Blog công nghệ

Họa có điên mới mua hàng công nghệ giảm giá ở Việt Nam

Treo đầu dê, bán thịt chó & cách làm Black Friday kiểu Việt Nam

Với người Mỹ, thời điểm cuối tháng 11 hàng năm thường là khoảng thời gian được lựa chọn để sắm sửa cho dịp cuối năm và năm mới. Một trong những lý do mà khoảng thời gian này được nhiều người lựa chọn để tiêu tiền bởi rất nhiều các chương trình giảm giá sốc được đưa ra từ phía các nhà bán lẻ. Các chương trình này vẫn thường được biết đến với tên gọi Black Friday hay Ngày thứ 6 đen tối.

Black Friday có xuất xứ vô cùng thú vị. Nó ra đời từ tình trạng kẹt xe xảy ra ngày thứ sáu sau Lễ Tạ ơn ở Philadenphia năm 1965. Khi đó, người Mỹ chen chúc đông nghẹt các con phố để mua sắm cho lễ Noel. Và giới kinh doanh Mỹ không thể nào bỏ qua một dịp tuyệt vời như vậy để tung ra các độc chiêu khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng.

Kể từ đó, ngày thứ 6 ngay sau ngày Lễ tạ ơn hàng năm đã trở thành ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm của người Mỹ. Đây là nơi mà tất cả mọi mặt hàng đều được giảm giá tối đa và mọi người có thể chọn mua cho mình những món đồ vừa ýyacute; với số tiền bỏ ra thấp nhất.

Hình ảnh quen thuộc trong ngày Black Friday tại Mỹ.

Lấy ý tưởng từ BlackFriday, ở Việt Nam cũng có một ngày hội mua sắm như vậy với tên gọi Online Friday. Được tổ chức từ năm 2014, đây là một hoạt động vô cùng có ý nghĩa của chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị làm cho biến tướng đến nỗi, nhiều người ví von việc giảm giá ở Online Friday cũng chẳng khác gì kiểu bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó” trong câu thành ngữ của cha ông ta đã có từ xưa.

Những chiếc iPhone giá vài ba chục triệu đồng

Dạo một vòng trang Onlinefriday.vn, người dùng có thể thấy ngay sự kệch cỡm từ chính giá bán của các sản phẩm đang được niêm yết. Những tấm banner bắt mắt với dòng chữ giảm giá 28%, 29%, thậm chí là 40%, nhưng liệu bao nhiêu % trong số đó là những hoạt động giảm giá đích thực?

Một chiếc USB HP được rao bán với giá 229.000 đồng sau khi đã giảm 29%. Giá của một chiếc USB cùng loại trên thị trường chỉ là 129.000 đồng.

Chúng ta hãy cùng đi tìm lời giải cho điều này với những chiếc iPhone. Thử truy nhập vào mục điện thoại di động trên trang chủ của onlinefriday.vn. Tại đây, một chiếc điện thoại iPhone 6 Plus phiên bản 64GB được giao bán với giá 17,99 triệu đồng. Theo thông tin ghi trên trang web, mức giá bán ra của chiếc điện thoại này đã được giảm tới 28%. Điều này cũng có nghĩa giá gốc trước khi giảm của máy lên tới 25,3 triệu đồng.

Thông tin về chiếc iPhone 6 Plus được giảm giá tới 28%.

Giảm giá quá sốc phải không? Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên để khách quan hơn, chúng ta cùng xem giá bán ra của chiếc điện thoại này ở một vài nhà bán lẻ khác là bao nhiêu.

Tham khảo trên website của hệ thống cửa hàng Thế giới di động, một chiếc iPhone 6 Plus phiên bản 64GB tại đây được rao bán với giá 21,59 triệu đồng. Mức giá này thấp hơn đến 3,7 triệu đồng so với giá bán trước khi giảm của máy trên Onlinefriday.vn.

Mức chênh lệch này cũng gần như tương tự với các hệ thống bán lẻ lớn khác là Viễn Thông A hay FPT Shop. Như vậy, nếu chỉ tính riêng đến giá gốc ban đầu, đơn vị bán máy đã có sự lừa đảo nhất định với khách hàng khi tung ra các con số khuyến mãi ảo.

Thông tin trước đó về một chiếc iPhone 6S 16GB có giá gốc lên đến 33 triệu đồng. Giá này thậm chí còn gấp đôi so với mức giá thị trường được gợi ý ở ngay bên cạnh. Sau khi có phản ánh của báo chí, sản phẩm này đã bị gỡ khỏi website Onlinefriday.vn.

Chưa hết, với giá bán ra thực tế của chiếc điện thoại này trên Onlinefriday.vn là 17,99 triệu đồng, người dùng còn bị đánh lừa thêm một lần nữa. Vậy lần này người dùng bị lừa ở chỗ nào?

Với mức giá 17,99 triệu đồng, con số này rõ ràng là thấp hơn nhiều so với giá bán 21,59 triệu đồng ở các hệ thống cửa hàng bán lẻ lớn. Người dùng tưởng mình đã lãi số tiền tạm tính ra là 3,6 triệu đồng. Nhưng thực tế thì lại không phải là như thế.

Mấu chốt nằm ở dòng chữ “Hàng nhập khẩu” ghi bên cạnh tên máy. Với dòng chữ này, thoạt nghe qua thì ai cũng sẽ tưởng đây là hàng chính hãng. Nhưng thực chất thì lại không phải là như vậy.

Theo định nghĩa được đưa ra trên trang Lazada, đơn vị người dùng cần liên hệ để mua về sản phẩm kể trên, “Hàng nhập khẩu” được định nghĩa là “hàng được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài bởi doanh nghiệp trong nước, không thông qua nhà phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam”.

Điều này cũng có nghĩa là, chiếc điện thoại nói trên thực chất là một sản phẩm xách tay. Nhà sản xuất đã tiến hành đánh tráo khái niệm với người dùng thông qua dòng chữ “Hàng nhập khẩu”. Với việc đánh tráo khái niệm niệm này, nhà sản xuất đã khiến người dùng có sự lầm tưởng nhất định về giá trị mặt hàng được rao bán.

Khái niệm về "Hàng nhập khẩu" trên website của Lazada. Ai cũng biết những chiếc iPhone không được sản xuất ở Việt Nam. Vậy đưa thêm dòng chữ "Hàng nhập khẩu" vào bên cạnh tên sản phẩm để làm gì? Phải chăng đây là một sự cố tình đánh tráo khái niệm?

Chỉ với 2 ví dụ kể trên, ta đã có thể thấy sự mập mờ trong thông tin và giá bán của sản phẩm trên trang Onlinefriday.vn. Vậy trách nhiệm của cơ quan hữu trách là Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cùng Hiệp hội Thương mại điện tử ở đâu khi xảy ra những tình trạng như vậy ngay chính trên trang web được xây dựng bởi Cục và Hiệp hội? Phải chăng, cách làm ăn kiểu Việt Nam đã ăn sâu vào máu các doanh nghiệp đến nỗi, một lĩnh vực mới là thương mại điện tử cũng không nằm ngoài xu thế đáng buồn này.

Thế nên, khi nhìn mức giảm giá sốc trên các website, người ta mới vỗ vai mà cảnh báo nhau rằng, “Họa có điên mới mua hàng công nghệ giảm giá ở Việt Nam”.

 

4.5G và tương lai cho internet tại Việt Nam

(Techz.vn) Ngay năm 2016 tới đây, công nghệ mạng 4G sẽ được triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Đây là một tin vui không chỉ với người tiêu dùng mà còn với cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.