Nhịp sống số

Đừng là những anh hùng chém gió sau màn hình

align="justify">Từ những tài khoản Facebook hoàn hảo
 
Là một cộng tác viên của vài tờ báo mạng, tôi thường xuyên kết bạn qua Internet với nhiều người có cùng niềm đam mê để có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm viết lách của nhau. Một ngày kia, tôi biết tới cậu bạn tên T qua đường link tài khoản Facebook của T mà người bạn tôi gửi. 

Theo thông tin trên tài khoản này, dù sinh năm 1995, tức là mới 16 tuổi nhưng T đã có kinh nghiệm viết và cộng tác gần 4 năm với các báo và các trang tin dành cho tuổi teen khá tên tuổi ở Việt Nam. Hiện giờ, T đang là chủ mục của một trang tin, chịu trách nhiệm thiết lập mạng lưới cộng tác viên và đẩy tin bài trong mục mà mình phụ trách. Bên cạnh đó, T còn là học sinh của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam và deputy-leader một nhóm trong câu lạc bộ Hanoikids. 

Nhìn vào bản profile đẹp “long lanh”, hoàn hảo đến như vậy, chúng ta, hẳn ai cũng trầm trồ, thán phục về một cậu bạn “tuổi trẻ tài cao”. Bản thân tôi đã phải thốt lên câu “Bằng tuổi cậu ấy, mình còn lông nhông chạy nhảy suốt ngày; còn cậu ấy đã làm được những việc mà bản thân mình cũng chưa hề nghĩ đến và chưa hề thực hiện được”.
 
Lân la kết bạn với T, rồi hai anh em cứ thế trao đổi thông tin, bài vở, chuyện học hành với nhau qua Facebook, tôi càng ngạc nhiên hơn về khả năng của cậu. Cậu ấy đã từng được nhiều tờ báo mời về làm, nhưng cuối cùng cũng chọn trang tin “xứng đáng” nhất với tài năng của bản thân. Mỗi tháng, nếu chăm chỉ cày cuốc, cậu ấy có thể nhận được trên dưới chục triệu đồng tiền nhuận bút. Việc học hành cũng khá thuận lợi, T luôn nhận được học bổng của trường và dự định sẽ đi du học Singapore ngay khi kết thúc chương trình phổ thông.
 
(Ảnh minh họa).

Mọi điều tốt đẹp về T trong tôi đã hoàn toàn sụp đổ vào một ngày, tôi vào Facebook của T và thấy hai tin nhắn được gửi đến tường nhà cậu. Một là của chị thư kí tòa soạn phàn nàn về việc cậu chậm trễ trong việc nộp bài, rồi chất lượng bài viết thời gian gần đây bỗng nhiên xuống dốc không phanh, quá tệ và tẻ nhạt. Thứ hai, tin nhắn của cô bạn cùng lớp báo cậu đã bị nghỉ ở lớp học thêm do “bùng” học quá nhiều. Tôi nghĩ lại những điều mà T đã ba hoa với mình và gửi tin nhắn qua Facebook tới T để hỏi cho ra nhẽ. Mấy ngày sau, T đã unfriend tôi khỏi danh sách bạn bè của cậu ấy và như để chắc chắn, cậu ấy xóa luôn tài khoản Facebook của mình. Từ đó, tôi không còn bất cứ một thông tin gì về “cậu bé nói dối” ấy nữa.
 
PR bản thân qua Facebook hay các mạng xã hội hoàn toàn có thể thực hiện được và dễ dàng thực hiện được, bởi trên Internet, số “mối quan hệ thật” chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Bạn kết bạn với một người trên Facebook nhưng chưa chắc chắn rằng người đó cũng là bạn của bạn ngoài cuộc đời thật. Và trong một thế giới mà con người chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng bàn phím, chuột và màn hình thì ba hoa, “chém gió” được thực hiện càng dễ dàng. Cái mà họ nhận được, không chỉ là danh tiếng, tên tuổi; mà còn là sự trầm trồ, thán phục và những lời mời kết bạn, xin chỉ giáo, cầu thị của cộng đồng. Vô hình chung, trong mắt của những cư dân mạng cả tin, bạn giờ đã trở thành một người nổi tiếng-một con người luôn được công chúng quan tâm, săn đón.
 
“Sống ảo” đã một thời là trào lưu của đông đảo cư dân mạng. Họ sống trong một thế giới mơ mộng, huyền hoặc, với những cái mình tự đặt ra và kiểm soát lấy nó. “Vợ ảo”, “con ảo”, “người hầu ảo”….tất cả đã khiến cư dân mạng như quên đi lấy thực tại mà đắm chìm trong không gian riêng của mình trên Internet. Chính “trào lưu” sống ảo đó một phần đã khiến cho những “anh hùng chém gió” qua Internet đã và đang có đất để tung chiêu. Họ làm như vậy để đổi lấy cái gì? Để khiến những cư dân mạng khác ghen ăn tức ở ? Để lấy le với mọi người? Để quên đi thực tại của bản thân mình? Hay làm mục tiêu phấn đấu cho bản thân? Dù lí giải mục đích như thế nào, việc làm đó cũng không thể được cư dân mạng chấp nhận.
 
Lối sống ảo đã dẫn tới một hệ quả nghiêm trọng là việc mạo danh những cá nhân tên tuổi, nổi tiếng; sự ảo tưởng về bản thân mình của một bộ phận cư dân mạng. Còn nhớ trước kia, khi tên tuổi của Giáo sư Xoay cùng với chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay” khá nổi trong giới trẻ Việt thì bên cạnh fanpage chính thức của Giáo sư Xoay với số lượng thành viên áp đảo cũng là những fanpage giả mạo tên tuổi của Giáo sư Xoay, trả lời thắc mắc của thành viên hay đăng status, câu like cũng ….chuyên nghiệp chẳng kém gì fanpage đích thực cả. 

Từ những dòng status “Hôm nay giáo sư ghi hình…Cười với Xoáy (Tiến sĩ Xoáy) suốt không quay được”, “Ngày mai bay vào Nam….”, fanpage fake của giáo sư Xoay khiến cho những cư dân mạng “cả tin” sẵn sàng nhấn nút “Theo dõi” để quan tâm tới mọi hoạt động của chủ nhân mà hầu như không để ý tới rằng số lượng thành viên của fanpage giả mạo bao giờ cũng ít hơn fanpage chính thức nhiều lần.
 
Cậu chuyện giữa tôi và anh chàng T. kể trên có lẽ chưa là gì so với câu chuyện về cô bạn Việt giả mạo làm hotgirl Trung Quốc mà tôi sắp kể dưới đây, bởi ở câu truyện trên, chỉ có tôi bị lừa, còn cô bạn giả mạo kia đã “lòe” tận hàng chục nghìn cư dân mạng thời gian qua. Cô bạn này đã dại dột dựng lên cho mình cuộc sống hoàn hảo của một cô nàng ngôi sao có thật tại Trung Quốc, tài năng và xinh đẹp với hàng loạt giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc, học tập cùng những mối quan hệ gia đình, người yêu….chẳng khác gì cô nàng hotgirl Trung Quốc thật sự kia. 

Vẻ đẹp và tài năng của cô nàng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, và có lẽ chúng ta sẽ mãi bị cô nàng “qua mặt” nếu như không có một tờ báo từ những thông tin “giấu đầu hở đuôi” tưởng chừng như rất hợp lí trên Facebook cá nhân đã lật tẩy màn lừa đảo của cô bạn ảo tưởng.
 
Đến những yêng hùng “nói như rồng leo….làm như mèo mửa”
 
Còn nhớ trước khi thi đại học, tôi đã tự quyết tâm và hứa với gia đình những mục tiêu, dự định cao đẹp. Thế nhưng sau một mùa hè chìm đắm trong games, truyền hình; với những bài học ôn vội vã trước ngày thi, tôi chỉ may mắn đủ điểm đậu vào trường Đại học mà mình lựa chọn và mọi dự định, mục tiêu khi xưa cũng lãng quên dần theo thời gian. 

Con người ta có rất nhiều ý tưởng, dự định cao đẹp nhưng khi bắt tay vào thực hiện, người ta mới thấy được rằng không phải điều gì cũng có thể thực hiện được theo ý mình vì nhiều lí do khách quan và chủ quan. Điều đó cũng đúng luôn trên thế giới mạng, khi mà phát ngôn, dự định, lời hứa của mỗi chúng ta không bị kiểm soát bởi những con người thực.
 
“Hứa lèo”-lời phát ngôn của những “anh hùng chém gió” có thể vô hại, chẳng ảnh hưởng tới những người không quan tâm. Chỉ có  những người trong cuộc mới có thể cảm nhận được sự hụt hẫng khi lời hứa suông đó không thể trở thành sự thật. Bạn-một người tham gia làm từ thiện- sẽ cảm thấy bức xúc như thế nào khi một người hứa ủng hộ cho chương trình của mình 1 triệu đồng; thế nhưng khi liên lạc với anh ta, thì cái nhận được chỉ là những cái lắc đầu “bạn thông cảm”, thậm chí là mất hút cùng lời hứa?
 
(Ảnh minh họa).
 
Cộng đồng mạng nói chung và những thành viên của diễn đàn vOzforums nói riêng càng hy vọng bao nhiều vào chương trình “Đòi lại công lí cho người cha vĩ đại Trần Trung Hiếu”  sau sự ra đi cao thượng của anh bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu vì những lời “hứa cho sướng mồm” của một số “thần gió”. 

Những thành viên đứng đầu chương trình đã có một buổi offline phổ biến kế hoạch triển khai chương trình, số người tham gia đăng kí khá đông, hưởng ứng mạnh mẽ, rồi hùng hổ tuyên bố với cộng đồng “mình sẽ ủng hộ xyz ngàn đồng”, “Chúng ta phải làm cho ra nhẽ việc này”, “Không thể nín thinh nhìn anh Hiếu mất đi mà phải chịu ấm ức như vậy”… Thế nhưng, cái mà những người đứng đầu chương trình này nhận được là gì? 

Không, chẳng có gì ngoài những lời hứa suông, những lời quyết tâm, dự định, ý tưởng được vẽ nên bởi những cái đầu bùng nổ tính sáng tạo và đôi bàn tay gõ trên bàn phím . Xukaxinh-thành viên đứng đầu chương trình đã phải thốt lên “Mình đang hoài nghi về bốn từ “Tinh thần cộng đồng” . Cộng đồng gì mà lại như thế này? Toàn những anh hùng chỉ giỏi ngồi sau màn hình “chém gió”. Hô hào thì rất ghê nhưng đến khi tham gia thì mất tích, để cho mình phải tìm kiếm, chạy ngược chạy xuôi liên hệ lại….Nói thì chắc ăn như đinh đóng cột, thế rồi lại biện minh, lí do này nọ để chối bỏ trách nhiệm của bản thân. Sinh hoạt trên thế giới ảo này, có lẽ mình nên tập dần thói quen hoài nghi với những yêng hùng chỉ biết núp sau màn hình “chém gió” vậy!” .
 
Kết
 
Có lẽ đã quá đủ để nói về những “anh hùng chém gió” vẫn hiện hữu mỗi ngày, mỗi giờ trên thế giới mạng. “Chém gió” thực ra sẽ là rất vui khi nó được sử dụng đúng lúc đúng chỗ, khi các thành viên đang cần được giải trí, thư giãn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. 

Thế nhưng thật là lố bịch khi nhiều cư dân mạng lại coi đó như một hình thức để huyễn hoặc, quảng bá, tô vẽ cho bản thân, để rồi sau đó vô trách nhiệm với chính thông tin, phát ngôn của bản thân mình. Chúng ta rất cần những cư dân mạng chân chính đứng lên xóa bỏ, tẩy chay những “yêng hùng” như vậy, trả lại cho Internet sự trong sạch, lành mạnh đúng như câu nói “Thế giới ảo-hành động thật”. Có như vậy thì chúng ta mới có thể cảm thấy thế giới mạng thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình.