CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng muốn hệ điều hành BOS của Bphone “mở như Android, mượt như iOS”
Trao đổi tại hội thảo phát triển phần mềm nguồn mở năm 2017 chủ đề “Chuyển đổi số và phần mềm nguồn mở đối với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam” được Bộ TT&TT và CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) tổ chức mới đây, ông Lâm Hồng Quang - Giám đốc sản phẩm Mobile của Bkav nhấn mạnh: “Việt Nam cần phát triển những hệ điều hành nguồn mở riêng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Ông Lâm Hồng Quang, Giám đốc sản phẩm Mobile của Bkav chia sẻ tại hội thảo quốc gia phần mềm nguồn mở 2017 có chủ đề “Chuyển đổi số và phần mềm nguồn mở đối với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”
Theo ông Quang, đã từ lâu, Việt Nam luôn muốn sở hữu những hệ điều hành do người Việt phát triển và làm chủ. Nhu cầu đó càng trở nên bức thiết hơn khi thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Nòng cốt của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là sự xuất hiện và phổ biến của các thiết bị thông minh như: điện thoại thông minh, máy tính bảng thông minh, camera thông minh, tivi thông minh, loa thông minh… “Những thiết bị thông minh có thể được trang bị các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tự vận hành; có thể được kết nối mạng để truyền dữ liệu về trung tâm hay tới các thiết bị thông minh khác. Để làm được như vậy, thiết bị cần có một hệ điều hành. Dễ dàng nhận thấy, nếu đây không phải là những hệ điều hành do người Việt phát triển và làm chủ, rõ ràng chủ quyền thông tin của Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ”, ông Quang phân tích.
Nhận định để làm chủ hoàn toàn một hệ điều hành là một việc rất khó song từ kinh nghiệm phát triển BOS - hệ điều hành của smartphone Bphone, vị Giám đốc sản phẩm Mobile của Bkav cho rằng đây là việc khả thi và các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.
Ông Quang cho biết, hệ điều hành BOS của điện thoại thông minh Bphone được Bkav phát triển dựa trên nguồn mở Android. Từ kinh nghiệm nhiều năm phát triển các sản phẩm dựa trên nguồn mở, Bkav đã đúc rút ra rằng các dự án nguồn mở như kiến thức chung của nhân loại. Nó giống như những cuốn sách chứa đầy kiến thức nhưng bản thân các cuốn sách lại không phải là sản phẩm cuối. Chúng ta đọc sách để làm ra các sản phẩm.
“Phần mềm nguồn mở cũng như vậy, là kiến thức chung của nhân loại, rất tốt nhưng chưa đủ tốt để thành sản phẩm cuối. Khó có chuyện cứ lấy nguồn mở về là có ngay sản phẩm tốt. Android cũng không là ngoại lệ. Nó đã rất tốt nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Google phải làm Android cho quá nhiều thiết bị khác nhau, họ không thể có sự trau chuốt, hoàn thiện cần có như Apple - hãng chỉ tập trung vào một số dòng thiết bị chính như iPhone, iPad…”, Ông Quang nhận xét.
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Công ty Bkav tại lễ ra mắt điện thoại thông minh Bphone 2017 được tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội.
Nói về quá trình phát triển hệ điều hành BOS, Giám đốc sản phẩm Mobile của Bkav Lâm Hồng Quang chia sẻ, Bkav lấy Android về, sử dụng lại những cái có sẵn đã tốt của nhân loại và thêm nhiều giá trị tốt hơn của riêng Bkav vào đó để tạo ra hệ điều hành BOS. Ông Quang cũng cho hay: “Để hoàn toàn tùy ý đưa vào BOS bất kì cái gì Bkav mong muốn, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ Android, với khối lượng source code lên tới hàng trăm nghìn file. BOS đã được Bkav phát triển tính đến nay đã 7 năm, với sự tham gia của hơn 100 kĩ sư.
Hệ điều hành BOS có kiến trúc tương tự Android, gồm 5 tầng. Trong đó, ở dưới cùng là Linux Kernel: một nhân Linux được tối ưu cho thiết bị di động, nơi tương tác trực tiếp tới phần cứng thiết bị, chạy driver, các logic quản lí nguồn. Ngay phía trên Linux Kernel là Hardware Abstraction Layer - một tầng trung gian kết nối nhân Linux với các tầng trên của Android đồng thời cũng là nơi chứa các logic điều khiển thiết bị phần cứng bên dưới. Tiếp theo là tầng Libraries và Android Runtime, nơi chứa các thư viện native như về Web engine, SQLite… và Android Runtime - thứ giúp chạy rất nhiều các máy ảo, chứa các tiến trình Android.
Đề cập đến các tính năng nổi bật của BOS, ông Quang nhấn mạnh đến trải nghiệm người dùng tốt của hệ điều hành này. Vị đại diện bộ phận sản phẩm Mobile của Bkav cũng “bật mí”: “Ngay từ những ngày đầu làm BOS cách đây 7 năm, ông Nguyễn Tử Quảng, kiến trúc sư trưởng của chúng tôi đã đề ra rằng BOS phải “mở như Android, mượt như iOS”. Và đến nay, rất mừng là sự “mở như Android, mượt như iOS” này đã được đông đảo người dùng công nhận”.
Bên cạnh đó, ông Lâm Hồng Quang cũng nhấn mạnh đến một số tính năng nổi bật khác của hệ điều hành BOS do Bkav phát triển như: tính an ninh thông tin, giúp người dùng không bị làm phiền bởi tin nhắn rác, virus, phần mềm nghe lén hay nguy cơ bị mất thông tin cá nhân; hay việc Bkav đưa thành công trí tuệ nhân tạo vào phần mềm chụp ảnh, nhờ đó chất lượng ảnh chụp bằng Bphone 2017 (điện thoại ở phân khúc cận cao cấp) tiệm cận với các smartphone thuộc phân khúc cao cấp…
Đại diện Bkav cho biết thêm, với việc có khả năng làm chủ một hệ điều hành - BOS, Bkav đang rất thuận lợi trong việc phát triển các phiên bản hệ điều hành khác, cho các thiết bị thông minh khác, chẳng hạn như các thiết bị trong hệ thống nhà thông minh SmartHome của Bkav. “Tôi tin tưởng rằng các đơn vị, công ty khác cũng sẽ làm được, nếu làm đúng cách. Trong đó, từ kinh nghiệm của Bkav, điều cần nhất chính sự bài bản”.
Minh chứng cho nhận định của mình, ông Quang khẳng định, để thành công trong phát triển hệ điều hành BOS, Bkav đã phải rất bài bản trong mọi vấn đề, từ khâu thiết kế phần mềm đến đào tạo co người cũng như trong các quy trình vận hành. Lấy dẫn chứng cho sự bài bản trong khâu đào tạo con người, đại diện Bkav chia sẻ: “Kĩ sư có trình độ cần cho dự án BOS rất khó tuyển ngoài. Bkav đã tuyển họ từ khi còn là sinh viên, sau đó trang bị cho họ các kiến thức, văn hóa, kỉ luật làm việc từ rất sớm. Hoạt động trong các quy trình bài bản của Bkav, các bạn sinh viên này dần trở thành những con người Bkav mà chúng tôi cần cho các dự án như BOS”.
Đại diện Bkav cũng kì vọng thơi gian tới hệ điều hành BOS, smartphone Bphone của Bkav sẽ thành công hơn nữa, tạo ra cảm hứng để các đơn vị, doanh nghiệp khác cũng làm những điều tương tự, góp phần để Việt Nam có được nhiều hệ điều hành do người Việt làm chủ hơn nữa và vững bước trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo: itcnews