Ứng dụng

Material Design là gì, lợi ích của Material Design như thế nào? (Kì 1)

Material Design là gì, lợi ích của Material Design như thế nào? (Kì 1)

Phong cách thiết kế Material Design nhắm đến những đường nét đơn giản, sử dụng nhiều mảng màu đậm nổi bật, các đối tượng đồ họa trong giao diện dường như: “trôi nổi” lên. Ngoài ra, nó còn bao gồm cả những hiệu ứng chuyển động tự nhiên khi các nút, menu hiện diện trên màn hình. Tất cả đều nhằm mang lại cho người dùng trải nghiệm mới mẻ hơn, thú vị hơn và gần giống đời thực hơn.

Material Design - một phong cách thiết kế giao diện mới của Google.

Sơ lược về Material Design

Chúng ta có thể tưởng tượng các phần mềm được xây dựng dựa trên Material Design giống như nhiều tờ giấy khác nhau, mỗi tờ có một màu và bản thân nó tồn tại như một lớp riêng. Khi bạn chồng các tờ giấy này lên nhau thì bạn ra được giao diện chung của một ứng dụng. Các hiệu ứng đổ bóng của tờ này lên tờ khác cũng được mô phỏng lại trong Material Design. Vì giấy là các đối tượng tự nhiên, có thực ngoài đời nên khi chúng xuất hiện, khi mở ra, khi di chuyển…đều phải có điểm xuất phát và kết thúc, không thể nào đột ngột có mặt và biến mất được.

Ngoài ra, Google còn muốn các ứng dụng Material Design phải thật đơn giản, tinh gọn và không sử dụng các thành phần thừa. Theo hãng, việc xuất hiện của các nút, các menu thừa thải có thể gây rối cho người dùng, nó cũng chiếm không gian của nội dung chính và mọi chuyện sẽ càng tệ hơn khi app chạy trên các thiết bị nhỏ như đồng hồ thông minh.

Một số đặc điểm có thể dùng để nhận biết những ứng dụng Material Design như sau:

  • Sử dụng các màu nổi bật, thường có một mảng màu chủ đạo nằm ở cạnh trên ứng dụng
  • Các biểu tượng phẳng, đơn giản nhưng dễ hiểu
  • Một số ứng dụng sẽ có một nút tròn to nằm ở góc dưới bên phải, thường có chức năng tạo mới
  • Giao diện phẳng, ít hoặc không có hiệu ứng chuyển màu, có hoặc không có hiệu ứng đổ bóng đen
  • Menu, nút nhấn, chữ viết… có nhiều khoảng cách trắng nên trông thoáng đãng
  • Có các hiệu ứng chuyển động tự nhiên, dễ hiểu, có thể gợi ý cho một tính năng nào đó

Lợi ích của Material Design là gì?

Như đã nói ở trên, Material Design là một ngôn ngữ được Google tạo ra nhằm “phát triển một hệ thống nền duy nhất cho phép xây dựng các trải nghiệm đồng bộ giữa nhiều loại và kích thước thiết bị khác nhau. Việc thiết kế cho thiết bị di động được đặt lên hàng đầu, nó còn phải chú trọng đến việc nhập liệu bằng cảm ứng, giọng nói, chuột, bàn phím”.

Thông qua lời nói trên, chúng ta có thể thấy là Google muốn mang lại trải nghiệm thống nhất cho người dùng trong hệ sinh thái của hãng. Người dùng cuối như chúng ta sẽ có cảm giác quen thuộc hơn, dành ít thời gian để học hỏi hơn khi sử dụng cùng một app nhưng trên nhiều máy khác nhau. Các lập trình viên thì có thể đảm bảo rằng cách người dùng trải nghiệm app của họ là như nhau không quan trọng thiết bị đang chạy là gì. 

Hình ảnh minh hoạ giao diện thiết kế theo phong cách Material Design của Google.

Với những bạn nào đã dùng Android từ lâu thì Material Design cũng giống như một hơi thở mới cho nền tảng 7 năm tuổi này và tránh đi sự nhàm chán mà chúng ta đã phải nhìn thấy trong vòng nhiều năm liên tục. Nhờ có các màu sắc vui vẻ và sinh động hơn, hiệu ứng chuyển động mượt mà hơn, chúng ta sẽ cảm thấy như đang cầm trong tay một chiếc điện thoại mới...

Mời quý bạn đọc đón xem tiếp kì 2 vào ngày 2.2.2015

Những ứng dụng được thiết kế theo phong cách Material Design

 

Ứng dụng Google Translate dịch chữ trên ảnh theo thời gian thực

(Techz.vn) Các ký tự trong hình ảnh của camera sẽ được máy đọc, dịch và hiển thị kết quả ngay lập tức thay vì qua nhiều bước như trước đây.