Chỉ một năm sau khi được phóng lên vệ tinh, tại đảo Phú Quốc, VNPT đã khánh thành trạm thu phát sóng Vinasat-1 của đài viễn thông Hàm Ninh, Kiên Giang. Đây là huyện đảo đầu tiên được lắp đặt trạm thu phát vệ tinh Vinasat-1.
Huyện đảo hết nỗi lo... ách tắc đường truyền
Việc đưa trạm thu phát vào hoạt động giúp khắc phục được tình trạng ách tắc đường truyền do cách trở biển đảo, góp phần phủ sóng phát thanh-truyền hình trên toàn huyện đảo. Thế là từ đây bà con huyện đảo có thể được xem những bộ phim qua truyền hình vệ tinh với độ nét cao, chất lượng tốt và ổn định không khác gì trong đất liền.
Trạm thu phát vệ tinh này do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đầu tư với tổng vốn 257.000 USD. Đặc biệt, VNPT Kiên Giang còn có dự án khai thác hiệu quả thông qua các thiết bị thông tin mới, nhằm phục vụ kịp thời công tác phòng chống thiên tai, bão lũ cho huyện đảo có địa hình phức tạp. Bà con vùng đảo này sẽ có thể yên tâm hơn vì sẽ được cập nhật thường xuyên các thông tin bão lũ.
Xa hơn nữa, trong chương trình kiện toàn mạng lưới viễn thông huyện đảo Phú Quốc 2008-2010, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam sẽ triển khai lắp đặt thêm một trạm thu phát Vinasat-1 nữa tại xã đảo Thổ Châu để đáp ứng tốt công tác thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình tại đây.
Trao đổi với các kĩ thuật viên tại đài viễn thông Hàm Ninh, chúng tôi mới hiểu hết những khó khăn vất vả khi triển khai các thiết bị viễn thông tại đây. Đó là không khí biển mặn chát khiến các thiết bị thường xuyên bị gỉ sét, tiếp xúc kém. Đó là những khó khăn khi vận chuyển thiết bị từ đất liền ra đảo. Đó là sự hấp thụ sóng vô tuyến khiến cự li phủ sóng chỉ bằng một phần 5 tới một phần 10 trong đất liền… Thế những, với quyết tâm bằng mọi cách mang dịch vụ tốt nhất tới mọi người dân trên đảo, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông tin của người dân.
Diện mạo mới cho xã vùng biên
Xã Ý Tý cao hơn 2.000m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 75km. Có hai con đường chính để lên Ý Tý: Từ bản Vược lên Mường Vi, qua bản Xèo, Mường Hum, Sảng Ma Sáo, Dền Sáng rồi vượt qua con dốc Ngải Chồ; đường thứ hai đi từ Cốc Mì, Trịnh Tường, Vĩ Cạp, qua dốc Bản San. Cả hai con đường đều khó đi với những tảng đá sắc nhọn nhô lên chực cắm vào bánh xe của người đi đường.
Lần lên Ý Tý này chúng tôi chọn con đường thứ nhất, vì nghe đâu con đường thứ hai bị trận lũ năm ngoái đến nay nhiều đoạn sạt lở chưa khắc phục được. Con đường thứ nhất phải đi qua Mường Hum xa hơn, sương giăng ngút ngàn che khuất tầm mắt. Đặt chân đến Ý Tý, chúng tôi dừng tại quán nước ven đường. Một bà cụ 70 tuổi đẹp lão chạy ra trên tay cầm điện thoại không dây nói chuyện rôm rả rồi vẫy tay ra hiệu chúng tôi ngồi và chờ cụ một lát.
Khoảng 15 phút sau cụ dừng cuộc điện thoại quay sang nói với chúng tôi: "Hai chị thông cảm, con gái tôi dưới xuôi gọi lên". Qua câu chuyện cụ kể, chúng tôi được biết, cụ tên Đoàn Thị Gửi người gốc Hải Phòng, lấy chồng Nam Định rồi theo chồng lên Ý Tý từ năm 1964.
Xã Ý Tý chủ yếu là người dân tộc Hà Nhì, còn lại là người Mông, Dao, Kinh. Thu nhập chính của dân nơi đây dựa vào thảo quả. Cây thảo quả được bán chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, để làm gia vị thức ăn và gia vị của thuốc. Chuyện vẫn chưa kết thúc thì cụ Gửi lại có điện thoại. Giọng cụ to và dõng dạc nói: "ừ, ngày mai mẹ bắt xe xuống ngay".
Đặt máy điện thoại xuống cụ nói như trình bầy: "Cháu ngoại của tôi sốt mấy hôm rồi. Nó được ba tuổi mà bố mẹ nó đi làm suốt không ai chăm. Có lẽ mai tôi phải bắt xe xuống Lào Cai. May mà bây giờ điện thoại không bị mất sóng. Cách đây mấy tháng, con cái muốn gọi điện lên hỏi thăm bố mẹ, chưa nói hết câu đã mất sóng".
Năm 2002, xã Ý Tý bắt đầu tiếp cận với điện thoại bàn có dây. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện sử dụng điện thoại bàn. Chi phí lắp đặt một chiếc điện thoại bàn của bưu điện, giá cước hàng tháng cao nên hầu như chỉ gia đình có điều kiện mới dám sắm một chiếc điện thoại bàn.
Giữa năm 2008, Vinasat-1 phủ sóng, điện thoại bàn không dây lan khắp các ngôi nhà của bà con dân tộc Ý Tý. Cụ Gửi khoe: “Nhà tôi bây giờ có ba chiếc điện thoại bàn không dây của G-Phone. Tôi một cái, ông nhà tôi một cái, con dâu tôi một cái, cứ mang theo bên mình như điện thoại di động. Mỗi tháng ba máy mới chỉ mất 200.000 đồng tiền điện thoại”.
Anh Phe Che Sứ, dân tộc Hà Nhì, thôn Ngải Trồ, xã Ý Tý cho biết: "Xung quanh thôn, nhà nhà dùng điện thoại bàn không dây. Điện thoại thì không mất tiền mua, lại được hỗ trợ 200.000 đồng khi lắp đặt. Mỗi tháng thuê bao chỉ mất 7.000 đồng, rồi dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu".
Chiến sĩ Mai Quang Tuấn quê ở Hải Hậu, Nam Định, công tác tại Đồn Biên phòng xã Ý Tý được hơn hai năm chia sẻ, "Trước kia không có sóng di động nên nhiều chiến sĩ có di động mang lên đây cũng chỉ để ngắm mà thôi. Bây giờ có sóng di động rồi thì rảnh lúc nào các chiến sĩ đều gọi cho gia đình và đặc biệt là cho người yêu". Nhưng đường điện thoại luôn bị nghẽn mạng và không gọi được.
Nhắc đến chuyện người yêu, chiến sĩ Nguyễn Văn Biên thêm vào câu chuyện: "Trước kia ở đây không có sóng di động, muốn gọi điện cho người yêu, mình toàn phải chạy xe ôm xuống tận xã Mường Hum mới bắt được sóng".
Giám đốc Trung tâm viễn thông Bát Xát (thuộc Công ty viễn thông Lào Cai), ông Cồ Bá Hội cho biết: "Sẽ có 39 máy điện thoại cố định của UBND xã Ý Tý, xã A Lù và đồn biên phòng, trạm y tế khu vực, điểm bưu điện văn hoá xã, trạm giao dịch vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, trạm cung cấp vật tư nông nghiệp... được lắp đặt sử dụng đường truyền dẫn vệ tinh Vinasat-1 để bảo đảm thông tin liên lạc".
Trên thực tế, công nghệ viễn thông sử dụng đường truyền vệ tinh không phải quá mới mẻ tại Việt Nam, và đã từng được công ty viễn thông quốc tế VTI (thuộc VNPT) sử dụng từ những năm 80 của thế kỉ trước với vệ tinh InterSputnik của Liên Xô cũ.
Trước đây, các huyện vùng sâu vùng xa như Mường Lát, Tén Tằn, Hiền Kiệt của Thanh Hoá cũng từng được phủ sóng viễn thông bằng đường truyền vệ tinh iPSTAR của Thái Lan. Khi Việt Nam đã có vệ tinh Vinasat-1, các antena chảo vệ tinh tại các huyện vùng sâu này cũng sẽ xoay hướng về Vinasat-1 để chủ động hơn về đường truyền.
Tuy nhiên, khi đã có Vinasat các dịch vụ viễn thông phục vụ vùng sâu vùng xa sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn rất nhiều bởi không phải chịu mức cước thuê kênh vệ tinh đắt đỏ như trước kia. Do đó, trong thời gian tới, cùng với các huyện Ý Tý, A Lù của Lào Cai, sẽ còn nhiều huyện vùng sâu vùng xa trên lãnh thổ Việt Nam được phủ sóng viễn thông nhờ Vinasat-1.
Ông Tráng A Lữ, Phó Chủ tịch Xã Ý Tý, cho biết: "Xã có 730 hộ dân và trên 4.000 nhân khẩu. Vinasat-1 tạo cho Ý Tý một bộ mặt khác".
Theo VnMedia