Sau gần một năm ra mắt thị trường, những model cao cấp như LG Optimus G hay Nokia Lumia 920 đều mất giá tới một nửa.
Khi được hỏi sản phẩm công nghệ nào mất giá nhanh nhất hiện nay, không ít người dùng nhanh chóng trả lời rằng đó là smartphone. Phải thừa nhận đây là một thực trạng đang xảy ra trên thị trường di động Việt. Trước đây, iPhone thường mất giá chậm hơn so với điện thoại Android. Tuy nhiên hiện tại, ngay cả dòng điện thoại độc tôn của Apple cũng phải chịu tốc độ mất giá nhanh hơn rất nhiều.
Apple dù là sản phẩm giữ giá nhất trên thị trường nhưng cũng không thể tránh khỏi vòng quay giảm giá.
Anh Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ do muốn yên tâm vì trên thị trường hiện nay xuất hiện vô số hàng dựng của điện thoại iPhone nên anh đã quyết định chọn mua iPhone 4 chính hãng FPT với giá 8 triệu đồng. Chỉ sau chưa đầy một tháng sử dụng, vì cần tiền gấp nên anh buộc phải tìm đến một cửa hàng điện thoại để bán chiếc iPhone mới của mình. Tuy nhiên, mức giá mà cửa hàng đưa ra chỉ là 5,4 triệu đồng. Thất vọng, anh tìm cách rao bán trên nhiều diễn đàn mua bán hàng second hand uy tín, song rất chật vật mới có người trả 6,1 triệu đồng và anh buộc phải chịu lỗ tới 1,9 triệu đồng cho hơn 3 tuần sử dụng máy. Anh Minh ngao ngán thừa nhận: “Mua đồ chính hãng lúc bán chỉ có lỗ nặng”.
Hay như trường hợp của anh Tùng cũng gần tương tự: “Chiếc Optimus G mình mua hồi tháng 10 năm ngoái với giá 16,5 triệu đồng, dùng hơn một năm bây giờ bán chưa được một phần ba”. Qua đó chúng ta có thể thấy được, tốc độ trượt giá của điện thoại Android thậm chí còn khủng khiếp hơn. Và nhìn chung, mất giá là tình trạng chung của các dòng điện thoại Android, càng cao cấp, càng đắt tiền thì khi bán lại, càng lỗ nhiều. Đặc biệt, hiện nay một chiếc điện thoại hàng khủng như LG G2 xách tay Hàn Quốc được rao bán cũ chỉ trên dưới 8 triệu đồng.
Cùng là 2 thương hiệu có xuất xứ đến từ Hàn Quốc nhưng những chiếc điện thoại LG có tốc độ giảm giá nhanh hơn nhiều so với các sản phẩm của Samsung.
Hàng cũ đã đành nhưng đời mới cũng chẳng hơn. Cách đây một vài tháng, phablet Xperia Z Ultra về Việt Nam được bán với giá 16 đến 18 triệu đồng, nhưng bây giờ bán mới chỉ còn hơn 11 triệu đồng (xách tay). Người nào bán lại, chắc chỉ được hơn 10 triệu đồng là may mắn. Không chỉ Xperia Z Ultra, các model ra mắt tại Việt Nam hồi đầu năm 2013 của Sony như Xperia Z, ZL, hay Optimus G Pro của LG đều đang tụt dốc không phanh.
Việc các dòng điện thoại Andoid có độ trượt giá mạnh có thể được lí giải bởi một số nguyên nhân sau đây. Thứ nhất là do cuộc “chạy đua vũ trang” của các hãng di động như Samsung, HTC, Sony hay LG, đồng thời còn chứng kiến sự góp mặt của các đại gia đến từ Trung Quốc khác là Huawei, Oppo… Mỗi năm, họ đều tung ra hàng chục model máy khác nhau trong đó mỗi hãng có không dưới 2 sản phẩm thuộc dòng cao cấp. Điều đó dẫn đến việc, khi sản phẩm mới ra mắt, sản phẩm đời trước trở thành “đồ cổ”. Tốc độ quay vòng một sản phẩm Android mới càng nhanh, tình trạng trượt giá càng diễn ra mạnh.
Với Sony, tốc độ giảm giá thậm chí còn nhanh hơn đối với các mặt hàng sản phẩm chính hãng.
Thứ hai là do tính phân mảnh của hệ điều hành Android. Thông thường, một chiếc điện thoại Android chỉ được cập nhật 1, 2 bản nâng cấp lớn trong suốt vòng đời trừ các model hút khách, sau đó “tắc lại” khác với nền tảng iOS vốn được Apple hỗ trợ khả năng nâng cấp cho cả các sản phẩm cũ. Do đó, người dùng không hề lạ khi bắt gặp các mẫu máy Android của cùng một hãng gần như sở hữu phần cứng tương tự nhau và sự khác biệt chỉ là phiên bản hệ điều hành mà chúng sử dụng hoặc một vài tính năng nhỏ không đáng kể.
Không thể phủ nhận việc smartphone liên tục giảm giá góp phần mang đến cơ hội cho nhiều người tiêu dùng để thỏa sức mơ ước sở hữu những sản phẩm mà mình khao khát, đồng thời tạo thêm hấp lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Tuy nhiên, đây thực sự là con dao 2 lưỡi khiến người dùng cần hết sức cân nhắc khi bỏ đồng tiền để chọn mua một chiếc điện thoại mới cho mình, dù đó là hàng chính hãng hay xách tay.
iPhone 5C gần như không thể tiêu thụ vào thời điểm này.
Không chỉ riêng người dùng, smartphone giảm giá quá nhanh cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại chịu cảnh điêu đứng. Điển hình như trường hợp của iPhone 5c hồi tháng 10 vừa qua. Những tưởng đó sẽ là một món hời giống như truyền thống các dòng iPhone trước đó, các cửa hàng nhanh tay nhập về một lượng lớn iPhone 5c, thậm chí với giá khá cao vì cho rằng đây sẽ là món hàng "hot" và họ có thể thổi giá nhằm ăn lời lớn. Tuy nhiên, chỉ trong một tháng, giá của iPhone 5c giảm phi mã từ mức "không tưởng" 16 triệu đồng xuống chỉ còn gần 12 triệu đồng. Lúc này, bí vốn để xoay vòng, cửa hàng đành chấp nhận bán giá gốc. Ngay cả iPhone 5s hiện nay, dưới sức ép cạnh tranh của hàng chính hãng, lời lãi của hàng xách tay cũng chẳng còn "đậm" như xưa nữa.
"Cái khó ló cái khôn" nhưng cái khôn ở đây lại là khôn lỏi, là gian lận, nhiều cửa hàng quay ra bán trà trộn cả những chiếc điện thoại dựng với nguồn gốc từ Trung Quốc, tự in nhãn, đóng "seal" giả như thật để đánh lừa khách hàng. Hoặc với điện thoại iPhone, họ sẵn sàng đánh tráo phụ kiện máy bằng các loại sạc, cáp hay tai nghe lô với chất lượng kém để lấy phụ kiện chính hãng có giá bán lẻ tới 700 đến 800 nghìn đồng. Nếu không tỉnh táo, người dùng lại vô hình chung trở thành nạn nhân của cái bẫy "giá rẻ". Đáng lẽ ra, smartphone giảm giá nhanh thì người dùng phải được lợi hơn cả nhưng với thực trạng thật giả lẫn lộn như hiện nay, không ít người đang lâm vào tình trạng dở khóc dở cười.
Đọc thêm: Smartphone sẽ như thế nào trong thập kỉ tới?
Thu Thủy