Nhịp sống số

Bùng nổ thị trường toàn cầu cung cấp công cụ gián điệp

Bùng nổ thị trường toàn cầu cung cấp công cụ gián điệp

Một công ty của Đức chuyên cung cấp công nghệ gián điệp chống những đối thủ chính trị. Ở Nga, một công ty mới thành lập chào bán thiết bị nhận dạng một giọng nói duy nhất được ghi âm kĩ thuật số trong hàng ngàn cuộc gọi điện thoại di động.

Còn một công ty của Trung Quốc giới thiệu phần mềm có thể bẻ khóa an ninh của bất cứ tài khoản Hotmail hay Gmail nào. Điều đó cho thấy một thị trường toàn cầu về công nghệ gián điệp đang thật sự bùng nổ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Cách đây vài năm, những thiết bị chuyên dụng và kĩ thuật bí mật vốn chỉ đặc biệt dành riêng cho những cơ quan gián điệp của chính quyền như là Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), nhưng tình hình bây giờ đã đổi khác - những người trả giá cao nhất từ các công ty tại hàng chục quốc gia trên thế giới sẽ có cơ hội sở hữu mọi thành tựu công nghệ hiện đại này.

Các công ty công nghệ cao tư nhân trên thế giới đang chào bán thiết bị và dịch vụ hỗ trợ nghe lén những cuộc gọi điện thoại, giám sát mọi hoạt động trên Internet, móc vào cáp sợi quang để nghe lén. Giai đoạn tiếp theo là thiết bị công nghệ cao sẽ tiến hành sứ mạng tìm kiếm, sàng lọc và thành lập một dữ liệu khổng lồ có được thông qua tiến trình theo dõi này.

Christopher Soghoian, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu an ninh mạng ứng dụng Đại học Indianna (Mỹ), cho biết cho dù các công ty Mỹ tuyên bố chỉ bán thiết bị gián điệp cho các chính quyền và cơ quan thực thi pháp luật, song trên thực tế không có quy định nào giới hạn cung cấp thứ hàng hóa nhạy cảm này cho người tiêu dùng ở Mỹ, Trung Quốc và Nga. Chắc chắn việc sử dụng thiết bị gián điệp người khác là bất hợp pháp song không ai bị bắt vì điều đó.

Theo Soghoian, mọi điện thoại di động đều dễ dàng bị theo dõi với thiết bị được phổ biến rộng rãi hiện nay gọi là bộ nhận dạng thuê bao di động quốc tế (IMSI). Soghoian đặt câu hỏi: "Người ta có thể làm gì để bảo vệ công dân Mỹ trước sự tấn công của công nghệ này? Câu trả lời là không có gì cả!"

Sử dụng Skype có thể bị nghe lén.

Vào cuối tháng 11/2011, Privacy International, một tổ chức bảo vệ bí mật cá nhân đặt trụ sở ở London có sự tham gia cộng tác của Christopher Soghoian, và trang web Wikileaks, đã cho công bố một cơ sở dữ liệu về hơn 130 công ty trên toàn thế giới rao bán phần mềm giám sát Internet, nghe lén điện thoại di động, cũng như nhiều công nghệ theo dõi kĩ thuật cao khác. Cơ sở dữ liệu này là thành quả của cuộc điều tra kéo dài một năm của các nhà điều tra Privacy International và Wikileaks đối với những hội nghị thương mại mặt hàng công nghệ và có được những tài liệu quảng cáo.

Có mặt tại 25 quốc gia trên thế giới là các công ty chuyên cung cấp sản phẩm công nghệ cao phục vụ gián điệp của Mỹ, Israel và châu Âu cũng như một số công ty mới phát triển ở các nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Trước nhu cầu của thị trường châu Á đối với mặt hàng này, Công ty Paladion của Ấn Độ giới thiệu những công cụ có thể theo dõi những giao dịch ngân hàng được mã hóa cũng như giao tiếp trên Gmail.

Công ty nhà nước Top Communications của Trung Quốc ở Bắc Kinh quảng cáo hệ thống giải mã được những kết nối Internet an toàn được Hotmail và Gmail sử dụng để từ đó giám sát các tài khoản của người sử dụng. Nhà nghiên cứu Eric King ở Privacy International nhận định, đó thật ra chỉ là một số nhỏ công ty tuyên bố và rao bán những công nghệ nhạy cảm của họ.

Một số công ty năng động trên thương trường là những công ty máy tính và thông tin lớn phát triển mạnh về mặt hàng an ninh và theo dõi, bên cạnh việc bán những dịch vụ và hàng hóa thông thường. Ví dụ như tập đoàn viễn thông khổng lồ ZTE của Trung Quốc bán những sản phẩm giám sát cùng với những thiết bị công nghệ thông thường của họ. Một số công ty công nghệ lớn của Mỹ như Csico System Inc. và Northrop Grumman Corp. cũng chào bán dịch vụ và thiết bị theo dõi người khác, theo cơ sở dữ liệu của Privacy International và trang web Wikileaks.

Hiện nay có một số công ty mới phát triển - vốn không tồn tại cách đây một thập niên - tham gia thị trường công nghệ an ninh và theo dõi. Công ty Đức Elaman bán một gói dịch vụ giám sát mạng do Anh thiết kế gọi là "FinFisher" và cho biết khách hàng có thể sử dụng hệ thống để định vị một cá nhân, bạn bè hay đối tác của người này và thành viên của một nhóm nào đó ví dụ như nhóm chính khách đối lập.

Trung tâm Công nghệ ngôn ngữ của Nga tuyên bố họ có công nghệ nhận dạng giọng nói có thể nhận ra một giọng nói duy nhất được ghi âm kĩ thuật số trong hàng ngàn cuộc gọi điện thoại di động. Tuy nhiên, tất cả những công ty này đều khẳng định họ hoạt động trong khuôn khổ những quy định của luật pháp và chỉ bán cho các cơ quan chính quyền và cơ quan thực thi pháp luật hay những khách hàng được phép sở hữu khác.

Từ những biến động chính trị và xã hội gay gắt ở thế giới Arập, người dân ở Ai Cập, Libya và những quốc gia khác tìm thấy bằng chứng cho thấy giới lãnh đạo đã sử dụng công nghệ theo dõi để gián điệp những nhà hoạt động chính trị chống đối chính quyền. Như trường hợp chính quyền Syria sử dụng công nghệ để nghe lén các kênh thông tin an toàn như là Skype. Trước thực tế này, người ta đang kêu gọi luật pháp cần được thắt chặt hơn nữa.

Emma Draper, nữ phát ngôn viên của Privacy International, cho rằng không thể tiếp tục khoan dung đối với những công ty rao bán công cụ gián điệp cho những chế độ đàn áp dân thường nữa. Nhưng một số nhà quan sát nhìn thấy một thực tế sẽ rắc rối hơn nhiều nếu hạn chế xuất khẩu công nghệ cao. Như trường hợp Mỹ đang gặp vấn đề đối với sự kiểm soát xuất khẩu mặt hàng công nghệ cao. Stewart Baker, cựu chuyên gia an ninh quốc gia của Mỹ, cho rằng việc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này từ châu Âu và Mỹ có nghĩa là thị trường sẽ rơi vào tay những công ty cạnh tranh của Trung Quốc và Nga.

Theo ANTG