Năm 2015 qua đi, chúng ta đã chứng kiến sự vươn lên của nhiều thương hiệu trẻ với những sản phẩm tốt, sự thay đổi của nhiều thương hiệu lớn, cũng như rất nhiều công nghệ mới được tích hợp thêm trên các smartphone như cảm ứng lực 3D Touch trên Apple iPhone 6S, màn hình 4K đầu tiên trên SONY Xperia Z5 Premium, bảo mật mống mắt trên Lumia 950..vv.
Vậy, các mẫu smartphone trong năm nay sẽ như thế nào? Hãy cùng Techz dự đoán nhé.
#1 Phân khúc smartphone tầm trung giá rẻ sẽ ngày càng đa dạng
Trước đây, khi nghĩ tới smartphone giá rẻ, chúng ta thường nghĩ tới các thương hiệu không nổi tiếng, bị cắt giảm hầu hết các tính năng, phần cứng và không đủ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nay chúng ta đã có thể dễ dàng sở hữu một smartphone giá rẻ nhưng lại rất tốt, đầy đủ tính năng.
Xiaomi, Huawei, Moto..vv là những cái tên được chú ý rất nhiều trong năm vừa qua với rất nhiều sản phẩm có chất lượng rất tốt về mọi mặt như thiết kế, phần cứng lẫn phần mềm. Chỉ trong tầm giá dưới 5 triệu, các sản phẩm đã sở hữu một cấu hình rất cao: màn hình lớn có độ phân giải HD, fullHD, thậm chí cả 2K như trên các sản phẩm của OnePlus; chip có tốc độ xử lý cao, RAM từ 2GB trở lên, camera độ phân giải cao..vv không thua gì các smartphone cao cấp.
OnePlus 2, smartphone giá rẻ cấu hình cao. Ảnh: Internet
Ngoài cấu hình tốt, đa phần những chiếc smartphone giá rẻ tiêu biểu đều sở hữu những thiết kế rất đẹp, ấn tượng, đạt độ hoàn thiện cao, độ bền tốt. Về phần mềm, các máy đều đã được cập nhật lên các bản Android Lollipop mới, và sẽ sớm được update lên Marshmallow trong thời gian sắp tới.
Năm nay, có lẽ sẽ có thêm rất nhiều nữa những đại diện tiêu biểu cho phân khúc giá rẻ, hứa hẹn đem đến cho người dùng các sản phẩm tuyệt vời. Và có lẽ, đây cũng sẽ trở thành một trong những xu thế chủ đạo của thị trường smartphone năm nay.
#2 Thiết kế kim loại không còn chỉ dành cho phân khúc cao cấp nữa
Khi lựa chọn một chiếc điện thoại, thứ đầu tiên mà chúng ta thường nhắm tới có lẽ sẽ là bề ngoài, là thiết kế của máy. Những năm trước đây, các smartphone đa số được hoàn thiện bằng nhựa, vật liệu tuy nhẹ nhưng lại khiến sản phẩm không bền trong quá trình sử dụng. Qua đó, việc sử dụng kim loại có lẽ là giải pháp thay thế tốt cho nhựa, tuy giá thành sản xuất có thể mắc hơn một chút, nhưng kim loại khiến cho chiếc điện thoại của chúng ta sang trọng, đẹp hơn cũng như đạt được một độ bền cao hơn trong quá trình sử dụng.
SAMSUNG Galaxy A series 2016. Ảnh: Internet
Nắm bắt được xu thế đó một số hãng điện thoại đã cho ra đời một số smartphone có sử dụng nhôm, thép hay ma giê, tiêu biểu như Apple iPhone 4 với bộ khung thép đã từng khuynh đảo thị trường một thời. Sau đó, lần lượt các nhà sản xuất khác cũng đã dần chuyển sang sử dụng kim loại cho các smartphone của mình nhiều hơn ở các phân khúc cao cấp, trung cấp.
Năm 2015 vừa qua cũng đã có một số nhà sản xuất như SAMSUNG, Xiaomi, Huawei đã lần lượt đem đến những smartphone có thiết kế kim loại rất đẹp ở phân khúc giá rẻ và trung cấp. Điều đó cho thấy năm nay sẽ là năm mà thiết kế kim loại sẽ thay thế nhựa, chiếm phần lớn trên các smartphone ở mọi phân khúc, mọi thị trường.
#3 Màn hình 4K liệu có bùng nổ, hay sẽ chỉ dừng lại ở 2K
Sau khi Oppo Find 7, chiếc smartphone 2K đầu tiên được ra mắt năm 2014, đến nay các hãng sản xuất đã trang bị màn hình 2K lên rất nhiều các smartphone của họ, chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp. Và năm 2015 vừa qua, SONY cũng đã chính thức ra mắt chiếc Xperia Z5 Premium với màn hình 4K đầu tiên, đánh dấu tiếp một bước ngoặt trên cuộc đua độ phân giải màn hình của các smartphone trên thị trường.
SONY Xperia Z5 Premium. Ảnh: Internet
Việc trang bị màn hình độ phân giải cao, sẽ khiến thiết bị gặp phải 2 vấn đề khó giải quyết. Đó là thời lượng pin bị giảm và giá thành sản phẩm sẽ bị tăng lên. Hiện tại, cả hai vấn đề này trên màn 2K đang dần dần được khắc phục, mang lại hiệu quả khá rõ rệt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, màn hình 4K có thật sự cần thiết khi mà sự khác biệt về hiển thị là không nhiều, kèm theo giá thành và pin, khả năng xử lý của máy sẽ có điểm yếu?
Quay phim 4K ngày nay cũng đang dần trở nên phổ biến, do đó việc các thiết bị cần có màn 4K để đem lại trải nghiệm tốt hơn là đương nhiên. Vậy, liệu màn hình 4K có bùng nổ và trở thành một cuộc đua cấu hình nữa, hay màn 2K sẽ trở nên phổ biến hơn, chúng ta vẫn cần phải chờ thêm một thời gian nữa.
#4 Bảo mật vân tay cùng khả năng thanh toán điện tử sẽ trở nên phổ biến
Sau sự ra mắt của iPhone 5S với TouchID tại WWDC 2013, đến nay đã có rất nhiều smartphone được trang bị cảm biến vân tay cho độ bảo mật cao và tiện hơn mật khẩu thông thường rất nhiều.
Năm vừa qua, bên cạnh việc trang bị cảm biến vân tay trên tất cả các sản phẩm cao cấp, thì một số hãng sản xuất còn đem cảm biến vân tay lên cả sản phẩm tầm trung và tầm thấp, như HTC với A9, Xiaomi xxx,..vv. Có lẽ trong năm nay, việc trang bị đầu đọc vân tay sẽ được bổ sung ở phần lớn các smartphone và trở thành tính năng cơ bản, phổ biến hơn là một tính năng cao cấp.
TouchID - Cảm biến vân tay trên iPhone. Ảnh: Internet
Đi kèm với đó là sự phát triển của thanh toán điện tử đang ngày tiếp cận và thu hút thêm nhiều người sử dụng bởi tính tiện dụng, thoải mái, và có độ bảo mật cao hơn các phương pháp thanh toán thông thường. Sau việc sử dụng giao tiếp NFC và Bluetooth, gần đây với sự kết hợp của bảo mật vân tay, có lẽ sắp tới việc thanh toán bằng điện thoại sẽ trở thành một xu hướng phổ biến trong đời sống hàng ngày của chúng ta
#5 Tiềm năng của bảo mật bằng mống mắt
Bảo mật sinh trắc học đang dần trở nên phổ biến trên các thiết bị. Sau sự phát triển của bảo mật vân tay, trong năm vừa qua, gã khổng lồ Microsoft cũng đã giới thiệu Lumia 950/950XL với tính năng bảo mật mống mắt rất tiện dụng và an toàn, đầy hứa hẹn.
Vậy, bảo mật mống mắt có những ưu điểm gì so với các hình thức bảo mật khác? Nói ngắn gọn, bảo mật mống mắt rất nhanh, rất an toàn, và rất ổn định. Mở rộng ra, mống mắt là thứ đặc trưng và không thay đổi trong suốt cuộc đời con người; cảm biến sử dụng máy quét sóng để ghi lại cấu trúc phức tạp của mống mắt với tốc độ cực nhanh và sai số cực thấp. Tuy nhiên giá thành để tích hợp công nghệ này là khá cao, đi với đó là chưa nhiều thiết bị hỗ trợ cũng là hạn chế của thiết bị này.
Bảo mật mống mắt, tương lai của bảo mật di động. Ảnh: Internet
Với các tính năng như vậy, chắc chắn bảo mật mống mắt rất tiềm năng và có thể sẽ sớm được trang bị trên các smartphone trong năm nay, gia tăng thêm tính bảo mật cho các thiết bị.
#6 USB Type C
Đây là một đề tài đang rất nóng hổi và trở thành tâm điểm của rất nhiều sự chú ý trong một vài năm trở lại đây, một số nhà sản xuất cũng đã bắt đầu tích hợp cổng kết nối này vào thiết bị của họ. Vậy, USB-C có thể trở nên phổ biến trong năm nay không?
USB Type C. Ảnh: Internet
Nói kỹ thêm một chút về USB-C, cổng kết nối này có thể tích hợp rất nhiều thành phần giao tiếp khác, như là nguồn, truyền dữ liệu, truyền hình ảnh..vv tất cả đều được đem vào chỉ trong một cổng kết nối duy nhất. Ngoài ra, các đầu cắm USB C đều có khả năng cắm ở cả hai mặt tương tự cáp Lightning của Apple, tăng tính tiện dụng cho người sử dụng. Có thể nói USB C là một bước tiến lớn trong việc sản xuất các thiết bị công nghệ, giúp các sản phẩm mỏng, nhẹ hơn và trên hết, cải thiện trải nghiệm người dùng hơn trước rất nhiều.
Năm tới đây, gần như chắc chắn USB C sẽ sớm trở thành chuẩn chung trên các smartphone nói riêng và các thiết bị công nghệ nói chung. Điều đó góp phần tạo nên một hệ sinh thái mới và xóa bỏ rào cản giữa các thiết bị khác nhau, cũng như cắt giảm giá thành sản xuất rất nhiều.
#7 Cuộc chiến độ phân giải camera trên smartphone đã dừng lại
Độ phân giải, hay gọi đơn giản là “chấm” trên smartphone đã từng là tiêu chí mà người dùng thường cân nhắc rất nhiều khi họ chọn mua một số điện thoại do lầm tưởng số “chấm” quyết định chất lượng hình ảnh. Đã từng có lúc các smartphone có số “chấm” lên tới 13, rồi 16, 20, thậm chí là 41 megapixel nhưng lại không có chất lượng hình thỏa mãn nhu cầu người dùng.
Độ phân giải chỉ quyết định độ chi tiết của hình ảnh mà thôi, có nghĩa là khi bạn zoom vào sẽ bớt bị vỡ hơn. Điều mà các hãng smartphone quên đi đó chính là chất lượng hình ảnh, đa số các smartphone đều bị bệt màu đến tệ hại, hình ảnh bị mờ và không thể dùng được mặc dù có độ phân giải cao ngất ngưởng.
Cuộc chiến độ phân giải camera trên smartphone đã dừng lại. Ảnh: Internet
Nắm bắt được xu thế đó, thời gian gần đây có vẻ các nhà sản xuất đều đã dừng việc đua về độ phân giải lại, tập trung cải thiện các thuật toán phần mềm, cũng như chất lượng phần cứng của camera để tăng chất lượng hình ảnh. Năm 2016 này, có lẽ việc bổ sung các tính năng mới và tiếp tục nâng cấp về chất lượng hình ảnh sẽ là tâm điểm cho camera trên smartphone.
#8 Âm thanh trên các thiết bị di động sẽ được cải thiện
Ngày nay xu hướng giải trí tiện dụng trên smartphone đang được quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, đa số các smartphone đều có chất lượng âm thanh không tốt như một số thiết bị giải trí chuyên dụng. Mặc dù một số nhà sản xuất đã tích hợp chip âm thanh, hay công nghệ lọc âm, loa tần suất lớn vào máy, nhưng do phần mềm chưa tối ưu và phần cứng chưa thực sự tốt, nên không tạo ra sự khác biệt.
Âm thanh trên các thiết bị di động cao cấp đang cần được cải thiện. Ảnh: Techz.vn
Trong năm nay, sau khi camera, màn hình..vv đã đạt được một độ hoàn thiện nhất định ở mọi chiếc máy, các nhà sản xuất nên bổ sung và cải thiện thêm chip âm thanh trên các smartphone của họ. Khả năng xử lý âm thanh tốt hơn sẽ góp phần rất lớn vào tăng khả năng giải trí cho người sử dụng.
#9 Công nghệ sạc nhanh mới Quick Charge 3.0
Bắt đầu với Quick Charge 1.0, giải pháp sạc nhanh đầu tiên cho smartphone, Qualcomn đã có rất nhiều bước tiến tích cực trong việc phát triển công nghệ sạc nhanh của mình. Năm 2014, Qualcomn đã rất thành công với Quick Charge 2.0 cho khả năng sạc nhanh hơn tới 75% so với cách sạc truyền thống mà không hề gây nóng máy hay ảnh hưởng tới độ bền của thiết bị.
Quick Charge 3.0. Ảnh: Internet
Tháng 9/2015, Quick Charge 3.0 đã được ra mắt, với nhiều tính năng nâng cấp mới, nhanh hơn QC 2.0 tới 38% và nhanh hơn gấp đôi so với sạc truyền thống. Tính năng này sẽ có mặt trên các chip 820, 620, 618, 430 sẽ xuất hiện phổ biến vào năm nay, và tương thích ngược với QC 2.0, 1.0.
#10 Màn hình cảm ứng lực liệu đã sẵn sàng?
Với sự ra mắt của tính năng Force Touch trên MacBook và sau này là 3D Touch trên iPhone 6S, Apple đã bước đầu đi tiên phong trong việc sử dụng màn hình cảm ứng lực nhấn trên các thiết bị của mình. Theo như các đánh giá, tính năng này khá tốt và tạo nên sự khác biệt, tuy nhiên các phần mềm hiện tại vẫn chưa đáp ứng được hết nên vẫn có một số hạn chế nhất định.
3D Touch. Ảnh: Internet
Với các smartphone khác như Android hay Windows Phone thì sao? Việc áp dụng màn hình cảm ứng lực lên smartphone vẫn đang rất mới mẻ và chờ được khai thác. Năm nay, rất có thể các nhà sản xuất khác cũng sẽ đem màn hình cảm ứng lực lên sản phẩm của mình với các tính năng khác nhau. Tuy nhiên điều cần chú trọng nhất có lẽ là phần mềm tối ưu hơn là phần cứng của sản phẩm. Chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng và trông chờ tính năng này sẽ được tối ưu và phổ biến hơn trong thời gian tới, dù tất cả vẫn chỉ đang là phỏng đoán.
THAY CHO LỜI KẾT
Công nghệ ngày càng phát triển đa dạng, và người dùng ngày càng có thể sở hữu smartphone với nhiều tính năng mới, tốc độ xử lý mạnh mẽ hơn ở nhiều mức giá khác nhau. Năm 2016 mới đây sẽ là năm mà thị trường smartphone trở mình rất mạnh mẽ, cũng là năm quyết định thành bại của nhiều nhà sản xuất smartphone lớn trên thế giới. Sớm thôi, chúng ta sẽ được chứng kiến điều đó, hãy cùng chờ xem!