Nhịp sống số

Android - Cuộc chơi sắp tàn

Đang chiếm hơn 50% thị phần điện thoại di động toàn cầu, đồng thời là hệ điều hành (HĐH) cho di động phát triển nhanh nhất và được các chuyên gia, các hãng sản xuất điện thoại di động khen ngợi lẫn chê nhiều nhất trong thời gian gần đây… Android có thời đã khiến các HĐH khác phải “kính nể”. Tuy nhiên, dường như câu chuyện cổ tích về Android đang tàn dần.

 

Từ một chiến lược cho không


 


Google từ trước tới nay rất nổi tiếng với sự hào phóng của mình. Công cụ tìm kiếm của Google mạnh nhất thế giới nhưng không dễ để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. HĐH của Android cho di động được Google đầu tư rất nhiều tiền nhưng sau khi phát triển, Google đã đưa toàn bộ mã nguồn lên mạng cho sử dụng miễn phí. “Gần như mọi sản phẩm nổi tiếng nhất của Google đều miễn phí”, Reuters cho biết, “nhưng Google sẽ thu lợi từ những nguồn khác có liên quan đến HĐH Android này.” Nếu HĐH Android phổ biến thì các bên thứ ba ngay lập tức sẽ nhảy vào sản xuất các ứng dụng dành cho HĐH này để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của người sử dụng. “Khi ấy, Google chỉ việc tập hợp chúng lại trong một chợ ứng dụng duy nhất và thu thuế…”.

 

Tuy vậy, theo các chuyên gia, đây không phải là chiến lược mới. Khi mới tung ra các dịch vụ nào đó, các hãng cũng thường miễn phí một thời gian rồi mới tính phí thông qua những tính năng khác. Google cũng đang hoạt động theo cách của Apple (miễn phí các ứng dụng trên gian Apple Store) và họ cũng muốn có lợi như Apple. Tuy thế, các bước đi gần đây của Google lẫn các đối thủ khiến Android dường như đang bị bỏ rơi”.

 

Android hết thời

 





“Android là đồ ăn cắp”, Steve Jobs, CEO quá cố của Apple đã nói như thế khi được hỏi về HĐH này. “Chúng tôi sẽ dùng hết 80 tỷ USD tiền mặt trong két của chúng tôi để tiêu diệt HĐH này. Chúng tôi sẽ gây chiến tranh hạt nhân với nó”. Sự bực dọc của Jobs với Android khiến hãng công nghệ này đã lôi tất cả những hãng “dám” dùng Android ra tòa. Samsung, HTC, Motorola… là những tên tuổi bị Apple kiện ra mọi tòa án ở khắp thế giới như Anh, Đức, Úc…

 

Đầu năm 2011, Google tìm ra “lối đi cuối đường hầm”, đó là mua lại các bằng sáng chế. Google bí mật liên lạc với Nortel và Novell để mua lại 6.000 bằng phát minh do công ty này mua từ các nhà phát minh khác. Thương vụ nhanh chóng bị Apple phát hiện, một liên minh Apple, Microsoft, Research in Motion, Sony, AMC và Ericsson nhanh chóng chung tiền lại để “nẫng tay trên” của Google với cái giá mà Google cho là quá mắc (4.5 tỷ USD). Ngay sau đó, Google đã liên hệ với Motorola Mobility để mua lại công ty này nhằm sở hữu hàng chục nghìn bằng phát minh của “tổ sư ngành di động” tại Hoa Kỳ. “Thương vụ chỉ tốn của Google có 2.5 tỷ USD, nó mang lại nhiều thuận lợi cho Google nhưng đi kèm theo đó là bao tai họa”, một nhà báo công nghệ nhận định trên Reuters.

 





Google khiến các đối tác lo ngại. Motorola Mobility là một hãng sản xuất điện thoại lừng danh. Với việc nắm trong tay một hệ điều hành mạnh đi kèm việc có thể tự mình sản xuất điện thoại. Không có lý do gì để Google không thử thời vận để trở thành một công ty sản xuất điện thoại để cạnh tranh với chính các đối tác của mình. Điều này khiến cho nhiều công ty sản xuất điện thoại từng ưu ái Android nay bỗng có các dấu hiện xa lánh Android.

 

Câu chuyện kết thúc

 

Ngay sau khi mua được Motorola Mobility, Google đã chuyển nhượng cho HTC các công nghệ và hãng này đã chiến thắng Apple trên một số mặt trận pháp lý. Tại Hoa Kỳ, Samsung với “viện binh” mới từ Google cũng đã được các quan tòa phán xét với các điểm thuận lợi. Hàng loạt các nhà sản xuất phần cứng dùng Android khác cũng nhanh chóng lên tiếng sẽ bảo vệ đến cùng thành quả của mình. Tuy thế, ngay sau các sự kiện trên, “điều đáng ngạc nhiên là các đối tác của Google không mặn mà gì nữa với Android”, Laptop Magazine nêu phát hiện của mình. “Cho tới nay, không có bất kỳ điện thoại nào hỗ trợ Android 4.0 ra đời mặc cho Google cố gắng tiếp thị về nó. Để chữa cháy, Google nhờ Samsung làm giúp cho chiếc Galaxy Nexus nhưng cũng chỉ có thế”.

 

“Tôi đã xúc động khi thấy máy tính bảng MIPS hoạt động trên nền tảng Android 4.0 xuất hiện trên thị trường. Giá rẻ, hiệu suất cao, đó là một thành công lớn cho người dùng thiết bị di động và là minh họa mạnh mẽ cho sự cởi mở của Android, cũng như sự đổi mới và những lợi ích và nền tảng này mang lại cho người dùng trên khắp thế giới”, giám đốc bộ phận di động của Google, Andy Rubin đã bình luận về mẫu máy tính bảng này như thế. Tuy nhiên, các điều tra cho thấy, MIPS do một công ty Trung Quốc sản xuất trong khi các nhà sản xuất hàng đầu khác về thiết bị di động không còn hứng khởi với HĐH này nữa. “Cuối năm 2010, người ta đánh giá về sự lên ngôi của Android bằng câu nhận định – đầu năm 2011 sẽ có một quân đoàn smartphone Android xuất hiện. Nay sự thảm bại của Android lại được xác định bằng câu tương tự - đầu năm 2012, một quân đoàn smartphone khác sẽ ra đời, nhưng chúng dùng Windows Phone 7”, một chuyên gia nhận định.

 

Theo nhà phân tích Gene Munster của Piper Jaffray, chỉ có 1,3% lượt tải trên Android Market là các ứng dụng trả tiền so với con số 13,5% số lượng tải trên App Store là trả tiền hay các ứng dụng khác trên RIM… Android đã hết thời và Google chẳng còn “hưởng lợi” gì được với nó nữa. 


 
H.Q