Tư vấn

Hãy cân nhắc thật kĩ trước khi mua điện thoại có thương hiệu “lạ”

Chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu đồng trở lại, người dùng chắc chắn đã có thể sở hữu được dòng điện thoại có màn hình lớn từ 5 inch cho đến 6 inch, bộ vi xử lí 4 nhân và RAM 1 GB. Phần lớn dòng máy này với cấu hình như trên thường xuất phát từ Trung Quốc. Chỉ khác biệt về tên nhà sản xuất, thông tin về dòng máy, địa chỉ, xuất xứ đều rất rõ ràng và khá chính xác, dễ dàng xác minh trên website riêng của mỗi hãng. Tuy nhiên, một số thương hiệu nhỏ khác, đã biết dùng những thuật ngữ riêng nhằm né tránh chữ Trung Quốc, bởi họ biết rằng người dùng Việt Nam thích đồ rẻ nhưng không thích hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

Tìm hiểu thật kĩ về thương hiệu

Trước khi mua một sản phẩm, việc đầu tiên hãy xem nó đến từ nhà sản xuất nào, địa chỉ có rõ ràng hay không? Điều này cực kì quan trọng cho sản phẩm đến từ thương hiệu “lạ” vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, dịch vụ hỗ trợ và nhiều thứ liên quan khác. Bởi nhiều hãng điện thoại nhỏ bên Trung Quốc nhưng mang danh công nghệ Châu Âu hay Nhật Bản rất dễ làm xiêu lòng người dùng không rành về công nghệ.

Điện thoại Arbutus đến từ thương hiệu "Nhật" đã xuất hiện tại Việt Nam với nhiều tranh cãi về dòng chữ "Made in Japan". Bởi có những cửa hàng bán lẻ ghi là thương hiệu Nhật nhưng sản xuất tại Trung Quốc, cửa hàng khác chỉ ghi là điện thoại công nghệ Nhật...Thậm chí, dòng sản phẩm đến từ thương hiệu này còn xuất hiện cả hàng chính hãng và xách tay. Tuy nhiên, nếu sản xuất ở Nhật thì khó có thể đạt được mức giá rẻ đến như vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến địa điểm sản xuất và thương hiệu này là như thế nào?

Ví dụ thực tế đơn giản hơn, chiếc điện thoại Bluboo Xfire khá lạ đối với phần lớn người dùng Việt Nam, điều này cho biết tên sản phẩm là Xfire, hãng sản xuất Bluboo. Việc đầu tiên, người dùng hãy xác minh công ty Bluboo là của nước nào và có trực tiếp sản xuất điện thoại hay không? Căn cứ vào trang web của Bluboo, chúng ta thấy rằng công ty này đến từ Trung Quốc với địa chỉ tại Thâm Quyến thuộc Quảng Đông, chuyên sản xuất điện thoại theo dạng OEM (Original Equipment Manufacturing) và ODM (Original Design Manufacturing).

Chiếc điện thoại Bluboo Xfire giá rẻ được bán trên trang Gearbest (hình: Internet)

Thông tin đầy đủ, chi tiết về thương hiệu Bluboo đến từ Trung Quốc

Nếu những dòng điện thoại đến từ tên thương hiệu "lạ" khác vẫn có địa chỉ rõ ràng tương tự như Bluboo thì người dùng đã tạm an tâm (tùy theo cảm nhận cá nhân). Lưu ý rằng, người dùng nên bỏ qua phần kiểm tra này trong trường hợp khi đã xác định rõ sản phẩm đến từ thương hiệu Apple, Samsung, HTC hay Sony và những thương hiệu nổi tiếng khác.

Điện thoại Nhật thương hiệu "lạ" với thông tin ghi bằng tiếng Nhật rõ ràng

Đồng thời, điện thoại thương hiệu Nhật dễ tìm kiếm thông tin nhà sản xuất, công ty tại trang tìm kiếm Google. Những sản phẩm này chỉ ghi là: "Made by Japan" chư hoàn toàn không ghi "Made in Japan"

Tìm thông tin trên hộp sản phẩm

Hộp sản phẩm cũng góp phần quan trọng vào việc xác định điện thoại có đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời có phân khối chính thức tại Việt Nam hay không? Vỏ hộp có thể đã được dán tem sẵn, cung cấp thông tin cơ bản của sản phẩm nằm bên trong. Tuy nhiên, tên sản phẩm, địa chỉ nhà máy và mọi thông tin về tiêu chuẩn công nghệ thông thường phải đều phải in trực tiếp trên vỏ hộp, không sử dụng miếng tem đã in tất cả các thông tin để dán lên vỏ hộp. Hầu hết thương hiệu điện thoại lớn có tên tuổi đều áp dụng theo hình thức này, nhằm hạn chế tình trạng tem bị rách hoặc cố tình thay đổi thông tin. Nếu sản phẩm được phân phối và bán chính thức tại Việt Nam, người dùng hãy quan sát thật kĩ tên công ty nhập khẩu và phân phối, hãy tìm hiểu kĩ hơn điều này nếu nghi ngờ thông tin không chính xác.

Hộp bao bì cho dòng điện thoại có thương hiệu lớn thường in thông tin quan trọng về máy trực tiếp bên ngoài, chỉ dán tem cho thông tin về nhà phân phối, thành phần bên trong hộp và những thông tin phụ khác

Trong trường hợp, thông tin về thương hiệu trên hộp có nội dung rất đáng nghi ngờ, chẳng hạn sản xuất tại Nhật Bản trong khi mức giá khoảng 2 triệu. Việc đầu tiên, người dùng cần tìm hiểu thông tin và địa chỉ văn phòng công ty, cũng như xưởng sản xuất của thương hiệu lạ như trên có đúng xuất phát tại Nhật hay không? Điều này cũng rất quan trọng, người dùng tránh bị tình trạng “hoang tưởng” khi nghĩ rằng nó tốt và đúng là đến từ Nhật Bản với chất lượng tương tự như Sony.

Xem kĩ thông tin trên điện thoại

Mặc dù nhiều cửa hàng, nhà sản xuất có đủ thứ thủ thuật để “bùa” thông tin về điện thoại, thế nhưng người dùng hãy dùng Antutu Benchmark hoặc những ứng dụng có chức năng tương tự nhằm xem thông tin nhanh và đo hiệu năng thực tế về máy. Dẫu biết rằng nội dung hiển thị có độ chính xác ở mức tương đối, song, điều này góp phần làm sáng tỏ hơn thông tin về điện thoại.

Thông thường, đối với sản phẩm có thương hiệu lớn chỉ cần điền số IMEI vào trang web chuyên cung cấp thông tin về IMEI sẽ nhận được kết quả thông tin cơ bản về dòng điện thoại trên

Đối với điện thoại đến từ thương hiệu nhỏ, người dùng đôi khi không nhận được kết quả thông tin từ IMEI đó

Bước tiếp theo, người dùng hãy kiểm tra số serial, nhất là đối với IMEI của điện thoại có trùng khớp với hộp sản phẩm hay không? Và phải cẩn thận hơn nữa, người dùng cần tra số IMEI trên trang web imei.info để tìm kiếm thông tin máy, nếu trang web cung cấp thông tin về điện thoại trùng khớp với nội dung in trên vỏ hộp là điều rất tốt, xin chúc mừng. Lưu ý, không phải số IMEI nào cũng hiển thị được thông tin trên trang web đó, bởi nó hoạt động tốt nhất đối với những dòng điện thoại đến từ thương hiệu lớn. Chẳng hạn như một số dòng điện thoại đến từ thương hiệu Việt, trang web này vẫn đôi lúc không nhận diện được. Chính vì vậy, dòng điện thoại đến từ thương hiệu “lạ” có khả năng đến từ nhà sản xuất rất nhỏ, hoặc đơn giản giống với dòng thương hiệu Việt.

Chất lượng sản phẩm đến đâu?

May mắn thay, điện thoại thương hiệu nhỏ và lạ hiện nay đã qua cái thời dễ bị hỏng, chết nguồn bất đắc kỳ tử như cách đây khoảng 10 năm về trước. Nhờ vào tính “mở” của hệ điều hành Android, những nhà sản xuất nhỏ và không tên tuổi vẫn dễ dàng cho ra mắt nhiều dòng điện thoại giá rẻ. Tuy nhiên, màn hình kích thước lớn nhưng độ phân giải thường chỉ tối đa là qHD nên độ sắc nét không cao, hiển thị kém ở ngoài nắng, tốc độ xử lí khá chậm khi mua về sử dụng thực tế.

Bên cạnh đó, một số thương hiệu điện thoại giá rẻ không có chính sách bảo hành 12 tháng cho màn hình, điều này khá thiệt thòi cho người sử dụng nếu chẳng may bị lỗi màn hình. Do nhiều cửa hàng bán điện thoại lớn như Thế giới di động, Viễn thông A và FPT Shop đều không bán những dòng sản phẩm giá rẻ có nguồn gốc không rõ ràng nên mỗi khi máy bị lỗi hoặc hư, người dùng bắt buộc phải đến tận nơi cửa hàng đã mua sản phẩm trước đó để bảo hành, điều này khá vất vả nếu ở tỉnh xa.

Thay cho lời kết

Tất cả điều như trên tuy không thể xác thực thông tin về hãng sản xuất đúng 100% nhưng khá cần thiết khi mua một dòng điện thoại có thương hiệu “lạ” chưa từng nghe và xem thấy. Bởi nhiều dòng điện thoại giá rẻ bây giờ được nhiều cửa hàng gắn cho thương hiệu, chất lượng quốc tế như Nhật Bản và Châu âu. Trong khi đó, người dùng không hề biết chính xác thương hiệu điện thoại giá rẻ có nguồn gốc từ đâu, mặc dù thông tin ghi rõ ở nơi sản xuất chỉ là con “tem” dán vào hộp và điện thoại vẫn chưa thể xác nhận là thật hay giả. Người dùng dù cho có tìm kiếm thông tin về công ty này trên Google bằng chính ngôn ngữ bản xứ bằng tiếng Anh hay tiếng Nhật nơi sản xuất mà đã được in thông tin trên bao bì và cả điện thoại, chưa chắc gì đã tìm thấy được thông tin về thương hiệu đó. Đối với người dùng không am hiểu về công nghệ, tốt nhất không nên tự một mình mua những dòng máy giá rẻ, nhất là những thương hiệu "lạ" chưa bao giờ nghe và thấy tới.

 

Xiaomi bị hạ bệ khỏi vị trí số 1 Trung Quốc

(Techz.vn) Khi mà Xiaomi đang cho thấy những tham vọng trở thành một thế lực mới trong ngành sản xuất thiết bị di động toàn cầu, công ty này lại dính phải một gáo nước lạnh khi bị mất vị trí số 1 ở thị trường Trung Quốc.