Nhịp sống số

25 loại “sâu” máy tính nổi tiếng nhất lịch sử

Đã 25 năm trôi qua kể từ khi con vi rút máy tính đầu tiên “chào đời”, trong từng ấy thời gian, thế giới công nghệ đã chứng kiến không biết bao nhiêu loại “khuẩn” nguy hiểm cùng hàng loạt biến thể của chúng.

Tuy nhiên, trong suốt 25 năm phát triển đó, chỉ có 25 loại thực sự trở thành mối đe dọa đối với an ninh mạng toàn cầu, mà mỗi khi nhắc tới chúng, nhiều chuyên gia công nghệ quốc tế còn cảm thấy “thót tim”.

Chẳng hạn như loại vi rút mang tên mĩ miều “Bức thư tình” (Love Letter) từ Philippines hồi năm 2000 có tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp. Hơn 50 triệu máy tính toàn cầu đã bị lây nhiễm, thiệt hại hàng tỉ USD.

Dưới đây là 25 loại vi rút đã từng làm thế giới rung động trong 25 năm qua.

1. Vi rút Brain

Mức độ nguy hiểm: 1

Đây là loại vi rút đầu tiên lây nhiêm trên máy tính được tạo ra vào năm 1986 tại Pakistan. Brain lây nhiễm thông qua đĩa mềm trên hệ điều hành MS-DOS. Tuy nhiên, đây không phải là loại vi rút phá hoại, tác giả là anh em nhà Alvi chỉ chèn tên tuổi và thông tin cá nhân của mình vào trong mã của vi rút.

Hiện Amjad Farooq Alvi và Basit Faqooq Alvi, hai tác giả của vi rút Brain đến từ Lahore, Pakistan, đang điều hành công ty viễn thông, cung cấp các dịch vụ Internet tại nước này.

2. Vi rút Stoned

Mức độ nguy hiểm: 1

Vào năm 1987, vi rút Stoned do một sinh viên ở New Zealand tạo ra đã xuất hiện. Chỉ trong 2 năm sau đó, Stoned đã gây bão ở khắp New Zealand và Australia.

3. Vi rút Form

Mức độ nguy hiểm: 6

Virus Form có gốc gác từ Thụy Sĩ và tới nay vẫn chưa rõ ai là tác giả. Xuất hiện vào năm 1990, đây cũng là một trong những loại vi rút nguy hiểm nhất trong lịch sử máy tính, cho dù thuộc mức độ 6.

4. Vi rút Michelangelo

Mức độ nguy hiểm: 5

Ra đời muộn hơn Form 1 năm, vi rút mang cái tên dài dòng này có nguồn gốc từ New Zealand. Đây có lẽ là loại “khuẩn” máy tính đầu tiên xuất hiện trong các bản tin thời sự quốc tế.

5. Vi rút VCL

Mức độ nguy hiểm: 2

Vào năm 1992, VCL có gốc tích từ Mỹ xuất hiện. Trên thực tế, VCL (vi rút Creation Laboratory) là một công cụ với giao diện đơn giản, cho phép người dùng tự tạo ra vi rút.

6. Vi rút Monkey

Mức độ nguy hiểm: 5

Ra đời năm 1994 tại Canada, vi rút Monkey là chương trình đầu tiên có khả năng tự giấu mình trước sự truy đuổi của người dùng.

7. Vi rút Concept

Mức độ nguy hiểm: 7

“Sinh” năm 1995 tại Mỹ, Concept là loại vi rút đầu tiên chứng tỏ khả năng xâm nhập được vào các file của chương trình soạn thảo văn bản Microsoft Word.

8. Vi rút Happy99

Mức độ nguy hiểm: 3

Xuất hiện năm 1999, đây là biến thể vi rút email đầu tiên, nhưng không rõ nguồn gốc. Mặc dù đã lây lan nhanh chóng tới hàng triệu máy tính, nhưng Happy99 với thông điệp “Chúc mừng năm mới 1999” không gây ra thiệt hại đáng kể nào.

9. Vi rút Melissa

Mức độ nguy hiểm: 4

Ra đời cùng năm với Happy99, vi rút Melissa có nguồn gốc tại Mỹ. Loại “khuẩn vi tính” này được đặt theo tên một nữ vũ công nổi tiếng.

10. Vi rút Code Red

Mức độ nguy hiểm: 6

Cũng không rõ nguồn gốc phát sinh như Happy99, vi rút mang cái tên khá kêu “Mã đỏ” này xuất hiện năm 2001, là loại sâu tự động phát tán mà không cần quan tâm tới việc có người dùng tác động hay không.

11. Vi rút Love Letter

Mức độ nguy hiểm: 8

Đây là một trong những loại vi rút có mức độ lây lan khủng khiếp nhất trong lịch sử công nghệ, Love Letter hay I Love You xuất hiện vào năm 2000 từ Philippines. Những máy tính bị lây nhiễm vi rút này sẽ tự gửi đến danh sách bạn bè có trong email những email với tiêu đề I Love You, đính kèm theo những file word có chứa mã độc. Không chỉ có vậy, loại vi rút này còn “xung kích” phá hoại máy tính của nạn nhân. Hơn 50 triệu máy tính toàn cầu đã dính đòn của Love Letter, thiệt hại lên tới hàng tỉ USD.

12. Vi rút Slammer

Mức độ nguy hiểm: 6

Xuất hiện vào năm 2003, Slammer là một trong những loại vi rút có tốc độ lan truyền kỉ lục, với 75 ngàn máy bị lây nhiễm chỉ sau 10 phút. Slammer đã làm sập hệ thống máy ATM của ngân hàng Mỹ và mạng lưới 911 tại Seatles (Mỹ).

13. Vi rút Sobig

Mức độ nguy hiểm: 7

Cũng như Slammer, vi rút Sobig xuất hiện cùng năm và cùng không rõ nguồn gốc. Một điểm tương đồng nữa là Sobig lây lan tới hàng triệu máy tính chỉ trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện.

14. Vi rút MyDoom

Mức độ nguy hiểm: 7

Xuất hiện năm 2004, loại vi rút có nguồn gốc từ Nga này đã được phát tán qua email và mạng Kazaa P2P.

15. Vi rút Sasser

Mức độ nguy hiểm: 7

Xuất hiện năm 2004 tại Mỹ, Sasser đã “lập thành tích” khi đánh sập hệ thống mạng từ Australia đi Hồng Kông và Anh quốc.

16. Vi rút Fizzer

Mức độ nguy hiểm: 6

Năm 2003 đánh dấu sự ra mắt của vi rút đầu tiên được tạo ra với mục đích lợi nhuận, Fizzer. Fizzer lây nhiễm thông qua các file đính kèm trên email. Một máy tính sau khi bị nhiễm vi rút Fizzer có thể bị tin tặc đánh cắp quyền điều khiển và đưa vào các mạng lưới botnet hoặc sử dụng để gửi đi các email spam.

17. Vi rút Cabir

Mức độ nguy hiểm: 3

“Sinh” ra năm 2003 tại Philippines, Cabir là loại sâu điện thoại đầu tiên trong lịch sử.

18. Vi rút SDBot

Mức độ nguy hiểm: 4

SDBot chào đời năm 2004 tại một nơi nào đó trên thế giới mà tới nay chưa ai biết được. Đây là loại trojan có khả năng chọc thủng được mọi tuyến phòng thủ thông thường.

19. Vi rút HaxDoor

Mức độ nguy hiểm: 4

Xuất hiện năm 2005, HaxDoor thực chất là một loại rootkit có khả năng che giấu các chương trình gây hại trước mắt người sử dụng máy tính.

20. Vi rút Sony Rootkit

Mức độ nguy hiểm: 1

Thêm một loại rootkit khác xuất hiện cùng năm với HaxDoor, nhưng có nguồn gốc xác thực ở Mỹ và Anh. Hãng đĩa nhạc Sony BMG đã tích hợp 1 loại phần mềm trên các đĩa của mình, cho phép tự động cài đặt trên các máy tính đọc đĩa của Sony BMG. Mặc dù đây là động thái bảo vệ bản quyền của Sony BMG, nhưng phần mềm này lại tạo lỗ hổng để các phần mềm gây hại khác xâm nhập vào hệ thống.

21. Vi rút Mebroot

Mức độ nguy hiểm: 3

Xuất hiện vào năm 2007, vi rút này đã đánh cắp hơn 500.000 tài khoản ngân hàng cùng các thông tin thanh toán trực tuyến.

22. Vi rút Storm Worm

Mức độ nguy hiểm: 9

Cũng “chào đời” vào năm 2007, Storm Worm thực sự gây bão khi phát tán đi những bức email kiểu “230 người đã bị thiệt mạng trong một cơn bão ở châu Âu”.

23. Vi rút 3D Anti-Terrorist

Mức độ nguy hiểm: 2

Hiện chưa rõ loại vi rút có nguồn gốc từ Nga này xuất hiện khi nào, nhưng đối tượng hướng tới của nó được xác định là các smartphone dùng hệ điều hành Windows Mobile.

24. Vi rút Conficker

Mức độ nguy hiểm: 5

Sinh năm 2008, Conficker đã nhanh chóng phát tán ra hàng triệu máy tính trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là một trong những loại vi rút có tốc độ lây lan khủng khiếp nhất trong lịch sử công nghệ vi tính toàn cầu.

25. Vi rút Stuxnet

Mức độ nguy hiểm: 5

Xuất hiện năm 2010, Stuxnet đã tốn không ít “giấy mực” của các hãng bảo mật. Loại vi rút có nguồn gốc từ Mỹ và Israel này thuộc vào hàng nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Hãng bảo mật F-Secure cho rằng, một người phải mất hơn 10 năm nghiên cứu liên tục mới có thể hoàn thành được Stuxnet. Điều đó cho thấy mức độ phức tạp của loại vi rút này. Theo tiết lộ của báo New York Times, Mỹ và Israel đứng sau Stuxnet nhằm phá hoại các hoạt động hạt nhân của Iran, bởi lẽ loại “khuẩn này” có khả năng tác động tới quá trình vận hành các cơ sở hạt nhân tại Iran, ép các máy li tâm quay ở tốc độ không an toàn, khiến các máy này có thể bị hỏng hóc.

Theo VnEconomy