Chân dung Scott Thompson, tân CEO của Yahoo.
Khoảng thời gian trì trệ và bết bát vừa qua xứng đáng là khoảng thời gian tồi tệ trong lịch sử phát triển của Yahoo, “ông Vua” từng bị Google truất ngôi. Liệu dưới sự lãnh đạo của vị CEO mới, hãng có thể quay trở lại được thời hoàng kim của mình hay không? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời.
Scott Thompson
Trước khi đảm nhận vai trò CEO của Yahoo, Scott Thompson là chủ tịch của PayPal, dịch vụ thanh toán trực tuyến trực thuộc eBay từ tháng 1 năm 2008. Để có thể nắm giữ chiếc ghế cao nhất tại PayPal, vị chủ tịch sinh năm 1958 này từng là phó chủ tịch cấp cao đồng thời là giám đốc mảng công nghệ tại PayPal, nơi ông trực tiếp giám sát các mảng công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm và kiến trúc của hệ thống PayPal.
Thompson từng làm việc cho Inovant, một công ty con của Visa với cương vị phó chủ tịch điều hành các giải pháp công nghệ. Thompson cũng từng là giám đốc thông tin của Barclays Global Investors. Ngoài ra còn làm việc cho hãng Coopers & Lybrand, cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin cho các dịch vụ tài chính hàng đầu như Wells Fargo.
Ngày 4 tháng 1 năm 2012, tức ngày hôm qua, Scott Thompson chính thức được bổ nhiệm nắm giữ cương vị CEO của Yahoo.
Dưới sự lãnh đạo của Thompson, PayPal đã trở thành một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của eBay, góp phần tăng trưởng doanh thu không nhỏ cho công ty và đưa eBay lên tầm cao mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thompson đã đưa doanh thu của PayPal từ con số 1,8 tỷ USD lên đến hơn 4 tỷ USD hằng năm.
Tại PayPal, thành công lớn nhất của Thompson là đưa phương pháp xử lý thanh toán điện tử lên tầm cao mới. Tuy nhiên, khi đến với Yahoo, ông phải đối mặt với rất nhiều vấn về ở rất nhiều lĩnh vực. Cũng giống như Google, các mảng kinh doanh của Yahoo khá đa dạng, để giữ vững và phát triển tất cả khía cạnh này nhằm chèo lái con thuyền kinh doanh chung của Yahoo, Thompson cần rất nhiều yếu tố bên cạnh sự tài năng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến.
Cũng tương tự như hoàn cảnh của Thompson hiện tại, cựu CEO của Yahoo Carol Bartz từng ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo Yahoo với một lý lịch không thể sáng sủa hơn với vô số thành công cùng công ty đồ họa thiết kế Autodesk. Một tay gây dựng nên vinh quang cho Autodesk, nhưng khi chuyển sang Yahoo, thành công và may mắn hoàn toàn không tồn tại trong các kế hoạch kinh doanh của bà.
Cổ phiếu tụt giảm nghiêm trọng, các sản phẩm trì trệ, chảy máu chất xám, nội bộ lục đục…Yahoo dưới thời Carol Bartz thực sự là một “mớ hỗn độn” và bà đã không thể sắp xếp nó về với trật tự vốn có. Người tiền nhiệm cũng tài năng không kém đã thất bại, Scott Thompson sẽ cần phải làm gì để thành công?
Những vấn đề Scott Thompson PHẢI thực hiện triệt để
Trong buổi nhậm chức CEO tại Yahoo, Thompson đã cho biết kế hoạch trước mắt của ông là phát triển số lượng người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của hãng, tăng lượng doanh thu từ quảng cáo và kéo giá trị cổ phiếu Yahoo tăng trở lại. Thompson không đề cập chi tiết làm thế nào để ông có thể thực hiện các kế hoạch này, nhưng để vực dậy cả một bộ máy lớn như Yahoo, Thompson cần nắm rõ vấn đề và giải quyết triệt để các yếu tố ngọn nguồn và sâu xa sau đây của hãng.
Yahoo - Công ty truyền thông hay công nghệ?
Định nghĩa về một công ty truyền thông vẫn gắn bó với Yahoo từ khi hãng thành lập cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Yahoo cũng như các công ty truyền thông khác trên thế giới Internet rất cần đến công nghệ để phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình.
Cựu CEO Carol Bartz đã chỉ làm được một số việc khá tập trung đó là cắt bỏ một số sản phẩm công nghệ của hãng, mà quên mang thông điệp “công ty truyền thông kỹ thuật số hàng đầu thế giới” đến với người sử dụng. Carol đã đánh mất bản sắc công ty truyền thông vốn có của Yahoo mà chỉ đi sâu vào khai thác mảng công nghệ, điều này cũng là một thất bại của vị cựu CEO này.
Tuy nhiên, với thế giới công nghệ phát triển như hiện nay, thì Yahoo bắt buộc phải sở hữu 2 yếu tố hàng đầu này: là công ty truyền thông và nắm giữ các sản phẩm công nghệ cao thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài được. Scott Thompson phải hiểu rõ điều này để đưa tầm nhìn của hội đồng quản trị, người sử dụng hay các nhà quảng cáo vào đúng giá trị của Yahoo.
Đổi mới công nghệ, sản phẩm
Dưới thời Carol Bartz, vị cựu CEO này đã ghi lại một số dấu ấn tích cực bằng việc thiết lập hệ thống dữ liệu lớn và áp dụng công nghệ điện toán đám mây cho toàn hệ thống, bên cạnh việc xóa bỏ những hệ thống cũ kỹ, lỗi thời. Thompson có thể vận dụng điểm này để phát triển thế mạnh riêng dưới thời lãnh đạo của mình.
Có điểm tựa công nghệ, Yahoo phải cho ra đời các sản phẩm tiên tiến mới nhất nhưng vẫn đáp ứng thị hiếu của người sử dụng công nghệ. Điều khó khăn đang chờ đợi Thompson là ông phải tính toán làm sao sản phẩm của mình phải thông dụng trên thị trường ít nhất là vài năm tới.
Chất lượng sản phẩm và nội dung được nhiều người sử dụng quan tâm mới là đích đến trước mắt thay vì doanh thu hay giá trị cổ phiếu của công ty, bởi nếu không có nền tảng phát triển này, hãng không thể tự mình định mức hay quyết định giá trị cổ phiếu và doanh thu hằng năm.
Thompson nên biết nắm bắt cơ hội về một sản phẩm mới thu hút người sử dụng thời điểm hiện tại, chẳng hạn như mạng xã hội trên điện thoại di động. Trong quá khứ, Yahoo thường ở trạng thái “chạy theo” các xu hướng công nghệ và chính điều này đã làm giảm giá trị của các kết quả hãng thu được.
Yahoo không nhất thiết phải tự mình tạo ra sản phẩm mới, vì điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc. Thompson có thể đề xuất mua lại một số công ty, dịch vụ đã tiến hành các sản phẩm phổ biến trên thị thường hiện tại, từ đó phát triển hướng đi cho riêng mình.
Củng cố niềm tin
Thực trạng hiện nay ở Yahoo hẳn ai cũng rõ. Trong nội bộ, từ những thành viên hội đồng quản trị cho đến ban giám đốc, các nhân viên…có chung một tâm lý lo ngại thường trực về kết cục không mấy khả quan của Yahoo. Còn đối với bên ngoài, các đối tác, nhà quảng cáo dần tìm sang những cái tên mới để ký kết, hợp tác thay vì một Yahoo trì trệ và bất ổn, người sử dụng chỉ còn dùng những sản phẩm của hãng vốn quen thuộc và gắn bó với họ từ lâu.
Thompson phải vực dậy tinh thần, niềm tin vào Yahoo trước khi bắt tay vào quá trình thực tiễn. Đầu tiên là thống nhất về chiến lược hoạt động trong thời gian tới với hội đồng quản trị, các nhà đầu tư để có thể nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tối đa nhằm thực hiện công cuộc đổi mới một cách thuận lợi nhất.
Tiếp đến, Thompson phải xây dựng lại tinh thần làm việc của toàn thể nhân viên trong công ty vốn rệu rã bấy lâu nay, ngăn chặn nạn chảy máu chất xám mà Yahoo không thể kiểm soát. Thành công trong tương lai của Yahoo đòi hỏi sự cống hiến tâm huyết và trí óc của cả một hệ thống, mà khởi nguồn là từ vị tân CEO Scott Thompson.
Nạn chảy máu chất xám ở Yahoo.
Vị CEO mới của Yahoo cũng phải tạo ra các cơ hội mới cho các đối tác và nhà quảng cáo để họ có thể tiếp tục hợp tác và phát triển song hành cùng với công ty. Và đặc biệt không kém, với 700 triệu người dùng sản phẩm của hãng, Yahoo tuyệt đối không được đánh mất niềm tin với nhóm đối tượng “thượng đế” này nếu muốn tồn tại và phát triển hơn nữa.
Hãy hy vọng và chờ đợi ở Yahoo
Chúng ta, những cá nhân người sử dụng công nghệ chắc chắn không muốn chứng kiến sự sụp đổ của Yahoo, hãng truyền thông - công nghệ đã tạo ra nhiều sản phẩm gắn bó với cộng đồng Internet trong quá khứ.
Scott Thompson đã tuyên bố rằng ông sẽ không đến với cương vị CEO Yahoo nếu ông không làm được gì. Những điều Thompson làm được hay không, chúng ta vẫn chưa thể biết trước.
Nhưng hãy cứ mạnh dạn thực hiện mục tiêu của mình, thưa ngài Thompson. Nếu ngài thất bại, chúng tôi cũng chỉ nhắc đến tên ngài như một kẻ thua cuộc tương tự Carol Bartz mà thôi. Còn nếu thành công, cả thế giới công nghệ sẽ tung hô, thán phục và ví von ngài với "tượng đài" Steve Jobs. Chúng tôi muốn được chứng kiến một nhân vật kiệt xuất mới, vì chẳng ai đánh thuế niềm tin cả!