Nhịp sống số

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam

Bitcoin chưa được chấp nhận tại Việt Nam

Không kể tới những giao dịch trong “thế giới ngầm” hay giữa các tổ chức rửa tiền, thì Bitcoin hiện chưa được coi là một loại hình tiền tệ chính thức hay hợp pháp ở Việt Nam.

Giới "đào mỏ" bắt đầu hình thành

Tuy vậy, việc “đào” bitcoin tại Việt Nam cũng đã manh nha từ vài năm trước, và đặc biệt thời gian gần đây đã được khá nhiều bạn trẻ trên các diễn đàn công nghệ đề cập, bởi với mức giá lên tới trên 1000USD/bitcoin thì chỉ cần may mắn đào được 1 lần, số tiền những người may mắn “bỏ túi” cũng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390104524215

Manh nha xuất hiện các hội/nhóm sử dụng Bitcoin tại Việt Nam

Tuy vậy, việc “đào” được Bitcoin hoàn toàn không phải dễ dàng. Như các phần trên đã giới thiệu, do càng ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào việc giải các block chain nên hệ thống đã tự động tăng cấp độ khó cho việc giải các bài toán lên rất nhiều lần. Điều này khiến cho việc sử dụng các hệ thống máy tính cá nhân nhằm “đào” bitcoin gần như là bất khả thi.

Trên nhiều diễn đàn, đã có nhiều tranh luận nổ ra nhằm tìm ra cỗ máy có tỉ lệ hiệu năng/giá thành tốt nhất cho việc “đào mỏ”. Tuy vậy, hầu hết đều phải công nhận, ngoại trừ khi đầu tư hẳn một dàn máy với CPU cũng như nhiều chip xử lý đồ họa cực mạnh, còn bằng không, việc đào được “Coin” là cực kỳ khó khăn. Số tiền đầu tư cho một dàn máy như vậy tối thiểu phải là hàng chục triệu đồng. Do đó, số lượng người “theo” được hầu như rất hiếm.

Những rủi ro cho "thợ mỏ" Việt

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Kim Eng, người cũng đã tìm hiểu về đồng Bitcoin, cho biết có khá nhiều rủi ro mà người sử dụng đồng tiền ảo này có thể gặp.

Theo ông Khánh, Bitcoin không có ngân hàng trung ương đứng sau mà thực chất là các đồng tiền được mã hóa nên khi có sự cố gì như đơn giản nhất là có đoạn mã nào bị lỗi thì người sở hữu sẽ không biết đổi cho ai, còn nếu tiền giấy bị rách thì có thể đem vô ngân hàng đổi.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390104357537

Hoàn toàn không có khung pháp lý dành cho Bitcoin tại Việt Nam

Ngoài ra, cũng theo ông, hoàn toàn chưa có cơ sở pháp lý cho việc giao dịch và sử dụng Bitcoin ở Việt Nam, thậm chí là trên thế giới. Một số nước có cho hành lang pháp lý (đã đề cập ở kỳ 2 của loạt bài này) nhưng chưa cụ thể, chỉ chấp thuận cho giao dịch nhưng người giao dịch phải chịu hoàn toàn trách nhiệm lẫn rủi ro. “Nếu có lừa đảo sẽ không có ai đứng ra bảo vệ”, ông Khánh nói.

Một rủi ro nữa là chênh lệch giá của đồng Bitcoin ở Việt Nam và các nước khác rất khác biệt, và không có một giá Bitcoin thống nhất ở các nước như giá vàng vì tỷ giá để tính ở các sàn trên thế giới không giống nhau. Ví dụ trong ngày 12-1 tính theo tỷ giá của ngày đó, thì giá mua một đồng Bitcoin ở Việt Nam là 15 triệu đồng và giá bán là 17 triệu đồng, trong khi trên sàn quốc tế xoay quanh mức 22 triệu đồng. Ngoài ra, chênh lệch ở các nước có khi lên đến hàng trăm đô la nên rất có thể người sở hữu sẽ phải chịu thiệt thòi, ông Khánh nói.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390104672909

Giá trị của Bitcoin có thể thay đổi đến chóng mặt chỉ sau 1,2 ngày

Thêm vào đó, biến động tăng giảm trong một ngày của đồng Bitcoin rất khủng khiếp, có thời điểm lên đến 50%. Nếu một người mua một đồng Bitcoin giá 1.000 đô la Mỹ, nhưng nó giảm giá 50% thì người đó phải mất hai đồng Bitcoin mới có thể mua một món hàng mà một đồng trước đây mua được”, ông Khánh cho biết.

Ngoài ta, Bitcoin còn chịu tác động rất lớn từ các chính sách của các chính phủ. Chỉ cần một nhà nước ra quyết định có cho sử dụng hay không, giá của Bitcoin có thể biến động tới hàng trăm đô la Mỹ chỉ sau 1,2 ngày.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho biết rằng tiền tệ phải có một ngân hàng trung ương của một quốc gia phát hành, nên đồng Bitcoin không thể coi là tiền tệ và nếu có tranh chấp pháp lý xảy ra quanh đồng tiền này thì người sở hữu sẽ không có cơ sở để được bảo vệ. Điều này cũng đã được đề cập ở kỳ trước của loạt bài này.

Những cột mốc đầu tiên

Diễn đàn lamchame.com và websosanh.vn đã trở thành hai doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam công khai sử dụng đồng tiền điện tử Bitcoin trong giao dịch thương mại.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390104384676

lamchame.com chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin

Chỉ sau vài ngày công bố chấp nhận, chiều ngày 14/1/2014, Công ty TNHH Hiệp Đồng (quản lý website lamchame.com) đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ thanh toán bằng đồng Bitcoin với Công ty Cổ phần So sánh Việt Nam (doanh nghiệp quản lý websosanh.vn).

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390104465679

Hợp đồng mua bán như thông thường

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390104486297

 Giao dịch trị giá 0.03 BTC 

Đây là hợp đồng treo banner của websosanh.vn trên lamchame.com có giá trị 550.000 đồng, tương đương với 0,03 Bitcoin (viết tắt BTC, được quy đổi với tỷ giá 1 Bitcoin tương đương 910 USD).

Tuy đây là giao dịch mang ý nghĩa chủ yếu về tinh thần, khơi dậy phong trào sử dụng đồng tiền điện tử Bitcoin tại Việt Nam nhiều hơn là giá trị về mặt kinh tế đem lại cho lamchame.com, thế nhưng thực tế cũng chứng minh doanh nghiệp tại Việt Nam khá thức thời khi chấp nhận thanh toán giữa lúc đồng tiền điện tử Bitcoin vẫn còn rất mới mẻ.

Dành cho các bạn trẻ đang có tham vọng "đào mỏ"

Trước tiên xin khẳng định việc "đào coin" hiện nay đang thực sự rất hot, trở thành trào lưu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thấy mối lợi khi đào được Bitcoin, mà không có các bước tính toán kỹ lưỡng, rất có thể sẽ "xôi hỏng bỏng không".

Trước tiên, để "đào" hiệu quả, bạn sẽ phải lên một kế hoạch chi tiết, với độ phức tạp không thua kém gì các chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Đó là vì ở thời điểm hiện tại, do số người chơi đã lên tới hàng triệu, độ phức tạp trong các thuật toán để đào được Bitcoin là cực kỳ lớn, do đó số tiền đầu tư cũng phải lớn ở một mức độ tương ứng.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390104956995

Số tiền đầu tư cho các "máy đào" là không nhỏ

Cỗ máy tối thiểu "chơi" Bitcoin hiện nay ít nhất phải có một CPU dành cho máy chủ (đảm bảo khả năng hoạt động 24/24), cộng với một mainboard tương thích, 2 card đồ họa mạnh và một bộ nguồn tương đối, đủ đáp ứng cho nhu cầu cày kéo liên tục. Tính sơ sơ chi phí bỏ ra không dưới 40 triệu đồng. Giả sử bạn được hưởng mức ưu đãi là 1000 đồng/số điện, thì 1 tháng cũng phải tốn tới 24x30 = 1200 số điện, tức 1.2 triệu đồng (bộ nguồn chạy được dàn máy trên phải có công suất tối thiểu 1000W). Đó là khoản tiền đầu tư tối thiểu, và chưa đủ đảm bảo bạn sẽ "đào coin" thành công.

Do đó, xu thế chung trên thế giới hiện nay là hợp tác với nhau, bằng cách chia sẻ công việc tính toán cho một mạng lưới các máy tính cùng hệ thống. Sau khi đào thành công, số tiền sẽ được chia đều theo năng suất công việc. Thật tiếc là ở Việt Nam rất ít xuất hiện loại hình "hợp tác cùng có lợi", mà chỉ theo dạng "hợp tác 1 bên có lợi" mà chúng tôi sẽ trình bày ở dưới đây.

"Hợp tác 1 bên có lợi"

Hiểu đơn giản, đây là việc 1 người hoặc 1 nhóm tin tặc phát tán mã độc, cài đặt các đoạn mã này vào các máy tính của người dùng thông thường, tạo nên một mạng lưới máy tính ma (botnet) cho riêng mình, rồi tận dụng sức mạnh xử lý của các máy này nhằm "đào" nhanh hơn. Kỹ thuật này đã trở thành cực kỳ phổ biến vì chi phí cực thấp, nhưng hiệu quả lại cực cao.

Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 3): Bitcoin tại Việt Nam-image-1390105232779

Botnet giờ đây có thể bị sử dụng làm "máy đào" Bitcoin

Khoảng 2 triệu người dùng Yahoo châu Âu có thể đã bị dính mã độc từ quảng cáo độc hại trên Yahoo trong khoảng thời gian từ 31/12/2013 đến 3/1/2014.

Một số mã độc biến máy tính thành cỗ máy khai thác tiền ảo Bitcoin mà người dùng không hề hay biết. Yahoo bị chỉ trích vì không thông báo số người có thể bị ảnh hưởng hay cố động thái nào giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm mã độc.

Với bản tính "chịu khó tìm tòi,năng động, sáng tạo" của các hacker Việt, khả năng cao trong thời gian tới, loại hình này sẽ trở nên phổ biến, nhất là khi giá của Bitcoin tiếp tục tăng chóng mặt.

Đọc thêm: Tìm hiểu về Bitcoin (Kỳ 1): Những điều tổng quát

Tác Gia (Tổng hợp)