2011 là năm nhiều sự kiện của làng truyền thông thế giới. Tuy nhiên, không nhiều sự kiện vui. Tai tiếng nhất là scandal nghe lén dẫn tới đình bản của tờ News of the World.
Báo in, dù rất nhiều nỗ lực, vẫn chưa thoát khỏi bế tắc. Trong khi đó, mạng xã hội tiếp tục là loại hình truyền thông được cả công chúng lẫn giới báo chí ưa thích nhất.
Mạng xã hội chiếm thế thượng phong
Chỉ nhìn những gì mạng xã hội thể hiện qua thảm họa động đất- sóng thần tại Nhật Bản hồi trung tuần tháng 3/2011 cũng đủ thấy loại hình truyền thông này giờ đây đóng vai trò lớn như thế nào. Sóng thần cuốn trôi nhà cửa, giao thông ngừng hoạt động, đường điện thoại bị cắt đứt, người dân Nhật, trong cơn hoảng loạn chưa từng có, chưa bao giờ thấy mình cô độc và cần sự hỗ trợ từ bên ngoài đến thế. Chính trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, truyền thông xã hội, cụ thể là mạng xã hội và các trang blog, đã chứng tỏ sức mạnh, ưu thế riêng có của mình: kết nối con người với con người, truyền đi những thông điệp cầu chúc bình an, cập nhật thông tin về những người Nhật bị nạn. Twitter lập tức lập địa chỉ riêng chuyên về “guide- hướng dẫn”, bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh, giúp họ thông tin, liên lạc, đăng những thông tin như số đường dây nóng cho những người không nói tiếng Nhật tới cảnh báo sóng thần, thông báo lịch tàu hỏa và những nơi trú ẩn cho người mất nhà cửa. Cũng gần như sau khi siêu địa chấn, sóng thần xảy ra, Google cũng trình làng website dịch vụ People Finder, bằng 2 thứ tiếng Nhật, Anh, giúp tìm kiếm các nạn nhân. Không chịu kém cạnh, Facebook cũng chứng tỏ vai trò bằng việc tung ra thông điệp Global Disaster Relief, cung cấp các thông tin thiết thân và hướng dẫn cư dân mạng giúp đỡ, cứu trợ nạn nhân.
... Nhưng vẫn bị ghét bỏ
Trong thời đại công nghệ kĩ thuật số, mạng xã hội ngày càng chứng tỏ nhiều ưu điểm và trở thành loại hình truyền thông được ưa chuộng nhất hiện nay. Tuy nhiên, chính những ưu điểm vượt trội của nó như khả năng chia sẻ thông tin lại bị những người sử dụng lợi dụng và biến nó thành một vũ khí đầy lợi hại, bị xem là… hiểm họa, thậm chí bị ghét bỏ. Ngày 4/11, truyền thông thế giới chấn động khi hãng thông tấn AP của Mỹ tung tin cho biết từ lâu nay Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thực hiện việc theo dõi bài viết của người dùng các mạng xã hội như Tweeter hay Facebook trên khắp thế giới. Tại Anh, cảnh sát và chính trị gia Anh đã đổ lỗi cho mạng xã hội trực tuyến, đặc biệt là mạng nhắn tin giữa những người dùng dòng điện thoại BlackBerry (BlackBerry Messenger – BBM) của RIM đã được phần tử bạo động sử dụng để liên lạc trong suốt những cuộc bạo động xảy đến trên nước Anh.
Nhưng cho dù có bị theo dõi, bị ghét bỏ, hay bị nhóm hacker hàng đầu thế giới Anonymous dọa… tiêu diệt thì mạng xã hội vẫn vững vàng ngôi vị số 1 trong làng truyền thông thế giới hiện nay.
Báo in vẫn trong cơn bĩ cực
“Lượng phát hành báo giấy giống như mặt trời, tăng lên ở phương Đông và giảm đi ở phương Tây,” Christoph Riess, Giám đốc điều hành WAN- IFRA nói trong hội nghị thường niên Diễn đàn báo chí thế giới diễn ra ngày 13/10 tại Vienna, Áo. Thời gian dành cho báo in không nhiều, nhất là ở các nước phát triển. Tổng cộng người đọc chỉ giành 8% cho báo giấy. Lượng phát hành báo in hàng ngày đã giảm từ 528 triệu bản vào năm 2009 xuống còn 519 triệu bản trong năm 2010. Báo giấy giảm thê thảm nhất ở Bắc Mỹ, nơi lượng bán ra giảm tới 11% trong 2010 và 17% trong 5 năm qua. Năm 2011, doanh thu quảng cáo của báo in Mỹ đã giảm đến 7% trong năm 2011, chạm mốc thấp nhất trong vòng 27 năm qua. Sự sụt giảm về doanh thu đã khiến việc sa thải nhân sự tiếp tục diễn ra như một sự tất nhiên ở hàng loạt tập đoàn báo chí lớn. Đơn cử như Gannett, nhà xuất bản của khoảng 80 tờ báo giấy hằng ngày tại Mỹ. Tập đoàn báo chí lớn nhất Mỹ này đã sa thải tới 700 nhân viên trong năm 2011 vừa qua.
Và loay hoay tồn tại. ..
Và để trụ vững trong thế giới truyền thông hiện đại, hầu hết các loại hình truyền thông truyền thống, đặc biệt là báo in không còn cách nào khác là phải bắt tay, hợp tác, kết thân với mạng xã hội, update những công nghệ mới. Lối đi hiện nay của nhiều nhật báo Anh là ví dụ. Guardian và Independent- hai nhật báo tiếng tăm bậc nhất nước Anh- đã không hẹn mà gặp cùng tung ra ứng dụng trang báo lên Facebook. Cả hai ứng dụng này đều là “loại ứng dụng mới” theo như lời nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, và “có khả năng không chỉ thay đổi cách chúng ta nghĩ về tin tức mà còn có khả năng thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của ngành tin tức. ” Guardian và Independent là hai trong số 33 thương hiệu truyền thông ở châu Âu hợp tác với Facebook để tung ra ứng dụng này. Trong danh sách những cơ quan truyền thông hàng đầu tham gia dự án còn có nền tảng âm thanh SoundCloud cũng như các trang tin quốc tế lừng danh như nhật báo iPad mang tên Daily của News Corp và Washington Post. Cùng chung một hướng đi, nhưng thời báo tài chính Financial Times (FT) đã là tờ báo tiên phong trong việc phát hành ứng dụng báo di động điện tử tự chủ đầu tiên. Cuộc thử nghiệm cho tới giờ là thành công, Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành của FT.com Rob Grimshaw. Theo Grimshaw, FT hiện có lượng truy cập qua ứng dụng của riêng họ nhiều hơn lượng truy cập từ iPhone và iPad, hai thiết bị đọc báo điện tử di động phổ biến nhất hiện nay.
Năm bận rộn và chết chóc của phóng viên chiến trường
Những biến động chính trị liên tục xảy ra tại Bắc Phi, Trung Đông, Libya… động đất- sóng thần tại Nhật Bản… đã biến năm 2011 trở thành năm tác nghiệp đầy bận rộn của các phóng viên chiến trường. Nhu cầu thông tin thời sự quốc tế quá lớn không chỉ tạo nên áp lực không nhỏ đối với các phóng viên mà còn đưa sự sống của họ vào vòng nguy hiểm. Theo Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản Thế giới (WAN-IFRA), đã có 66 nhà báo thiệt mạng trên khắp thế giới trong năm 2011. WAN-IFRA cho rằng khu vực nguy hiểm nhất đối với các nhà báo quốc tế trong năm 2011 là Trung Đông và Bắc Phi, đứng thứ hai là châu Á, châu Mỹ. Tuyên bố của WAN-IFRA cho biết: “Các nhân viên báo chí trên khắp thế giới phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành thể xác và tra tấn dưới nhiều hình thức, cả từ các quan chức chính phủ, các nhóm tội phạm hay các nhóm khủng bố. Các vụ tấn công diễn ra hàng ngày, và thường gây ra tử vong, nhằm vào các nhà báo lên án các chính phủ, đưa tin về xung đột hay điều tra tội phạm và tham nhũng”.
Joel Simon, Giám đốc điều hành của Tổ chức bảo vệ các nhà báo CPJ một lần nữa nhắc lại với giới truyền thông về nhiệm vụ số 1 của CPJ là: “Bảo đảm quyền tự do hành nghề của người làm báo trên toàn thế giới, quyền được cung cấp thông tin của người dân và quyền cung cấp thông tin tới công chúng của các cơ quan báo chí”. Tuy nhiên, trên thực tế, độ khả thi của nhiệm vụ này vẫn còn dừng ở mức khá khiêm tốn. Một hành lang bảo vệ mang tính pháp lí từ chính quyền dành cho các nhà báo hiện cũng vẫn còn là điều gì đó rất mơ hồ tại nhiều quốc gia.
News of the World đình bản- cơn địa chấn truyền thông
Ngày 10/7, tuần báo News of the World (NoW) xuất bản số cuối cùng. Việc một tờ báo ăn khách và có tuổi thọ lâu đời như NoW đột ngột đình bản đã tạo nên cơn địa chấn trong làng truyền thông. Nhiều câu hỏi được đặt ra: điều gì đã dẫn tới vụ “đột tử” của tờ báo được mệnh danh là “Vua chủ nhật”: Sức ép từ scandal nghe lén điện thoại mà NoW là nhân vật trung tâm hay đây là nước cờ mới đầy khôn ngoan của “thầy phù thủy” Rupert Murdoch?
Tuy nhiên, nóng hơn cả là bài học đạo đức nghề nghiệp người làm báo được rút ra từ sự ra đi của NoW. Bình luận về scandal của NoW, báo chí Anh cho rằng hành vi của những người sử dụng công nghệ để nghe lén điện thoại đi động nhằm moi tin bất chấp quyền riêng tư của mọi người là phi đạo đức. Bản thân ông trùm Rupert Murdoch thừa nhận rằng tờ báo đã “đánh mất niềm tin của độc giả”. Một luật sư đại diện cho 40 nạn nhân bị nghe trộm điện thoại, nói vụ bê bối cho thấy nhiều phóng viên đã đánh mất hoàn toàn đạo đức nghề nghiệp. “Việc nghe trộm điện thoại chẳng phải khó khăn gì, nó thể hiện sự lười nhác và vô đạo đức của nhiều phóng viên hiện đại”. “Với giới phóng viên, vụ bê bối nghe lén của NoW đã trở thành thời khắc của sự thật. Nó cho thấy các áp lực thương mại từ web và từ bên trong các tập đoàn lớn đã bóp méo đạo đức đến mức nào” – Simon Jenkins của tờ Guardian nhận định. NoW đã phải trả cái giá không hề rẻ cho sự lạc lối trong việc làm nghề của mình. Tuy nhiên, làm thế nào để làng truyền thông Anh và thế giới sẽ không có một NoW thứ 2? Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định cần có một hệ thống luật truyền thông mới bên cạnh việc điều tra cặn kẽ những sai trái của NoW. Tuy nhiên, nhiều nhà báo Anh nhấn mạnh rằng điều nguy hiểm hiện nay với báo chí Anh là lấy cớ công luận tức giận về các vụ nghe lén để biến thành cơ hội làm ra “một hệ thống luật lệ mới và khác”, khiến báo chí càng khó lấy tin tức hơn vì bị ràng buộc nhiều hơn. Báo chí chân thật và đúng đắn cần được bảo vệ và được hoạt động tự do hơn.
Năm của những vụ từ chức CEO đình đám
Kết thúc năm 2011, tạp chí chuyên xếp hạng Forbes của Mỹ đưa ra danh sách 10 vụ từ chức Giám đốc điều hành (CEO) đáng nhớ nhất năm 2011. Trong đó, chiếm số lượng lớn là sự ra đi của các CEO của làng công nghệ truyền thông.
Palmisano rời ghế CEO IBM; Léo Apotheker phải nhường ghế CEO HP lại cho Meg Whitman… Sự ra đi của Jobs – người đã đưa Apple trở thành hãng công nghệ có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới từ chỗ là một công ty ngấp nghé bờ vực phá sản – được Forbes nhận định là vụ từ chức CEO đáng nhớ nhất 2011. Bên cạnh đó là sự ra đi của Eric Schmidt. Sau 10 năm Eric Schmidt giữ ghế CEO của Google, “gã khổng lồ” tìm kiếm này có lẽ cần tới một luồng sinh khí mới mẻ hơn. Bởi thế, người đồng sáng lập 38 tuổi của Google là Larry Page đã thế chân Schmidt, với hi vọng sẽ đem đến những đam mê và tốc độ mới cho công ty. Thương vụ thâu tóm hãng tin Reuters hồi năm 2008 của công ty Thomson Corporation tới giờ vẫn chưa đem lại mức lợi nhuận và tăng trưởng như công ty này mong muốn và để “lãnh hậu quả” của sự trì trệ này, CEO Glocer của Thomson Reuters buộc phải ra đi. Ngày 7/9, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Carol Bartz chính thức bị sa thải sau 32 tháng đương nhiệm, trở thành CEO thứ 3 của Yahoo phải nghỉ việc chỉ trong vòng 4 năm. Sự ra đi của Carol Bartz cũng cho thấy Yahoo khó lòng che giấu một sự thực đáng buồn rằng công ty công nghệ một thời lừng lẫy đang đứng trước một tương lai mịt mùng.
Theo Công Luận