỏi sự rối rắm từ dữ liệu người dùng gây ra.

Facebook sắp IPO, và sau khi trở thành công ty đại chúng, Mark Zuckerberg sẽ phải đối mặt với các nhà đầu tư, những người cần nhìn thấy con đường tìm kiếm lợi nhuận rõ ràng của công ty này.

 

Greg Sterling, một chuyên gia phân tích tại Opus Research, nói Facebook có thể nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm số 2 thế giới, nếu như hãng đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. “Sẽ có rất rất nhiều lợi nhuận chờ đợi hãng này “hái”, nếu hãng có thể tạo ra công cụ quảng cáo trả theo từng click trên công cụ tìm kiếm. Họ có thể tận dụng tốt dữ liệu và thông tin mà họ có.”

Hiện thế giới đang hướng tới tìm kiếm theo ngữ nghĩa (semantic search), khi mà dữ liệu ngày càng nhiều và được đưa tới bằng khá nhiều cách. Từ điển mở Wikipedia cũng vừa thông báo dự án Wikidata nhắm tới sắp xếp nội dung thông minh hơn bằng cách tự động cập nhật chéo các trang Wiki, khi một trong số chúng được chỉnh sửa. Bước tiến mạnh trong tìm kiếm của Facebook có thể là bước tiếp theo của công nghệ web theo ngữ nghĩa.

CEO Mark Zuckerberg gần đây đã làm hạ nhiệt cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa hãng này và Google khi cho biết “Tôi không nghĩ rằng vị trí của chúng tôi sẽ dẫn tới việc công ty sẽ thắng ở tất cả các mặt trận.”

Tuy thế, nếu như tin tức này là sự thật, cuộc chiến giữa 2 gã khổng lồ của thung lũng Silicon sẽ được bổ sung một lĩnh vực cạnh tranh gay gắt.

Tham khảo: Businessweek