Nhịp sống số

Đà Nẵng “làm đẹp” thành phố bằng BTS thân thiện môi trường

UBND TP Đà Nẵng đã cho phép sử dụng 4 mẫu trạm BTS dạng "thân thiện môi trường" trên địa bàn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông, phục vụ thông tin liên lạc, nhưng vẫn đảm bảo được cảnh quan môi trường.

Trạm BTS thân thiện môi trường của MobiFone 3 tại Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, PGĐ Sở TT&TT Đà Nẵng: Tại TP có 7 mạng di động đang khai thác với gần 2,1 triệu thuê bao. Với số lượng thuê bao khá lớn nên số lượng trạm phát sóng thông tin di động (BTS) cũng khá “dày đặc” với 1.686 trạm BTS 2G và 3G tại 950 vị trí. Thời gian đầu, với tiêu chí “phủ rộng” để phát triển thuê bao nên các DN viễn thông đã xây trạm có chiều cao tối thiểu trên 30 m (36 - 80 m) đối với trạm BTS loại 1 (công trình xây dựng bao gồm nhà trạm và cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động được xây dựng trên mặt đất) và 18 m trên nóc nhà tối thiểu là 2 tầng của trạm BTS loại 2 (cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động và thiết bị phụ trợ được lắp đặt trên các công trình đã được xây dựng). Việc xây dựng trạm BTS có độ cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của Đà Nẵng, dễ bị gãy đổ ở địa bàn thường xuyên có mưa bão, đặc biệt là sự phản ứng của người dân ở xung quanh vị trí đặt trạm.

Để khắc phục tình trạng này, Sở TT&TT và Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phối hợp với một số DN viễn thông thực hiện thiết kế và lắp đặt thành công các trạm BTS dạng “thân thiện môi trường” (không xây dựng trụ ăng ten hoặc trụ ăng ten dạng trang trí).

Từ thử nghiệm thành công bước đầu, Sở TT&TT Đà Nẵng đã tham mưu và được UBND TP phê duyệt cho triển khai rộng rãi 4 mẫu trạm BTS thân thiện môi trường đồng thời, cung cấp mẫu thiết kế cho các DN viễn thông. Năm 2011, Sở TT&TT Đà Nẵng đã đồng ý để các DN viễn thông lắp đặt 27 trạm BTS thân thiện môi trường (chiếm 15% trong tổng số 180 trạm BTS cấp phép trong năm 2011).

Theo ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kĩ thuật, Trung tâm Thông tin di động khu vực 3 (MobiFone 3 là DN có số lượng BTS thân thiện môi trường nhiều nhất ở Đà Nẵng: 19/27 trạm): tại Đà Nẵng, MobiFone chiếm trên 60% thị phần dịch vụ ĐTDĐ, do đó để nâng cấp dung lượng cũng như chất lượng mạng lưới nhằm phục vụ khách hàng, MobiFone phải tăng số lượng trạm BTS. Nhưng việc làm này vẫn phải tuân thủ quy định về cảnh quan đô thị của Đà Nẵng. Do đó, chủ trương khuyến khích DN xây dựng BTS thân thiện môi trường của Đà Nẵng đã mở đường cho MobiFone. Hiện tại, số trạm BTS thân thiện môi trường của MobiFone chủ yếu phục vụ cho việc lấp chỗ tối về phủ sóng, mở rộng dung lượng phục vụ. Quan trọng là các dạng anten này không gặp phản ứng của người dân khi lắp trạm, đồng thời trạm BTS thân thiện môi trường sẽ ít bị ảnh hưởng do thời tiết xấu so với các trạm thông thường vì có độ cao thấp hơn. Tuy nhiên, chi phí trang bị loại anten đặc thù này cao hơn các loại thông thường khoảng 50%. Bên cạnh đó, quá trình vận hành khai thác mạng, việc hiệu chỉnh góc hướng và các tham số cơ điện cũng phức tạp hơn anten kiểu cũ. Năm 2012, MobiFone sẽ tiếp tục xây dựng các BTS thân thiện với môi trương nhưng sẽ đa dạng hơn về chủng loại, ví dụ: trạm phân tán FDAS (Fiber Distributed Antenna Systems) dọc theo các tuyến đường khu đông dân cư, KCN; trạm anten ngụy trang lẫn vào các tòa nhà cao tầng (trên 10 tầng); trạm ngụy trang dựa vào hệ thống đèn chiếu sáng công cộng…

Tuy nhiên, việc chuyển đổi toàn bộ phải được tiến hành có lộ trình vì sẽ phát sinh chi phí cực lớn cho DN. Hiện MobiFone chưa có kế hoạch chuyển đổi các trạm cũ mà phải đợi thông tin định hướng của cơ quan quản lí Nhà nước.

Theo ICTnews