Vào đêm qua đã diễn ra phần chung kết của cuộc thi Hack-a-farm Innovation Camp Việt Nam (Hackafarm) 2016. Đây là lần đầu tiên Hackafarm xuất hiện tại Việt Nam. Cuộc thi này do Silicon Valley Việt Nam, Up Co-working Space cùng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội phối hợp tổ chức.
Mục đích của Hackafarm là tạo ra một sân chơi cho các bạn trẻ yêu thích công nghệ. Các sản phẩm tham gia cuộc thi phải là những sản phẩm chứa đựng hàm lượng công nghệ nhất định và có thể giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Đêm chung kết của Hackafarm 2016 là màn góp mặt của 6 đội thi. Sau 5 ngày thi đấu, cả 6 đội đều cho ra đời kết quả là những cỗ máy hoặc hệ thống phục vụ cho việc theo dõi, giám sát quá trình vận hành, sản xuất nông nghiệp.
Các giải pháp này bao gồm Máy gieo hạt hút chân không của đội The LISE; Hệ thống chăm sóc trại nấm tự động của Submarine; Máy xử lý quả vải trong thu hoạch của Gà Công nghiệp; Dự án kết hợp IoT và Machine Learning vào nông nghiệp của SA Team; Hệ thống chăm sóc cây thông minh của SA Fablab Hà Nội và Ứng dụng xử lý hình ảnh để đánh giá sản phẩm của Smartfarm.
Mô hình dự án kết hợp IoT và Machine Learning vào nông nghiệp của SA Team.
Theo đánh giá của Ban giám khảo và Ban tổ chức cuộc thi, đây đều là những sản phẩm chứa đựng tâm huyết của các đội chơi và có nhiều giá trị sử dụng trong thực tiễn.
Dưới đây là phần giới thiệu chi tiết hơn và một số sản phẩm sáng tạo nhất tại Hackafarm 2016 năm nay:
Máy gieo hạt chân không
Đây là sản phẩm của The LISE, một nhóm quy tụ khá đông các thành viên, trong đó nhiều nhất là các bạn sinh viên đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội. The LISE cũng là đội đã giành giải đặc biệt của Hackafarm 2016.
Theo giới thiệu của The LISE, sản phẩm máy gieo hạt chân không của nhóm này ngoài việc giao hạt còn có chức năng bổ luống tạo rãnh và lấp đất sau khi gieo hạt. Máy sẽ hoạt động bằng xăng, được điều khiển bằng tay bởi người cầm lái. Khi được bán ra ngoài thực tế, The LISE hy vọng sẽ có thể xuất xưởng cỗ máy của mình với mức giá 15,99 triệu đồng.
Mô hình của Máy gieo hạt chân không. Theo The LISE, mô hình này được các bạn thiết kế và lắp ráp trong 2 ngày. Một cỗ máy thực ngoài đời sẽ hoạt động theo nguyên lý tương tự nhưng có kích thước lớn hơn, độ phức tạp cũng cao hơn.
Clip mô phỏng hoạt động của Máy gieo hạt chân không.
Hệ thống chăm sóc cây thông minh
Hệ thống chăm sóc cây thông minh là tên gọi sản phẩm của nhóm SA Fablab. Nhóm này là một thành viên của Fab Labs. Đây là mạng lưới các phòng thí nghiệm của các thành phố từ nhiều quốc gia trên thế giới, cung cấp và chia sẻ công cụ sản xuất kỹ thuật số nhằm khởi đẩy khả năng sáng tạo, sáng chế.
Theo lời giới thiệu của SA Fablab, hệ thống chăm sóc cây thông minh của họ sẽ theo dõi và lưu lại các chỉ số của môi trường trong khu vực nông trại. Các chỉ số này gồm nhiệt độ, độ ẩm đất, độ ẩm không khí. Những chỉ số này sẽ được cập nhật một cách liên tục thông qua ứng dụng trên điện thoại của người dùng.
Các dữ liệu của hệ thống chăm sóc cây này đều được đưa lên server và có thể theo dõi trực tiếp qua ứng dụng di động.
Không chỉ có vậy, các số liệu thống kê sau đó sẽ được lưu trữ trên server. Những số liệu này sẽ tiếp tục được tổng hợp, phân tích bởi các chuyên gia để đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất cho người làm nông nghiệp. Người dùng cũng có thể cài đặt các chế độ tưới tiêu hợp lý để hệ thống tự vận hành cung cấp nước cho cây trồng.
Máy xử lý quả vải trong thu hoạch
Máy xử lý quả vải trong thu hoạch là sản phẩm của đội Gà Công nghiệp tại Hackafarm 2016. Đây cũng là sản phẩm nhận được giải khuyến khích của cuộc thi.
Theo giới thiệu của Gà Công nghiệp, sản phẩm của họ có chức năng loại bỏ bớt cành và lá trên chùm vải, sau đó gom chúng và bó lại thành bó vải thông thường. Chiếc máy này sẽ có thể giảm bớt rất nhiều công sức cũng như chi phí dành cho việc thuê nhân công để xử lý ở dạng thô trước khi đưa ra thành phẩm.
Đến Hackafarm xem sinh viên Việt thay giáo sư đưa “robot” vào nông trại
(Techz.vn) Bạn thường được nghe về những hệ thống công nghệ cao dành cho nông nghiệp ở Israel, nơi từng hạt nước đều vô cùng quý. Ý tưởng đó đang dần trở thành hiện thực tại Việt Nam, bởi chính các bạn sinh viên thay vì những giáo sư, tiến sĩ.