Cách thức hoạt động
Theo Hany Farid, tác giả của nghiên cứu (đã được xuất bản công khai, bạn có thể xem tại đây, click vào nút Toggle để xem ảnh trước và sau khi được chỉnh sửa), phần mềm sẽ đánh giá mức độ photoshop của 1 bức ảnh qua 5 mức. Chẳng hạn như bức ảnh dưới đây, ảnh đầu tiên được đánh giá bị chỉnh sửa ở mức 1 khi nhân vật chỉ được làm trắng da, còn ảnh cuối bị chỉnh ở mức thứ 5 khi nhân vật được chỉnh sửa trở nên eo thon hơn rất nhiều so với ảnh thật.
Hàng ảnh ở trên là trước khi qua Photoshop.
Farid tính toán mức độ đánh giá này dựa vào 8 số liệu thống kê tổng kết những thay đổi về màu sắc, hình dạng và kết cấu của 1 bức ảnh. 4 trong số 8 số liệu thống kê này mô tả sự thay đổi của các điểm ảnh trên khuôn mặt và thân hình của nhân vật trong ảnh. Các số liệu khác đánh giá mức độ làm mờ, làm bóng hoặc hiệu chỉnh màu sắc của ảnh.
Sau đó ông đưa các kết quả này nhờ 1 nhóm gần 400 người đánh giá mức độ photoshop của các bức ảnh từ mức 1 (khá giống ảnh gốc) đến 5 (chỉnh sửa quá nhiều). Số liệu này có thể được áp dụng theo thuật toán cho các bức ảnh để đánh giá tự động mức độ bị chỉnh sửa của 1 bức ảnh. Theo Hany Farid, hệ thống đánh giá tự động khá trùng khớp với những đánh giá của con người (khoảng 80%). Tuy nhiên, nó vẫn không thể đánh giá các bức ảnh đã bị thay đổi “quá thể” làm thay đổi hoàn toàn hình dáng thật như hình ảnh của một người đàn ông bị rụng răng nhưng đã được photoshop phục hồi lại. Ông cho biết sẽ cải tiến hệ thống tự động này để nó đánh giá chính xác hơn cũng như có thể hoạt động trên nhiều loại hình ảnh. Ông cũng đang làm việc với hãng Adobe để tạo ra 1 plug-in dành cho phần mềm Photoshop nhằm đánh giá mức độ cũng như đưa ra khuyến cáo khi ảnh bị sửa “quá đà”.
Vì sao lại có phần mềm này?
Đứng trước thực tế các bức ảnh quảng cáo trên các báo, tạp chí hay ảnh bao bì sản phẩm hiện nay đã bị chỉnh sửa photoshop quá nhiều, nhiều nhà làm luật ở một số nước trên thế giới tỏ ra lo ngại những bức ảnh bị photoshop quá đà có thể gây ra những hệ lụy không tốt. Hai năm trước, các nhà làm luật ở Pháp đã nảy ra ý tưởng gán mác “ảnh đã qua photoshop” trong các bức ảnh quảng cáo, ảnh các nghệ sĩ, chính trị gia cũng như ảnh bao bì sản phẩm vì cho rằng “Những bức ảnh này có thể khiến nhiều người tin vào 1 thực tế không hề tồn tại. Trong 1 số trường hợp, chúng dẫn đến hiện tượng chán ăn và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng”. Các nhà làm luật còn đề xuất nếu các nhà quảng cáo không tuân theo quy định có thể bị phạt với số tiền hơn 50.000 USD.
Trong thực tế, một số quảng cáo dùng photoshop quá đà cũng đã bị "tuýt còi". Tại Anh, hồi tháng 7, nhà làm luật Swinson đã phản ánh lên Cục Quản lý tiêu chuẩn quảng cáo (Advertising Standards Authority) của nước này yêu cầu cấm hai mẫu quảng cáo với sự tham gia của diễn viên Julia Roberts và Christy Turlington cho L'Oréal và vì gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng do ảnh quảng cáo đã bị chỉnh sửa quá nhiều. Lệnh cấm sau đó đã được áp dụng. Một số nước ở châu Âu như Nauy, Anh cũng đưa ra những đề xuất tương tự Pháp. Tuy nhiên, đến nay, một luật liên quan đến vấn đề này vẫn chưa được thông qua.
Bức ảnh quảng cáo của Julia Roberts bị cấm vì photoshop quá đà.
Những thực tế đó khiến Hany Farid, chuyên gia về khoa học máy tính, trường đại học Dartmouth và là trưởng dự án nghiên cứu này cho rằng cần có 1 công nghệ để đánh giá chính xác mức độ photoshop của 1 bức ảnh để đưa chúng trở về với thực tế. Hany Farid và thực tập sinh Eric Kee tại ban khoa học máy tính trường đại học Dartmouth đã cho ra đời công cụ này.
Dư luận nghĩ sao?
Công cụ của nhận được nhiều ủng hộ từ các nhà làm luật. “Tôi cho rằng hệ thống đánh giá này rất có giá trị”- Jo Swinson, một nhà hoạt động luật của Anh từng ủng hộ cho chiến dịch gán nhãn đã qua photoshop cho ảnh, cho biết. Tuy nhiên, bà này cũng khuyến cáo nếu chỉ đơn giản là gán mác khuyến cáo mà ý nghĩa của chúng không rõ ràng thì sẽ không có nhiều tác dụng. Các ngôi sao Hollywood cũng như các hãng sản xuất vẫn chưa đưa ra ý kiến gì về công cụ này, nhưng có lẽ sẽ chẳng có sao nào vui bởi công cụ bóc mẽ những điểm yếu trên cơ thể của mình.
Không chỉ ở Pháp, một số nước châu Âu như Anh, Nauy cũng đã đưa ra những đề xuất về 1 luật liên quan đến gán nhãn đã qua photoshop cho các bức ảnh quảng cáo. Tuy nhiên đến nay, chưa có 1 văn bản nào chính thức đưa ra quy định này. “Hệ thống đánh giá chỉ có tác dụng nếu tất cả các bên đều đồng lòng, từ giới xuất bản đến các nhà làm luật, không phải chúng ta cứ muốn là được. Đồng thời, công nghệ đánh giá cũng cần phải hoàn thiện và chính xác” - Hany Farid cho biết.
Tổng hợp