Từ những cuộc điện thoại phản ánh qua đường dây nóng, chúng tôi được tận mắt “mục sở thị” một vở bi hài kịch do “cậu Thuỷ” và Mẫn Thị Duyên, vợ y, làm đạo diễn.
Một lời phán, cả dòng họ đứng ngồi không yên
Có một thực tế, trước khi bị bắt, “tiếng tăm” của “cậu Thủy” đã vang xa khiến nhiều quan chức tìm đến. Mặt khác, “cậu Thủy” có hậu thuẫn vững chắc là Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nên uy tín được nâng tầm trông thấy.
Anh Kiên, cháu của liệt sỹ Trần Thực (quê ở thôn Giang Hạ, Tân Dân, Chí Linh, Hải Dương) hiện đang sống tại một khu tập thể gần chợ hoa Anh Trí trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) đã vui mừng khi “bắt mối” được với một nhà tâm linh "tài ba, đức độ, danh tiếng", nổi đình nổi đám này thông qua một vài mối quan hệ thân thiết của mình với các vị quan chức.
Sau hai lần đến cửa “thầy xin vong”, anh đã được chú mình là liệt sỹ Trần Thực truyền tai nơi hy sinh và có khả năng tìm được hài cốt về địa phương.
Sau cuộc điện thoại thông báo sự việc của anh Kiên về quê, đại gia đình đứng ngồi không yên, nóng ruột lên kế hoạch chuẩn bị tinh thần và vật chất cho một ngày rước ông về với gia đình. Trong khi nhiều gia đình vất vả đi lại năm lần bảy lượt, qua hết tháng nọ đến tháng kia vẫn chưa có kết quả. Bản thân gia đình ông Thảo (bố của anh Kiên) cũng đã tìm kiếm hài cốt nhiều năm qua nhiều "cửa", thất vọng nhiều lần. Vậy mà lần này, qua "cửa cậu", chỉ trong vòng 22 ngày "vong" đã lên, ấn định "đòi" được về quê.
"Vong đã nói vậy mà không đi lấy hài cốt thì quả là có lỗi với tổ tiên và chúng tôi sẽ áy náy với người đã hy sinh", ông Thảo nói.
Sau khi đến địa bàn, nơi xác định có hài cốt liệt sỹ Trần Thực, tất cả con cháu trong đoàn nhất nhất làm theo mọi chỉ đạo của "cậu" với tấm lòng thành kính. Không chỉ có thế, "cậu" còn hướng dẫn mọi người cách cầm hương "trai tay trái, gái tay phải", vừa cầm hương vừa khấn gọi “vong” về. Tiếp đó, "cậu" dẫn cả bảy tám người trong gia đình ông Thảo đến một bãi đất bồi của dòng suối rất rộng và yêu cầu mỗi người toả ra một hướng.
Thủy khẳng định: "Trong vòng bán kính 200m đổ lại, mọi người thành tâm khấn “vong”, thể nào cũng thấy". Không những vậy, "cậu" còn yêu cầu: Người nào biết việc của người đó và tuyệt đối không được nhìn người bên cạnh. Vừa đi, mỗi người vừa phải lầm rầm khấn “vong” nhà mình. Mắt luôn phải nhắm hờ và tuyệt đối nhập tâm cho đến khi nào cảm thấy người nôn nao giống với cảm giác say xe thì nhắm hẳn mắt lại vì khi đó là “vong” đã nhập vào người mình. “Vong” là thế giới khác, do vậy khi nhập vào mình trở nên yếu đuối sợ sệt. Nếu không nhắm mắt, “vong” sẽ thăng mất thì khó lòng nhập lại được". Lời dặn của “cậu” lúc này là "thánh phán", không ai dám trái lệnh.
Mẫn Thị Duyên (bên trái) đang chỉ đạo đào mộ liệt sỹ. Ảnh cắt từ video của gia đình ông Thảo.
Một lúc sau khi nén hương trên tay đã quá hai phần ba, mọi người đổ dồn về phía chị Tâm, cháu gái liệt sỹ Trần Thực vì thấy chị có những biểu hiện bất thường. "Cậu" hô hào mọi người và khẳng định “vong” đã nhập. Rồi thị Duyên xuất hiện và cùng đỡ chị Tâm đi xác định vị trí hài cốt của liệt sỹ.
Sau cuộc nhập “vong” khoảng 15 phút, chị Tâm nằm lặng bất tỉnh. Gia đình làm lễ, đào mộ ra sao chị không hề biết. Mọi người trải sẵn một chiếc chiếu mỏng ngay cạnh khu làm lễ để chị nghỉ ngơi. Công việc sau đó là của Mẫn Thị Duyên. Nói như vậy, bởi cả cuộc đào mộ, tìm xương hôm đó là một tay thị Duyên trực tiếp làm.
“Cậu Thuỷ” lý giải với mọi người: "Bà ấy làm công việc này đã quen rồi nên để bà ấy làm. Bà này có duyên với hài cốt liệt sỹ lắm, bốc không sót một cái xương vụn. Hơn một nghìn ngôi mộ tôi tìm, đều là một tay bà ấy bốc".
Màn hành nghề của "nhà tâm linh... đồ tể"
Thị Duyên mặc một chiếc quần hoa, kiểu quần ngủ, áo màu tím cũng là một kiểu áo mặc ở nhà. Tay áo xắn quá khuỷu, quần xắn lệch lên đến quá gối. Cách ăn mặc ấy khiến chúng tôi liên tưởng đến những người phụ nữ làm nghề giết mổ lợn đang hăm hở lao vào công việc của mình.
Duyên là người trực tiếp khoanh vùng mộ và chỉ trỏ vị trí đặt những nhát cuốc đầu tiên. Một không gian tâm linh đặc biệt bỗng chốc biến thành bãi nhốn nháo với những hành động và cử chỉ hết sức báng bổ thần thánh. Vòng người vây kín khu đất rộng chừng 3m2 được cho là có hài cốt liệt sỹ Trần Thực.
Đứng trong cùng là Duyên, “cậu Thủy” và nhóm người cầm cuốc xẻng được thuê từ những người dân bản địa. Kế đó, một nhóm người là “tay chân” của vợ chồng "cậu Thủy" sẵn sàng chờ sai khiến. Vòng ngoài là thân nhân gia đình liệt sỹ.
Sau khi nhóm đào thuê vung cuốc khoét sâu chừng 70cm thì lộ ra một vật cứng lẫn giữa rễ cây rừng và lớp đất thịt đen. Bật vật cứng đó lên, Duyên hô hào mọi người đây là bi đông nước có gắn tên Trần Thực và bảo người nhà rửa đi để xác minh xem có đúng như vậy không.
Cũng bắt đầu từ khi tìm thấy bi đông nước, Duyên không để bất cứ ai động chạm vào "phần mộ" của liệt sỹ Trần Thực, mà tự mình trực tiếp làm. Thị Duyên xắn tay áo cao thêm, chân đi đất, dùng cái bay của thợ xây để đào bới trong lớp đất cát tơi xốp nhặt những mẩu xương nhỏ vụn vứt tanh tách vào chiếc rổ nhựa nhỏ.
Dáng ngồi "đồ tể" của Mẫn Thị Duyên khi chỉ đạo đào mộ liệt sỹ. Ảnh chụp từ video.
Duyên nhặt xương vô hồn như người ta nhặt cái rơm, cọng cỏ, nhặt những viên sỏi ngoài đường khiến bất cứ ai, dù chỉ xem qua video cũng cảm thấy rõ sự kệch cỡm.
Xem đến cảnh đó, ông Thảo và những người trong gia đình cùng xem với chúng tôi không khỏi ái ngại, ngượng ngùng trước một vở kịch mà chính mình là các diễn viên không chuyên: "Gia đình cũng đã hết sức lưu ý đến khoảng đất có phần mộ của ông.
Chúng tôi đều thống nhất nếu phát hiện là đất mới hoặc có dấu hiệu của sự sắp xếp hiện trường giả sẽ không ngại đối chất với "cậu Thủy". Nhưng như mọi người chứng kiến thì đất và cây cỏ đều nguyên, đất mịn có cả rễ cây rừng. Không thể là giả được", ông Thảo nhỏ giọng giải thích.
Không những thế, ông Thảo còn khẳng định: "Hài cốt của ông Thực còn nguyên trong tiểu sành, chúng tôi chỉ xin bi đông mang về nhà làm kỷ niệm, còn tiểu sành thì quy tập về nghĩa trang địa phương".
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi qua cuốn băng ghi hình thì đất hoàn toàn là đất cát mềm, tơi xốp, không gây khó khăn cho người đào. Các mẩu xương đều đã vụn vỡ lố nhố như những viên bi ve đủ kích cỡ. Duy chỉ có hai đoạn xương ống dài khoảng 20cm không rõ của bộ phận nào.
Bi đông nước tìm thấy có tên liệt sỹ Trần Thực.
Máu thịt không phải chuyện đùa
Tất cả thân nhân liệt sỹ, tay ai nấy đều run run hồi hộp khi đón hài cốt của người nhà mình để tắm nước thơm theo lệ. Còn với Mẫn Thị Duyên thì cảm xúc hoàn toàn ngược lại. Dường như thị đã quá quen với hành động này và vô cảm trước một việc làm thiêng liêng. Xương cốt nhặt ra được rửa sạch bằng rượu và nước thơm như nghi thức tắm rửa cho hài cốt của người đã khuất. Sau đó, tất cả lại được đổ vào trong tiểu, lẫn với lớp đất cát màu đen vừa được đào lên mà theo Thuỷ và Duyên thì đó là phần đất mà máu thịt của liệt sỹ đã tan vào.
Thuỷ liên tục nói, số xương cốt tìm được như của gia đình liệt sỹ Trần Thực là quá nhiều, hơn hẳn những gia đình khác. “Cậu” còn giải thích điểm này là đất cát bị bồi và xô liên tục nên xương nằm rải rác. Lời nói của "cậu" đã bắt đầu có những mâu thuẫn khiến người ta phải nghi ngại: Nếu đất cát bị bồi và xô liên tục thì liệu hài cốt của liệt sỹ Trần Thực dù ở vị trí này thật thì có còn không?
Thất kinh xem vong nhập và vong... kêu mệt Trong đoạn video gia đình cung cấp, PV thấy rõ cảnh “cậu Thuỷ” “thẩm vấn vong” liệt sỹ. “Cậu” chỉ từng người rồi hỏi đó là ai, vợ ai, con ai, quan hệ với “vong” ra sao. Điều kỳ lạ là có những thế hệ chưa từng gặp liệt sỹ khi còn sống thì “vong” vẫn trả lời vanh vách. Con cháu còn xúm lại mời rượu, mời nước nhưng “vong” chỉ lắc đầu và kêu mệt nên muốn nằm nghỉ. | |
Mời bạn xem thêm: Ngôi biệt thự 'hoành tráng' của thầy rởm 'cậu Thuỷ'
Hồng Long (NĐT)