Màn hình thông thường được cấu tạo bởi nhiều điểm ảnh khác nhau, tùy theo độ phân giải mà chúng ta sẽ có được số điểm ảnh của màn hình đó. Ví dụ màn hình có độ phân giải 1920x1080 thì số điểm ảnh sẽ luôn là 1920x1080=2.073.600, bất kể kích thước màn hình. Cùng 1 độ phân giải, màn hình càng lớn thì kích cỡ điểm ảnh càng lớn và ngược lại. Thông thường, mỗi điểm ảnh sẽ có 3 màu cơ bản RGB và từ đó kết hợp lại để thể hiện các màu sắc khác nhau.
Vì bản thân các tinh thể LCD không thể phát sáng nên người ta phải cấp nguồn sáng phía sau cho nó, ngày trước thì dùng đèn huỳnh quang và bây giờ là đèn LED. Đến với đèn LED thì chúng ta lại có 2 loại là LED viền gắn các bóng đèn LED vào viền màn hình và LED nền gắn vào mặt sau TV. LED nền dùng nhiều đèn LED hơn nên mắc tiền hơn. Với những màn hình siêu cao cấp thì họ có thể dùng mỗi đèn LED với 1 điểm ảnh và khi cần có thể tắt nó đi cho công nghệ làm tối cục bộ local dimming. Việc bố trí dày đặc các mạng lưới LED này sẽ giúp TV kiểm soát các khu vực tối tốt hơn, sẵn sàng tắt đèn khi thể hiện màu đen và loại bỏ những nhược điểm của LED viền hay đèn huỳnh quang.
Quay trở lại Crystal LED, Sony không chỉ bố trí mỗi đèn LED cho 1 điểm ảnh mà họ còn làm nhiều hơn thế, bố trí mỗi 1 đèn LED siêu nhỏ cho 1 màu sắc RGB và lần này thì đèn đó gắn trực tiếp vào mặt trước của TV chứ không phải phía sau. Như vậy, với 1 TV Full HD Crystal LED thì Sony gắn vào đó khoảng hơn 6 triệu bóng đèn LED. Với cái cách bố trí như vậy thì có lẽ Crystal LED chỉ phù hợp với những màn hình kích thước lớn.
Và bởi vì cấu trúc của nó, Crystal LED cho phép chúng ta tái tạo ánh sáng hiệu quả hơn, tăng độ tương phản của hình ảnh, cải thiện khả năng hiện thị màu đen và sáng cho màn hình LCD, cho gam màu rộng hơn, thời gian phản hồi được rút ngắn, góc nhìn rộng hơn và cũng tiết kiệm điện hơn. Thực tế thì góc nhìn của Crystal LED là xuất sắc, ở mức gần 180 độ mà màu sắc vẫn không thay đổi nhiều. Dù không công bố thông số chính xác nhưng theo Sony thì màn hình này có độ tương phản cao hơn 3,5 lần, thể hiện được nhiều màu hơn 1,4 lần và tốc độ phản hồi nhanh hơn 10 lần so với LCD hiện tại của họ. Màn hình Crystal LED của Sony vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và tiềm năng của nó còn rất lớn. Cá nhân mình thấy màu sắc của nó giống OLED hơn là IPS LCD. Chúng ta hãy chờ xem bao giờ thì màn hình này được thương mại hóa, có lẽ số phận của nó cũng giống như các TV thuộc dòng Qualia hay Bravia X ngày xưa, làm để trình diễn công nghệ là chính còn bán thì rất khó vì giá quá cao.