<>>
Nguyễn Kim mạnh tay mở rộng mạng lưới bán lẻ từ cuối năm 2011. Ảnh: Lê Quang Nhật. |
<>Đua mở chuỗi>
Mười năm nhảy vào thị trường bán lẻ, Nguyễn Kim chỉ có bốn siêu thị. Nhưng chỉ trong năm 2011, Nguyễn Kim sẽ khai trương khoảng 20 siêu thị trên toàn quốc.
Vài ngày nữa, Nguyễn Kim sẽ chính thức đưa vào hoạt động năm siêu thị lớn. Phần còn lại của kế hoạch mở chuỗi sẽ thực hiện trong những ngày còn lại của năm 2011.
Cuối năm 2010, hệ thống bán lẻ hàng kỹ thuật số Thế Giới Di Động có khoảng 100 siêu thị. Ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cho biết cuối năm 2011, Thế Giới Di Động sẽ có 210 siêu thị, còn tính đến hôm nay, đã có 190 siêu thị đi vào kinh doanh.
Dienmay.com (thành viên của Thế Giới Di Động) tham gia thị trường bán lẻ hàng điện máy với siêu thị đầu tiên hoạt động vào cuối năm 2010. Trong năm 2011, hệ thống này đã mở thêm mười siêu thị thành viên. Còn kế hoạch năm 2012, theo ông Đinh Anh Huân, giám đốc Dienmay.com, hệ thống này sẽ mở thêm 50 siêu thị.
Trong hai tháng cuối năm 2011, Viễn Thông A đã mở thêm mười điểm bán lẻ mới, nâng tổng số điểm bán lẻ lên 80 điểm. Theo ông Bùi Văn Hoà, phó giám đốc Viễn Thông A, trong năm 2012, hệ thống này sẽ mở thêm ít nhất là 50 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Đầu tháng 11.2011, EBest khai trương siêu thị đầu tiên tại TP.HCM. Đây là siêu thị điện máy đầu tiên của Ebest có mặt tại thị trường miền Nam. Động thái này được giới kinh doanh nhóm hàng điện máy đánh giá là liều lĩnh khi 4 – 5 năm trước, nhiều đại gia bán lẻ của Hà Nội có ý định "Nam tiến" nhưng không thành vì nhắm không đủ sức cạnh tranh với các "anh Hai" Sài Gòn như Nguyễn Kim, Thiên Hoà, Chợ Lớn.
<>Đầu tư cho tương lai>
Để mở một siêu thị bán hàng điện máy, diện tích mặt bằng tối thiểu chừng 1.000m2. Tiền để đặt cọc mặt bằng, xây dựng và giá trị hàng hoá phải từ 10 – 15 tỉ đồng.
Như vậy, để mở 20 siêu thị, Nguyễn Kim phải có ít nhất là 200 tỉ đồng. Dienmay.com muốn đạt được kế hoạch 50 siêu thị trong năm tới phải có ít nhất là 500 tỉ đồng.
Ông Đinh Anh Huân cho biết, nguồn vốn đầu tư, có thể xoay chuyển từ nguồn tiền bán hàng cũng như từ lợi nhuận. Nhưng rõ ràng, việc khan hiếm tiền mặt cũng như chính sách cho vay, lãi suất và lượng tiền cung ứng từ ngân hàng là những khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư mở rộng hệ thống.
Dù vậy, khi thị trường khó khăn, chi phí đầu tư hệ thống sẽ thấp hơn vì mặt bằng, nhân lực và các chi phí khác có thể thấp hơn, lại tận dụng được những chính sách hỗ trợ từ nhà sản xuất, phân phối.
Theo thông tin từ các nhà bán lẻ, trong năm 2011, dù số lượng nhiều nhóm hàng vẫn tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại giảm đáng kể. "Họ đầu tư cho tương lai. Với những nhà bán lẻ mới, phải chấp nhận lỗ từ 3 – 4 năm nhưng với những nhà bán lẻ lớn, thời gian lỗ thấp hơn rất nhiều", ông Lê Hồng Xuân, giám đốc công ty Tara, một nhà phân phối các mặt hàng điện máy nhận định.
<>Thị trường đang tăng trưởng> Thị trường điện máy nói chung, trong năm 2011, theo số liệu dự báo của hãng nghiên cứu thị trường GfK có tỷ lệ tăng trưởng từ 4 – 38% (trừ một vài ngành hàng giảm như máy lạnh, máy ảnh số, tivi đèn hình... giảm từ 5 – 40%). Năm 2012, theo dự báo của GfK, nhiều mặt hàng sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng như điện thoại di động là 20 triệu chiếc, tăng 15%; laptop 1,2 triệu chiếc, tăng 17%; nhóm tivi LCD và LED 2 triệu chiếc, tăng 35%. Nhóm hàng nghe nhìn dành cho gia đình, tủ lạnh, máy giặt... có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn, dao động từ 8 – 12%. |
<>Gia Vinh>
Theo SGTT