Câu chuyện cụ già ăn xin Nguyễn Văn Cưng (86 tuổi) tích cóp được 20 lượng vàng trong suốt 20 năm, đối với tôi không có gì là ngạc nhiên. Bởi cụ tằn tiện, không dám ăn xài, tích lũy từng đồng bạc bố thí 100.000-200.000 đồng/ngày để dành cuối tháng mua vàng về xỏ xâu, có được như ngày hôm nay cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng tôi không thích cách sống và lối suy nghĩ của cụ. Vì nó vừa làm khổ cụ, lại vừa khổ cho cả xã hội.
Tôi hiểu ăn xin mà biết tằn tiện, không hoang phí là điều rất đáng trân trọng. Nhưng dù là ai thì cũng nên có chừng mực, đường cùng thì hãy xin. Khi nào xin đủ thoát khỏi bần hàn thì nên kiếm việc khác mà làm để sống cho đàng hoàng và xứng đáng với những ân tình người dân góp tặng.
Chúng ta nên nhìn đúng bản chất vấn đề mà phải ánh, không thể lấy số tuổi nhiều hay ít để bao biện cho hành động lợi dụng lòng tốt, ăn bám tình thương của của cộng đồng được. Tôi đã gặp nhiều người tật nguyền, người già yếu, trẻ nhỏ,... nhưng họ vẫn cố gắng lao động tự nuôi sống bản thân, không bao giờ ngửa tay chờ sự bố thí của người khác. Họ thật đáng trân trọng.
Clip ghi lại tâm sự của cụ già ăn xin bị cướp 25 lượng vàng.
Còn một số người lành lặn, giả vờ đau khổ để lợi dụng lòng thương của mọi người, xin ăn qua ngày (thậm chí làm giàu), đối với tôi những con người đó thì rất đáng lên án.
Người Việt Nam thường mang sự thương hại khi nhận định một sự việc, nếu một người đáng thương phạm tội nặng thì các bạn giảm nhẹ, làm việc không đúng thì các bạn cho qua. Nhưng không bao giờ chúng ta nhìn vào bản chất của sự việc.
Nếu bạn có tiền mà đi ăn xin thì đó là bạn đang lợi dụng lòng tốt của mọi người, có thể nói nặng là lừa dối lòng tốt người khác. Những người đó, tôi cho là những kẻ khuyết tật từ chính tâm hồn. Không đáng để chúng ta phải rủ lòng thương. Cơ bản tôi chỉ bàn về bản chất của việc đi ăn xin chứ không nói về ông lão hay bất cứ ai cả.
Chúng ta cũng nên hiểu ăn xin không phải là nghề, mục đích của việc ăn xin là để kiếm sống qua ngày, chứ không phải để kiếm tiền mua vàng tích trữ. Nhưng rõ ràng ăn xin mang lại "lợi nhuận" rất cao. Chúng ta có thể thông cảm cho cụ Cưng là người già cả, nhưng hiện nay trong xã hội có rất nhiều người trẻ khoẻ vẫn đi ăn xin, và táng tận lương tâm là những người đã sống trên thân xác những người ăn xin.
Vì thế, lòng tốt của chúng ta phải đặt đúng chỗ, không nên phung phí lòng tốt cho những kẻ lười nhác, lợi dụng sự thương hại của cộng đồng.
Nhân đây, tôi cũng chia sẻ mọi người về một cụ bà Nguyễn Thị Giới (78 tuổi), đêm đêm cụ vẫn cặm cụi ngồi vá xe ở góc đường Lê Quang Định – Nguyễn Thị Đậu (quận Bình Thạnh, TP HCM). Đôi bàn tay già nua của cụ vẫn nhẫn nại cạy, vá lốp xe cho khách đến nay đã tròn 38 năm.
Tâm sự với cụ tôi mới biết cụ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc 8 tuổi, trôi dạt vào Sài Gòn ở đợ nhà người rồi đi làm thuê làm mướn kiếm cơm qua ngày. Cuộc đời của bà cụ vá xe đêm này dường như được mặc định với sự bất hạnh, cái nghèo, cái khổ. Nhưng cụ không bao giờ ngửa tay ra nhận tiền không của ai, dù chỉ một đồng.
Thay vì cho tiền những người ăn xin, còn rất nhiều hành động thiết thực hơn thế.
"Chẳng thà cái tay tôi không làm được, đành chịu. Còn làm ra tiền nhất định không ăn bám con và ngửa tay xin ai cả”, cụ Giới nói.
Hình ảnh cụ bà với những người ăn xin đều có chung hoàn cảnh là nghèo khó, nhưng cách sống và lối suy nghĩ của bà thì hoàn toàn đối lập với những người đó. Vậy ai mới là người đáng thương và trân trọng hơn?
Tôi sẽ không bao giờ cho tiền người ăn xin nữa, mà giúp họ bằng đồ ăn hoặc báo cho các trung tâm bảo trợ xã hội.
Qua đây, tôi muốn nói: thay vì chúng ta thương người nghèo thì hãy cho họ cần câu chứ đừng cho họ con cá, cũng giống như thay vì cho họ tiền thì chúng ta hãy tạo công ăn việc làm cho họ, hoặc đưa họ vào những trung tâm bảo trợ xã hội. Có vậy thì mới chấm dứt được vấn nạn ăn xin đường phố và đất nước mới ngày càng tươi đẹp và phát triển hơn.
Nhiều người đồng tình với quan điểm trên:
Không nên phung phí lòng tốt cho những kẻ lười nhác, lợi dụng sự thương hại của cộng đồng.
Đọc thêm: Rùng mình vụ 'cướp xác' người gặp tai nạn giao thông
Thu Thủy