Blog công nghệ

Uber & thế giới Taxi: Nín thở nhìn giá xe, rung đùi chờ đại chiến

Uber & thế giới Taxi: Nín thở nhìn giá xe, rung đùi chờ đại chiến

Mấy ngày trở lại đây, Uber đang trở thành một trong những từ khóa hot nhất trên khắp các mặt báo. Sự việc của Uber đã thổi bùng lên hàng loạt các vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Tuy nhiên, Uber chỉ là một hình ảnh tiêu biểu cho việc phát triển các dịch vụ vận chuyển hành khách qua ứng dụng tại Việt Nam. Đằng sau Uber, còn là cả một một câu chuyện dài liên quan đến loại hình kinh doanh còn tương đối mới mẻ này.

Uber và những kẻ chung đường

Có thể khái niệm về cái tên Uber đã bắt đầu hình thành trong người Việt vài ngày trở lại đây. Tuy nhiên, với đại đa số người dân Việt Nam, các loại hình dịch vụ kiểu như Uber vẫn còn rất mới lạ.

Uber chỉ thương hiệu của một loại hình vận tải phát triển trên nền các ứng dụng dành cho smartphone. Bên cạnh Uber, có thể kể đến một số ứng dụng vận tải khác đã và đang có mặt ở Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là Easy Taxi và GrabTaxi.

Với Uber, có thể hiểu dịch vụ này giống như việc thuê xe đưa đón có tài xế riêng. Các khách hàng cần sử dụng dịch vụ và các tài xế sẽ tìm đến với Uber, nhiệm vụ của công ty này là kết nối và làm trung gian cho việc chi trả. Đa phần đội ngũ xe của Uber đều thuộc sở hữu của các hãng xe danh tiếng hoặc các công ty xe. Đây đều là những mẫu xe cao cấp thường xuyên phục vụ các hợp đồng vận chuyển với những khách sạn, công ty hay các khách hàng quốc tế.

Chất lượng dịch vụ là ưu điểm lớn nhất của Uber so với taxi thông thường (Ảnh: Internet)

Khi có thời gian trống, tài xế của các hãng xe có liên kết sẽ kích hoạt Uber và tham gia vào quá trình đón trả khách. So với các loại hình vận tải hành khách khác, ưu điểm của Uber là sự mới lạ trong phương thức kinh doanh, không phải trả tiền mặt, có thể huy động nhiều mẫu xe cao cấp và trên hết là thái độ phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ tài xế.

Ưu điểm của Uber là sự mới lạ trong phương thức kinh doanh, không phải trả tiền mặt, có thể huy động nhiều mẫu xe cao cấp và trên hết là thái độ phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ tài xế.

Với GrabTaxi và Easy Taxi, tuy sở hữu cùng phương thức liên kết với khách hàng qua các ứng dụng trên smartphone, nhưng loại hình và định hướng kinh doanh của 2 đơn vị này lại hoàn toàn khác với Uber.

GrabTaxi hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị điều phối các loại hình taxi thông qua các ứng dụng sẵn có trên điện thoại thông minh. Để làm được điều này, GrabTaxi tiến hành mời gọi các tài xế và hãng Taxi tham gia vào quy trình hoạt động của mình. Nói một cách khác, GrabTaxi chính là đơn vị trung gian giữa các hãng kinh doanh dịch vụ Taxi và khách hàng của họ. Đây cũng là cách làm đang được hướng đến của Easy Taxi.

Mối quan hệ giữa GrabTaxi, Easy Taxi và Uber luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Với thói quen của người dùng, họ sẽ chỉ sử dụng 1 loại hình ứng dụng gọi taxi duy nhất. Ai nắm trong tay người dùng kẻ đó sẽ dành chiến thắng. Bởi vậy, cả GrabTaxi, Easy Taxi và Uber đều đang có sự cạnh tranh quyết liệt với nhau về cách thức truyền thông, số lượng phương tiện và chất lượng phục vụ nhằm gây ấn tượng với người tiêu dùng.

Với Uber, họ còn một vũ khí bí mật trong tay, đó là dịch vụ thuê xe giá rẻ Uber X. Uber X vốn đã có mặt tại nhiều quốc gia có sự xuất hiện của Uber. Tuy nhiên tại Việt Nam, Uber gần như chỉ cung cấp dịch vụ Uber Black với sự tham gia của những mẫu xe cao cấp. Để có thể đưa Uber X vào Việt Nam, trước hết Uber phải vượt qua được cuộc chiến pháp lý mà hãng đang phải đối mặt từ chính phủ, truyền thông và cả dư luận.

Kịch bản nào cho cuộc chiến giữa công nghệ và truyền thống

Sự mâu thuẫn giữa công nghệ và truyền thống gần như chỉ là cuộc chiến giữa Uber và các hãng taxi. Do đặc thù về các phương thức thanh toán và phương tiện kinh doanh, Uber và taxi gần như là 2 mảng đối lập. Sự có mặt của Uber cùng những mẫu xe với chất lượng dịch vụ cao cấp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của tài xế và cả các hãng taxi. Tất nhiên, điều này sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của giới tài xế và các công ty làm việc trong lĩnh vực kinh doanh vận tải công cộng.

Vì lẽ đó, các hãng taxi luôn nhắm tới điểm yếu chí tử của Uber để tấn công. Ai cũng biết, điểm yếu đó chính là về vấn đề pháp lý. Không chỉ tại Việt Nam, chính phủ của rất nhiều nước trên thế giới đều tỏ ra khó xử với sự xuất hiện của loại hình dịch vụ “taxi tự phát” như kiểu của Uber.

Do không có phù hiệu, không đăng kí trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải, cũng không phải trải qua việc đăng kiểm bắt buộc theo đúng quy trình như ở các hãng taxi, rõ ràng Uber là kẻ đang “đứng ngoài vòng pháp luật”. Vì lẽ đó, các hãng Taxi có nhiều lý do để lôi kéo chính phủ vào cuộc nhằm bảo vệ miếng cơm manh áo của mình.

Với các thông tin cụ thể về cả hành khách lẫn lái xe, việc giao dịch qua Uber đem lại cảm giác an toàn hơn hẳn so với taxi thông thường. Tuy nhiên, nếu có rủi ro xảy ra, sẽ chẳng có giao kèo nào đủ độ tin cậy để buộc Uber chi trả tiền bảo hiểm, xử lý sự cố hay đơn giản hơn là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các khách hàng và tài xế của mình. Khách hàng hay tài xế? Ai sẽ là người đứng ra nhận trách nhiệm khi Uber rõ ràng chỉ đóng vai trò trung gian và thu về lợi nhuận dựa trên việc kết nối giữa họ?

Sự phát triển quá nhanh và quá nóng của Uber sẽ khiến nhiều hãng taxi phải nóng mặt. Và khi mà các chính phủ còn chưa kịp ra tay, rõ ràng các công ty này cũng sẽ không thể ngồi yên để chờ chính phủ bảo vệ chén cơm của mình. Có thể thấy rõ điều đó qua các vụ đình công của không ít hãng taxi lớn ở châu Âu. Tại Việt Nam, điều này là quá khó để có thể xảy ra, tuy nhiên không phải là không có giải pháp.

Khách hàng hay tài xế? Ai sẽ là người đứng ra nhận trách nhiệm khi Uber rõ ràng chỉ đóng vai trò trung gian và thu về lợi nhuận dựa trên việc kết nối giữa họ?

Các hãng taxi lớn có thể tiến hành liên minh lại với nhau để tìm cách đánh bật sự thống trị của Uber. Và việc tạo ra một ứng dụng dành riêng của giới taxi chính là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, có không ít những khó khăn mà liên minh hoặc hiệp hội này sẽ phải đối phó nếu một ứng dụng như vậy được phát triển và vận hành. Trong đó, phức tạp nhất là việc liệu sẽ có một hãng taxi nào đó sử dụng tầm ảnh hưởng, thế lực và cả tiền bạc của mình để thao túng hiệp hội?

Cuộc biểu tình chống Uber của các tài xế California (Ảnh: Reuters)

Với GrabTaxi và Easy Taxi, câu chuyện giữa 2 ứng dụng này và các hãng taxi chẳng khác nào câu chuyện của những kẻ cộng sinh. Những kẻ cộng sinh thì phụ thuộc vào nhau, và GrabTaxi cũng như Easy Taxi cần có các hãng taxi để sống.

Với việc nắm vai trò trung gian giữa người dùng và các hãng taxi, GrabTaxi và Easy Taxi đem lại cho các đơn vị này một cơ hội để có thể cạnh tranh trực tiếp với Uber. Còn đối với GrabTaxi và Easy Taxi, các hãng taxi chính là những kẻ nắm trong tay  xe và tài xế, các tư liệu sản xuất của họ. Càng nhiều đơn vị tham gia, hai ứng dụng này sẽ ngày càng có nhiều xe hơn, điều này cũng đồng nghĩa với các cơ hội về cả doanh thu và lợi nhuận.

Hiện tại, do có mối quan hệ tương đồng về lợi ích với nhau, cả GrabTaxi và Easy Taxi đều nằm ngoài cuộc chiến đã mon men hình thành giữa Uber và giới taxi. Tuy nhiên trong tương lai, giả sử một trong hai đơn vị này rơi vào tay của liên minh hay hiệp hội taxi, cuộc chiến với Uber sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Không sớm thì muộn, trong một cuộc chiến theo kiểu phi đối xứng, các hãng taxi sẽ buộc phải sử dụng chính vũ khí của Uber (công nghệ), bên cạnh các vũ khí truyền thống (số lượng và pháp lý) để đối đầu với Uber.

Lúc này, có lẽ chỉ có người dùng là những kẻ mỉm cười khoái trá.

 

Uber được đầu tư thêm 1,2 tỷ đô la Mỹ

(Techz.vn) Số tiền mới thu về đã biến Uber trở thành một trong những doanh nghiệp start-up thành công nhất tại thung lũng Silicon.