Nokia tuyên bố sẽ bán Vertu - thương hiệu điện thoại hạng sang của nhà sản xuất này. Một vài nguồn tin cho biết có một nhà đầu tư chuyên về lĩnh vực tài chính đã bỏ tiền ra mua Vertu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nokia không dễ “bán gọn” Vertu và cũng không thể có công ty hay bất kỳ tổ chức nào có thể “mua trọn” Vertu. “Nokia dù có bán sạch sành sanh mọi thứ trong Vertu, từ chiếc bàn giám đốc điều hành cho tới các con ốc vít trong phân xưởng sản xuất thì Vertu vẫn là của họ”. Ai dám mua Vertu của Nokia?
Những ẩn số cuối năm 2011
Sau hàng loạt các thất bại thời gian gần đây trong lĩnh vực Feature-phone và Smartphone, Nokia đã có nhiều giải pháp tích cực như liên kết với Intel để sản xuất hệ điều hành chung và các thiết bị sử dụng hệ điều hành này, hợp tác với Microsoft để sử dụng Windows Phone 7 trong nhiều model điện thoại mới cuối năm 2011, đầu năm 2012. Kết quả doanh thu của các dòng Nokia Windows Phone 7 trong cuối năm 2011 được Nokia thông báo là “khả quan” nhưng hãng này từ chối cho biết con số cụ thể.
Đầu tháng 12-2011, tờ Financial Times trích dẫn một nguồn tin thân cận khẳng định Nokia đang có ý định bán Vertu cho các đối tác có khả năng. Bình luận trên Financial Times đưa đến gợi ý rằng, Nokia đang nhắm đến tập đoàn ngân hàng lớn nhất tại Mỹ là Goldman Sachs để làm “chủ mới” của Vertu. “Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu”, bài viết trên Financial Times nêu rõ. Việc bán một thương hiệu nổi tiếng trong hơn 20 năm qua của Nokia được xem là một “hiện tượng lạ” khi hàng năm, doanh thu của bộ phận này mang về cho Nokia ước tính nằm trong khoảng từ 200 triệu Euro đến 300 triệu Euro (khoảng 268 triệu USD đến 402 triệu USD). “Dường như Nokia đang cần tiền, rất nhiều tiền cho những dự án lớn nên mới phải bán đi Vertu.”.
Vertu trở thành đẳng cấp như thế nào?
Theo các sử liệu chính thức do Nokia công bố, Vertu là một Công ty con của tập đoàn điện thoại hàng đầu Phần Lan là Nokia. Nokia được thành lập năm 1865 từ ý tưởng của kỹ sư Fredrik Idestam. Tuy thế, vào thời 1856, điện thoại không phải là thứ mà Nokia kinh doanh, thay vào đó, họ bán giấy, bao bì, ủng cao su… Đến năm 1903, Nokia nhảy sang xây dựng nhà máy trong lĩnh vực thủy điện và khái niệm điện thoại vẫn còn rất xa lạ với công ty này. Sang năm 1981, khi điện thoại quốc tế phát triển ở Bắc Âu thì hãng Nokia chính thức tham gia thị trường này và giới thiệu chiếc điện thoại di động mạng NMT dùng trong xe hơi. Hệ thống mạng GSM ra đời năm 1991 và ngay lập tức, những điện thoại Nokia chạy trên mạng này xuất hiện. Năm 1992, các model Nokia 100 được tung ra thị trường và trong gần hơn 20 năm qua, Nokia nhanh chóng vươn lên thống trị thị trường di động toàn cầu.
Vào tháng 2 năm 1998, khi danh sách các người giàu có xuất hiện trên mặt báo và nhu cầu hàng hiệu tăng dần với các nhãn hàng nước hoa, mỹ phẩm, quần áo… của các công ty của Pháp, Ý… thiết kế trưởng Frank Nouvo của Nokia đã khởi phát sáng kiến xây dựng một thương hiệu điện thoại xa xỉ cho người giàu trên toàn cầu. Tháng 10 năm 1998, sau khi được chấp thuận bởi một cuộc bỏ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị, thương hiệu Vertu ra đời, Nokia giới thiệu các model đầu tiên của dòng điện thoại này được chế tác hoàn toàn thủ công và sử dụng vật liệu vàng, bạc, da quý để làm lớp vỏ bọc bên ngoài. Vertu nhanh chóng nổi danh toàn thế giới nhờ vào giá trị và đẳng cấp các sản phẩm của nó. Sự ra đời và phát triển của Vertu dẫn đến sự thành lập của nhiều thương hiệu điện thoại xa sỉ khác như Mobiado, Goldvish cùng nhiều nhà chế tác điện thoại xa sỉ (dát vàng, đính kim cương cho điện thoại) tư nhân khác.
Chiến lược khôn ngoan
Nokia đang muốn tập trung cho chiến lược phát triển smartphone của mình trong lúc đang bị các đối thủ như Samsung, HTC… bám đuổi quyết liệt trong khi Apple đã hất cẳng họ khỏi nhiều thị trường mà Nokia từng thống trị”, chuyên gia trên GSM Arena cho biết. “Nokia bán Vertu đó nhưng thực chất thì họ chẳng bán gì cả. Việc bán Vertu sẽ mang lại cho Nokia một khoản tiền khổng lồ bởi các điện thoại của thương hiệu này luôn có giá từ nhiều chục ngàn cho tới cả trăm ngàn USD. Số tiền ấy sẽ giúp rất nhiều cho những chiến lược riêng của Nokia. Tuy thế, không ai có thể mua trọn được Vertu”.
Vertu vẫn sẽ ở lại với Nokia bởi các kỹ thuật chế tác độc quyền, các ý tưởng phát triển và những bí mật công nghệ khác đều do Nokia nắm giữ, hệ thống nhân lực do Nokia quản lý và các kỹ thuật tiên tiến do Nokia cung cấp. Nói cách khác, Nokia là linh hồn của Vertu. Như vậy, sau khi bán Vertu, các đối tác mua nó chỉ có thể mua được cái tên, còn lại mọi công việc sản xuất vẫn sẽ do Nokia duy trì. Do đó, Nokia sẽ không phải chi quá nhiều tiền vào việc sản xuất Vertu mà sẽ có thêm đối tác góp chung làm. Lẽ dĩ nhiên, lợi nhuận sẽ chia đôi nhưng với vai trò người nắm… cán, Nokia sẽ có thể linh hoạt để có lợi hơn, nhất là hệ thống phân phối của Vertu vẫn cần sự trợ giúpcủa Nokia. Như vậy, sau vụ “bán sạch” này, Nokia chẳng mất gì mà còn được rất nhiều.