Nhịp sống số

Facebook theo dõi chúng ta như thế nào?

Facebook theo dõi chúng ta như thế nào?

Lần đầu tiên, Facebook đã tiết lộ chi tiết về quá trình theo dõi người dùng mạng xã hội này trên thời báo USA Today.

Thông qua các buổi phỏng vấn với những nhà lãnh đạo của Facebook: giám đốc kĩ thuật Arturo Bejar, nhà phát ngôn Andrew Noyes, Barry Schnitt, giám đốc Gregg Stefancik…Thời báo USA Today đã có một cái nhìn tổng quan nhất về cách thức mạng xã hội này quản lí 800 triệu người sử dụng.

Facebook không quản lí tất cả người sử dụng theo một phương pháp chung. Mạng xã hội này phân chia người dùng làm 3 đối tượng chính: những người đã đăng nhập và đang sử dụng tài khoản; những người đã đăng xuất tài khoản và những đối tượng không phải thành viên sử dụng chính thức.

Khi bất kì người nào truy cập vào trang Facebook, hệ thống máy chủ sẽ tự động lưu các tập tin vào trình duyệt của họ. Nếu có người đăng kí một tài khoản mới, hệ thống sẽ lưu 2 loại tập tin. Còn nếu không, sẽ chỉ có 1 trong 2 loại tập tin được sao lưu vào trình duyệt.

Những tập tin này lưu trữ mọi thời điểm người dùng truy cập các trang web có sử dụng nút Like và các plug-in khác của Facebook. Sau đó chúng sẽ ghi lại giờ giấc, ngày tháng, các trang web được truy cập và các đặc điểm nhận dạng máy tính của người sử dụng.

Facebook chỉ lưu trữ dữ liệu của người dùng này trong 90 ngày gần nhất, hệ thống sẽ tự động xóa các thông tin liên quan trước đó. Mỗi khi đăng nhập vào Facebook, mọi dữ liệu như tên, địa chỉ email, danh sách bạn bè và các thông tin cá nhân khác của người dùng cũng sẽ tự động được lưu lại.

Một tệp tin Facebook tự động lưu trên trình duyệt Chrome.

Các dữ liệu về thói quen duyệt web và các chủ đề mà người dùng quan tâm trên công cụ tìm kiếm sẽ phần nào xác định được con người, tính cách của họ: đảng phái chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, sở thích, các vấn đề quan tâm… Điều này trở nên hết sức có lợi cho những công ty có mục đích kinh doanh dựa trên dữ liệu thông tin của người dùng như công ty quảng cáo Google, Yahoo, Microsoft và thậm chí cả mạng xã hội Facebook.

Facebook đã nói với thời báo USA Today rằng mạng xã hội này sử dụng thông tin lưu trữ của người sử dụng chỉ với một mục đích duy nhất là tăng cường khả năng bảo mật và cải thiện các plug-in nhằm giúp trang web ngày một hoàn thiện hơn. Hãng cho biết sẽ không thay đổi mục đich này.

Cho dù mục đích sử dụng dữ liệu người dùng của Facebook là gì đi nữa thì nó cũng khiến cho chính người sử dụng bắt đầu lâm vào trạng thái lo lắng và hoài nghi về các thông tin cá nhân của mình sẽ được sử dụng như thế nào. Theo nghiên cứu mới nhất, có đến 70% người sử dụng Facebook và 52% người sử dụng Google đang quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin, họ lo lắng dữ liệu cá nhân của mình sẽ không còn được bảo vệ tuyệt đối như các hãng này hứa hẹn nữa.

Theo VietNamNet/MasOnline/Mashable