Blog công nghệ

Cuộc chiến camera phone 2016: Khi "số chấm" không còn quan trọng

Cuộc chiến camera phone 2016: Khi

Ngoài việc đòi hỏi màn hình hiển thị thật sắc nét và trung thực, hiệu năng vượt trội, chiếc điện thoại bắt buộc phải có camera chụp thật đẹp, mới dễ dàng được sự chú ý và quan tâm của người dùng mua sắm. Việc chú trọng đặc biệt đến chất lượng ảnh chụp, đầu tiên phải kể đến Nokia, hãng đã dùng kính quang học Carl Zeiss từ dòng N73 và camera 2.1 MP rất “bá đạo” tại thời điểm ra mắt cách đây 11 năm. Bên cạnh đó, hãng Sony không hề tỏ ra thua kém khi cho ra mắt dòng điện thoại chụp ảnh Cybershot vốn một thời rất nổi tiếng với chất lượng ảnh khá đẹp.

Lumia 1020 tạo điểm cuốn hút đặc biệt với người dùng thông qua camera sau lên đến 41 MP

Bộ cảm biến và tính năng đi kèm

Nếu không am hiểu sâu về nhiếp ảnh, người dùng đơn giản chỉ quan tâm đến thông số megapixel lớn hay nhỏ, vốn đã được nhà sản xuất thường quảng cáo hoành tráng và in phô trương gần vị trí camera sau của máy. Trong khi thực tế, thông số về megapixel chỉ đúng một phần nhỏ, không phải là yếu tố chủ chốt để quyết định đến chất lượng ảnh đẹp hay xấu. Bởi lẽ, chất lượng ảnh chụp từ điện thoại lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau gồm có: cảm biến, thấu kính và cả thuật toán xử lý hình ảnh của mỗi dòng thiết bị.

Cảm biến có kích thước lớn cho khả năng thu và xử lý ánh sáng tốt hơn, chất lượng hình ảnh tốt hơn với độ chi tiết cao hơn và màu sắc trung thực hơn. Ngược lại, cảm biến nhỏ hơn dẫn đến việc mỗi điểm ảnh riêng biệt cũng nhỏ hơn nên độ nhiễu cao và dễ bị hiện tượng bệt màu khi chụp những nơi nguồn sáng yếu. Ngoài ra, người dùng cũng nên quan tân đến độ nhạy sáng của cảm biến, cùng khả năng xử lý mức độ nhiễu hình ảnh.

Chất lượng ảnh không đơn giản chỉ phụ thuộc vào con số megapixel

Yếu tố khác mà người dùng phổ thông, đặc biệt là chị em phụ nữ rất ít quan tâm, đó chính là khẩu độ ống kính, vừa giúp kiểm soát nguồn ánh sáng đi vào máy ảnh, vừa làm chủ được độ sâu trường ảnh, giúp ích rất nhiều cho việc chụp ở những nơi ánh sáng hơi thấp, thể loại chân dung và chụp cận cảnh. Bên cạnh đó, mỗi hãng sản xuất đều có cách tối ưu chất lượng hình ảnh thông qua thuật toán riêng, điều này cũng rất quan trọng trong việc quyết định độ sắc nét và màu sắc có đúng với cảnh vật thật hay không. Đối với những dòng máy cận cao cấp trở lên, nhà sản xuất mới tích hợp công nghệ chống rung quang học và kĩ thuật số, giúp điện thoại giảm thiểu hiện tượng nhoè hình do những rung động trong quá trình chụp hình, quay video.

Chẳng hạn như, chiếc điện thoại HTC One trang bị camera sau 4 MP theo công nghệ UltraPixel với khẩu độ f/2.0, hỗ trợ chống rung quang học và thuật toán xử lý hình ảnh tối ưu. Trong khi đó, nhiều dòng điện thoại giá rẻ khác ra mắt cùng thời điểm, trang bị camera sau từ 8 MP cho đến 13 MP nhưng chất lượng ảnh chụp thực tế lại hoàn toàn thua kém HTC One, thể hiện rõ nhất ở điều kiện chụp thiếu sáng.

HTC One tuy trang bị camera sau 4 MP nhưng công nghệ UltraPixel đủ áp ảo đảo dòng điện thoại giá rẻ với camera 13 MP

Dấu hiệu cho thấy những thay đổi

Các hãng điện thoại lớn vẫn đang tìm cách cân bằng giữa "số chấm" và độ lớn của cảm biến nhằm hướng tới khả năng chụp ảnh chuyên nghiệp hơn cũng như mở rộng các hoạt cảnh, môi trường chụp ảnh. Số chấm càng cao, bộ lưu trữ càng phải lớn và đôi khi người dùng không cần thiết phải có những bức ảnh thật sắc nét để chia sẻ. Điều mà người ta hướng tới là góc nhìn, tình cảm gửi gắm trong bức ảnh nhiều hơn việc khoe "mình chụp nét không".... Bởi vậy, độ nét đến hiện tại chỉ là thứ yếu.

Sau các cuộc chạy đua, thử nghiệm qua rất nhiều đời smartphone, các hãng bắt đầu nghiệm ra rằng, sự thay đổi về chất lượng phần cứng mới đem lại hiệu quả rõ rệt cho các bức ảnh. Kích thước cảm biến lớn hơn, khẩu độ to hơn sẽ giúp thu photon tốt hơn và bức ảnh sẽ trong trẻo hơn. Bên cạnh đó, những yếu tố về thấu kính, chống rung quang học, zoom quang học đang dần được nhắc tới. 16MP, 21MP, 23MP hay 41MP không còn quá quan trọng. Chụp nhanh, ảnh đẹp, chụp đêm tốt, ứng dụng nhiều tính năng, lưu trữ rộng rãi mới là điều người dùng quan tâm.

Những dấu hiệu cho thấy, các hãng bắt đầu tìm kiếm những giải pháp mới thay vì nhồi nhét nhiều pixel trên camera smartphone. Apple không chạy theo cuộc đua số chấm nhưng vẫn cho thấy hiệu quả trong trải nghiệm chụp ảnh. Mới đây, hãng đã gia tăng độ phân giải lên mức 12MP để người dùng cắt cúp, chỉnh sửa thoải mái hơn và coi đây là tiêu chuẩn trong tương lai, Apple cũng sẽ không gia tăng thêm nữa.

Samsung sau một thời gian làm quen với cảm biến 16MP, mở rộng độ lớn cũng như gia tăng khẩu độ cũng đã nhận ra được rất nhiều yếu tố mà "số chấm" dường như chưa giải quyết được. Với F/1.9, camera trên Galaxy S6 cho thấy khả năng chụp đêm tương đối "bá đạo" của mình. Mới đây, Gã khổng lồ Hàn Quốc được cho là sẽ đưa độ phân giải về mức 12MP và gia tăng các kích thước cho cảm biến nhằm đem lại hiệu suất chụp ảnh tốt hơn.

HTC là người đã theo đuổi khái niệm Ultrapixels từ rất lâu với camera chỉ 4MP, thực tế, những hình ảnh cho ra từ One M8, One M7 đều hết sức ấn tượng. Cái không thành công của hãng là độ phân giải quá thấp cùng với thiết kế không thay đổi theo thời gian. Việc quay về với cảm biến thông thường, độ phân giải 20.6MP khiến HTC đánh mất đi vị trí cao trên bảng xếp hạng cameraphone. Liệu rằng, họ sẽ sớm mang Ultrapixels quay trở lại trong thời gian tới?

Yếu tố khác

Phần lớn người dùng hiện nay thường chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội như Facebook và Instagram để vừa lưu lại những kỷ niệm đẹp, vừa chia sẻ các khoảnh khắc đẹp ấy với bạn bè khắp nơi. Thực tế cho thấy, điện thoại có camera lên đến 23 MP đến từ Xperia Z5 hoặc dừng lại ở mức 8 MP như iPhone 6 sau khi đã chụp ảnh và đăng trên trên Facebook, rồi xem lại trực tiếp bằng màn hình điện thoại, thậm chí lên cả màn hình vi tính hoặc TV với kích thước khoảng từ 23 inch trở xuống, tất cả đều không có sự chênh lệch rõ ràng về độ sắc nét.

Chụp ảnh để đăng lên Facebook, camera sau không cần phải trang bị thông số MP quá khủng

Nhiều dòng điện thoại giá rẻ có camera sau 13 MP với thuật toán xử lý và nén ảnh khá tệ, dẫn đến việc cho chất lượng ảnh không những thua kém các sản phẩm đến từ Samsung, HTC và Apple với camera sau chỉ cần 8 MP, mà ngay cả dung lượng tập tin ảnh khá lớn, chưa tương xứng giữa chất lượng và dung lượng tận tin ảnh.

Thay cho lời kết

Một chiếc điện thoại cho chất lượng ảnh chụp đẹp không đơn giản chỉ lấy số megapixel ra “hù” người dùng, mà quan trọng hơn nằm ở bộ cảm biến, loại ống kính, khẩu độ, tích hợp những tính năng cao cấp ra sao… Bên cạnh đó, thuật toán xử lý hình ảnh riêng của mỗi hãng sản xuất cũng góp phần căn chỉnh chất lượng hình ảnh làm sao cho giống nhất với cảnh vật thực tế bên ngoài.

Chưa kể đến việc người dùng phổ thông hiện nay có xu hướng chỉ chụp ảnh rồi chia sẻ lên mạng xã hội, hoặc lưu trữ để xem trực tiếp trên điện thoại hoặc máy tính. Chính vì vậy, điện thoại ở thời điểm này, chỉ cần trang bị camera sau 8 MP hoặc hơn chút 13 MP là đủ, không nhất thiết phải từ 16 MP trở lên, thay vào đó nên tập trung vào những yếu tố quan trọng vừa phân tích phía trên.

 

HTC M9 có camera kép 20MP ở mặt sau, 4MP UltraPixel ở mặt trước?

(Techz.vn) Thông tin này cũng phù hợp với những lần rò rỉ trước đây và hoàn toàn có thể xảy ra.