Nếu biết cách chọn hàng, người dùng vẫn có thể mua được hàng tốt, chính hãng với mức giá khá hời. Một số cách chọn hàng sau sẽ là bí quyết giúp bạn sở hữu được chiếc điện thoại như ý một cách nhanh chóng, chắc chắn.
1-Kiểm tra hình thức bên ngoài
Cần kiểm tra vỏ ngoài, màn hình có bị trầy nhiều không. Vỏ zin có chữ in ở mặt sau đều và sắc nét, các góc bo đều. Khe cắm sim phải cùng màu với vỏ, camera liền lạc, ngang bằng với vỏ, nếu bị thụt vào là máy đã thay vỏ. Các vết cắt ở các vị trí ốc, loa, khe sim sắc bén. Đặc biệt, chú ý đến 2 con ốc ở phía dưới cạnh máy có dấu hiệu tháo ra hay chưa. Thường thì sau khi mua máy, các cửa hàng đều dán tem bảo hành của cửa hàng vào vị trí 2 con ốc này. Một mặt để người dùng không dễ dàng tháo máy ra, tránh trường hợp người dùng bung ra làm hư rồi bắt cửa hàng phải bảo hành. Mặt khác cũng để chứng minh là hàng còn zin, chưa có dấu hiệu bung máy ra thay thế, sửa chữa gì.
2- Kiểm tra màn hình, WiFi...
Thử nhập liệu tất cả các chữ bàn phím ảo ở cả màn hình phương ngang, phương dọc để kiểm tra độ nhạy cảm ứng, có điểm chết hay không. Cần xem kỹ màn hình xem đã bị thay chưa, thường thì khi thay màn hình iPhone rất dễ để lại dấu vết, nên nếu quan sát kỹ bạn sẽ phát hiện ra. Thử chụp một ảnh để xem chất lượng ảnh chụp và màu sắc thể hiện trên màn hình. Nêu máy đã bị luộc camera, chất lượng ảnh chụp sẽ rất xấu. Thử bật Wifi và vào web để kiểm tra wifi. Mở 1 file nhạc với âm thanh lớn hết cỡ xem có bị rè không ( bị rè là do thay loa). Cắm sạc và tai nghe vào để đảm bảo các chức năng này hoạt động tốt. Bật tắt nút rung (ở cạnh trái máy) để thử rung.
3-Kiểm tra thông tin của máy
Vào Setting/General/About xem các thông tin như Model, Carrier, Serial Number , IMEI. 2 chữ cái cuối của Model sẽ cho bạn biết máy của thị trường nào LL: Mỹ, ZA: Singapore, ZP: Hong Kong,...(Lưu ý thị trường Mỹ không có bản World chỉ có bản lock). Carrier sẽ cho biết nhà mạng phân phối, ví như AT&T. Vì vậy, nếu người bán nói máy là từ Mỹ về mà các thông tin này lại thể hiện nhà mang khác thì cần cảnh giác không nên mua. Số thứ 3 của Serial Number cho biết năm sản xuất, số thứ 4, thứ 5 là tuần sản xuất. Ví dụ serial ...048... có nghĩa là máy sản xuất vào tuần thứ 48 của năm 2010 tức tháng 12/2010.
Có nhiều cửa hàng gom iPhone 3GS cũ từ Mỹ về với số lượng lớn. Tuy nhiên, không ít cửa hàng vẫn trà trộn hàng cũ trong nước vào để bán. Đơn cử với phiên bản 8GB, khi tra Carrier, thay vì phải là nhà mạng AT&T và là bản lock thì máy đã được unlock từ thuở nào, phần Carrier lại thể hiện nhà mạng là Viettel. Một số cửa hàng cho khách tháo máy xem mainboard, nhưng cũng có những cửa hàng không cho khách tháo máy. Nếu là hàng dựng, tháo máy xem mainboard là biết ngay.
Vào trang https://selfsolve.apple.com/agreementWarrantyDynamic.do và nhập số Seri vào để kiểm tra thông tin về thời hạn bảo hành. Một số người còn cẩn thận kiểm tra IMEI trên máy và trên khay sim có khớp nhau không. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng vì khay sim dễ bị rơi rớt khi tháo ra bỏ sim vào và được thay bằng sim khác cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, việc khắc các số IMEI trên khay sim khớp với máy cũng rất dễ thực hiện. Quan trọng là các hoạt động máy tốt, màn hình nhạy, nút home êm ái, nhanh nhạy là được.
4-Kiểm tra nghe gọi, nhắn tin, 3G
iPhone 3GS rất dễ dàng unlock nên bản lock hay quốc tế không quan trọng. Nếu là bản lock bạn có thể yêu cầu người bán unlock máy để thử nghe gọi xem có hoạt động tốt không, sóng có ổn định không. Cũng như tiến hành thử lướt net với 3G, đồng thời tranh thủ kiểm tra xem thời lượng pin có bị tụt nhiều sau các phép thử trên hay không. Sau đó, thử cắm sạc để xem máy có nạp điện không?
5-Nên chọn bản nào 8GB 16GB hay 32GB
Thường mọi người thích chọn các phiên bản càng nhiều GB càng tốt. Song ít ai biết một điều, khi ra iPhone 4 xuất hiện, Apple đã ngừng sản xuất 3GS bản 32GB và 16GB và bắt đầu sản xuất bản 8GB. Như vậy, bản iPhone 8GB có thời gian sản xuất tương đương với iPhone 4 và còn khá mới. Thậm chí, tại thời điểm cuối năm 2011, bạn còn có thể mua được 1 số máy sản xuất vào đầu 2011. Điều đó có nghĩa là máy vẫn còn hạn bảo hành chính hãng của Apple. Còn nếu chọn bản 16GB, 32 GB thì máy tương đối cũ. Nói 1 cách dễ hiểu, bạn sẽ khó kiếm một chiếc iPhone 3GS 16 hay 32GB kiểu “like new” như chiếc 8GB được. Đó là chưa kể tình trạng bản 16- 32GB ra khá lâu, dễ xuất hiện nhiều hàng dựng, hàng qua sửa chữa... Vì vậy, lời khuyên khá tốt cho người dùng muốn chắc ăn hơn cả là chọn bản 8GB, “vừa ngon vừa rẻ”.
Hoàng Kim