Theo luật sư Phạm Thành Long, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Phạm, để tránh việc giới đầu cơ thổi mức giá tên miền “trên trời”, các doanh nghiệp phải cứng rắn và kiên quyết giải quyết các vụ án tranh chấp qua tòa án thay vì ngồi đàm phán để chịu giá cao.
Trên các trang web rao bán domain, các tên miền trùng tên với những doanh nghiệp nổi tiếng ở Việt Nam như vietteltelecom.com, vnptgroup.com, vinaphone3g.vn… được định mức với mức giá “trên trời”, lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu đô la Mỹ, đặc biệt tên miền viettel.com được rao bán ngay trên chính trang chủ của tên miền này với cái giá lên đến hơn 30 tỉ đồng. Thậm chí, giới đầu cơ tên miền còn bắt chước lĩnh vực bất động sản đưa ra khẩu hiệu: “Đừng hi vọng mua được đất mặt tiền với giá đất nông nghiệp”.
Tại chương trình “Nhân vật và sự kiện” ngày 25/12, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, mức giá trên cho thấy, tên miền đã dần dần được đưa về giá trị thực của nó theo quy luật cung cầu của thị trường. Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Netnam cũng cho rằng, mức giá được giới đầu cơ đưa ra dựa trên mức độ nổi tiêng của cá nhân, doanh nghiệp…, như tên miền trùng với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ có giá cao hơn tên miền trùng tên với những người bình thường khác mà ít người biết đến.
Tuy nhiên, luật sư Phạm Thành Long lại khẳng định, những mức giá trên đa số đều là những mức giá ảo “để cho vui” vì không hề có người mua giao dịch thực tế cả.
Cũng theo ông Long, để có thể tránh được tình trạng giới đầu cơ đẩy mức giá “trên trời”, các doanh nghiệp phải rất cứng rắn, như câu chuyên của Samsung, họ không bao giờ có động thái bỏ tiền ra để mua tên miền giá cao dù sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho luật sư để khởi kiện đòi bằng được tên miền. Sau đó, họ không sử dụng tên miền “.vn” đó nữa, bởi vì “nếu cứ tiếp tục mua bán tên miền do người khác trục lợi thì ngay lập tức ngày mai sẽ có người đăng kí tên miền khác và không bao giờ doanh nghiệp hết đau đầu về chuyện tên miền”.
“Vì vậy, cách duy nhất là chúng ta dùng con đường thông qua tòa án, trọng tài để giải quyết dứt điểm một lần”, ông Long nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Long, ông Bình cho biết, năm 2000 tên miền Netnam.com được rao bán với giá 2 nghìn đô la Mỹ. Khi đó, Ban giám đốc Netnam đã họp lại và quyết định không tiến hành mua lại tên miền. Ngày hôm qua, (24/12), mức giá tên miền Netnam.com đã lên đến 22 nghìn đô la Mỹ. Sở dĩ, Netnam quyết định không mua lại tên miền đó là vì biết rằng “giới đầu cơ không bán cho mình thì cũng chẳng thì bán được cho ai, do không ai có tên giống với doanh nghiệp mình cả”. “Càng để lâu thì mức giá càng cao và tên miền đó sẽ càng khó mua hơn”, ông Bình cho biết thêm.
Tuy vậy, ông Bình cũng thừa nhận, sau này nếu Netnam mở rộng đối tượng và phạm vi kinh doanh thành công ty đa quốc gia thì việc không sở hữu tên miền thương mại quốc tế “.com” cũng gặp những bất lợi nhất định.
Cũng theo ông Bình, nếu doanh nghiệp không may bị chiếm hữu tên miền trùng tên với doanh nghiệp, đầu tiên, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người ghi nhớ và thấy được tên miền chính thống mà mình sử dụng. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải giám sát tên miền mà đơn vị mình bị mất xem có được sử dụng với mục đích xấu làm ảnh hưởng hay giả mạo hình ảnh doanh nghiệp hay không. Cuối cùng, doanh nghiệp nên để ý sự phát triển của các tên miền mới để có biện pháp đăng kí kịp thời, tránh tình trạng lại tiếp tục bị giới đầu cơ đăng kí trước.
Theo ICTnews