Thoái vốn 2 công ty con: FPT thu lại hàng nghìn tỉ đồng và thoát khỏi mác "tập đoàn bán buôn, bán lẻ"
Cụ thể, vào hồi giữa tháng 8, FPT đã bán 30% vốn tại FPT Retail cho các quỹ được quản lý bởi Dragon Capital và VinaCapital. Vụ giao dịch hoàn tất, tỉ lệ vốn của FPT giảm xuống còn 55%.
Đến giữa tháng 9, FPT tiếp tục bán 47% vốn của FPT Trading cho tập đoàn phân phối Synnex, giảm tỉ lệ sở hữu của FPT tại công ty con này xuống còn 53%.
Tuy nhiên, do tỷ lệ sở hữu vốn ở hai công ty này vẫn còn trên 50% nên FPT tiếp tục thoái vốn bằng các cuộc giao dịch với các nhà đầu tư khác. Hiện tại, tỷ lệ vốn sở hữu của FPT tại FPT Retail là 47% và tại FPT Trading là 48%. Hai công ty này chính thức trở thành công ty liên kết của FPT thay vì công ty con như trước đây.
FPT là một trong những tập đoàn về công nghệ thông tin – viễn thông lớn ở Việt Nam với doanh thu hằng năm đạt khoảng 2 tỷ USD. Đạt doanh thu tương đối cao, tuy nhiên, điều này vẫn chưa làm hài lòng các nhà đầu tư của FPT, đặc biệt là các cổ đông tổ chức nước ngoài. Bởi, 60-70% doanh thu hằng năm của FPT là từ hai công ty con FPT Retail và FPT Trading. Chính vì điều này mà FPT mới bị gắn với cái tên là “tập đoàn bán buôn, bán lẻ”.
Ảnh: CafeF
Việc thoái vốn hai công ty con của FPT được xem là một bước đi tích cực trong việc đưa tập đoàn này thoát khỏi cái mác “Tập đoàn bán buôn, bán lẻ”, chính thức trở thành một tập đoàn thuần về công nghệ, viễn thông. Ngoài ra, nó còn đem lại cho FPT một khoản lợi nhuận bất thường khá lớn, khoảng 1.000 tỉ đồng.