Video giải thích cách "sinh" Bitcoin
Tìm hiểu về Bitcoin
Bitcoin trong thời gian gần đây đang nổi lên như một loại tiền tệ, một phương thức thanh toán của tương lai. Bitcoin được giới đầu cơ tung hô, và được thế giới ngầm ca tụng. Tuy vậy, bạn có thực sự hiểu về Bitcoin? Bài viết sau đây xin giải đáp một phần những thắc mắc về loại tiền tệ này.
Bài viết sẽ cung cấp những hiểu biết cơ bản nhất về loại hình tiền tệ này
Bitcoin là gì?
Bitcoin là một loại tiền tệ có cách thức hoạt động rất khác so với các loại tiền tệ khác trên thị trường.
Thị trường hiện nay có thể coi là có 2 loại tiền:
- Tiền “thực”: do các nhà nước, chính phủ phát hành phục vụ cho mục đích tiêu dùng, tích trữ của người dân. Các loại tiền này có giá trị thay đổi tùy theo sức mạnh của nền kinh tế, cũng như dựa trên chính sách duy trì giá cả của đồng tiền, do các quốc gia tự quyết định. Loại tiền này khi sử dụng ở các quốc gia khác nhau cần có sự chuyển đổi sang các đơn vị khác. Đặc biệt, một số đơn vị tiền tệ có giá trị và có thể sử dụng toàn cầu mà không cần chuyển đổi như đô la Mỹ, Euro.
Đô la Mỹ là một trong những đơn vị tiền tệ hiếm hoi được sử dụng toàn cầu
- Tiền “ảo”: đây là các loại tiền do các cơ quan, tổ chức phát hành nhằm cho những người trong mạng lưới của mình sử dụng một cách thuận tiện mà không gặp rào cản giữa các quốc gia, ngôn ngữ. Các hình thức của loại tiền này cũng đã có ở Việt Nam như Ngân Lượng, Bảo Kim, hay dễ nhận thấy nhất là các loại tiền trong game mà chúng ta phải bỏ tiền thật ra mua. Ưu điểm của chúng là “không biên giới” và thường được tạo ra dựa trên việc quy đổi một lượng tiền “thực” nhất định. Tuy vậy, với một loại tiền tệ cố định, tỉ giá hối đoái với các loại tiền “ảo” thường khá cố định. Điều khác biệt với tiền "thực" là bạn không thể sử dụng loại tiền này ở ngoài hệ thống mà nó được chấp nhận, mặc dù cũng có một số ngoại lệ, nhưng rất ít.
Bảo Kim là loại hình tiền ảo khá phổ biến tại Việt Nam
Bitcoin hoàn toàn là một loại tiền tệ mới. Nó không được phát hành bởi bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào, mà được phân chia đều trong một mạng lưới mạng ngang hàng phân bố rải rác khắp trên thế giới nhằm tạo ra và giám sát loại tiền này. Nó vẫn chưa thực sự được sử dụng thay thế hoàn toàn cho các loại tiền “thực” cũng như tiền “ảo” đối với các giao dịch chính thức giữa các ngân hàng.
Nguồn gốc của Bitcoin?
Thật khó để chỉ ra chính xác ai là người có ý tưởng đầu tiên về việc tạo ra một đơn vị tiền tệ “ảo” mà “thực”. Đa phần trong giới chơi Bitcoin người ta công nhận người (hoặc tổ chức) đã sáng tạo nên thứ tiền này là Satoshi Nakamoto. Đây là người (hoặc tổ chức) đầu tiên đề xuất về mô hình tổ chức cũng như cách thức hoạt động của Bitcoin.
Cho tới ngày 21 tháng 5 năm 2010, giao dịch thực tế đầu tiên trong lịch sử của Bitcoin diễn ra khi Laszlo Hanyecz, một lập trình viên đang sống tại Florida, gửi 10000 BTC (bitcoin) cho một tình nguyện viên đặt mua dùm anh một ổ bánh pizza.
Chiếc bánh pizza được giao dịch bằng Bitcoin đầu tiên trên thế giới
Tại sao Bitcoin lại được nhiều người tung hô?
Một mặt, bitcoin là một đơn vị tiền tệ; mặt khác, Bitcoin còn là một mạng lưới phân bố, phân trung, ngang hàng (peer to peer) chuyển giao tiền tệ. Có nghĩa là bạn có thể gửi bitcoin TRỰC TIẾP cho một người khác mà không cần qua một trung gian nào, bất kể thời gian, bất chấp không gian, với một lệ phí cực kì thấp, gần như bằng 0, hoặc thậm chí bằng 0. Hãy nghĩ về điều này một chút. Đây quả thật là một cuộc cách mạng chưa từng thấy xảy ra trong lịch sử loài người. Satoshi giải được bài toán mà từ trước đến nay người ta vẫn cho là không thể giải được – đó là bài toán về lòng tin – bằng cách đưa ra sáng kiến về block chain.
Một hình ảnh của tưởng tượng của Block Chain
Block Chain là một chuỗi liên kết các Blocks (khối) lại, giống như chuỗi hạt là một chuỗi liên kết các hạt lại. Mỗi một block có nhiệm vụ lưu giữ lại những transactions gần nhất (mà chưa được lưu lại ở những blocks trước đó). Một khi thông tin về transactions đã được ghi lại thì sẽ không bao giờ có thể bị thay đổi hay xóa đi. Ngoài những transactions gần nhất, mỗi block còn chứa thông tin liên kết tới block trước nó. Và nó còn chứa một đáp án cho một bài toán rất khó giải. Đáp án này là khác nhau cho mỗi block. Nếu đáp án không đúng thì block đó không có hiệu lực và không được lưu lại trong block chain. Nói cách khác, nếu như thực sự có cách nào đó có thể “hack” và thay đổi được các thông tin lưu trong block chain, thì sự bất hợp lý giữa chính block đã bị thay đổi trong mối liên hệ với các block khác xung quanh sẽ khiến nó bị phát hiện ra ngay lập tức. Vì sự ghi nhận này là tập trung, nên mọi người tham gia mạng lưới đều có thể kiểm tra, chứ không bị “giấu nhẹm” giữa các hệ thống ngân hàng khác nhau như cách chuyển tiền thông thường.
Hệ thống Ngân hàng hiện nay có nhiều sơ hở, dẫn tới những "đại án"
Trở lại vấn đề về lòng tin. Các cách chuyển tiền thông thường luôn yêu cầu có 1 trung gian. Khi đã có một trung gian đứng giữa, bạn phải tin họ. Làm sao có thể biết chắc được rằng họ sẽ không lừa bạn? Các tổ chức ngân hàng là tin được? Vậy hãy nhìn lại ví dụ điển hình như vụ Huyền Như đang rất tai tiếng trong thời gian qua. Bạn tin vào các kênh chuyển tiền của chính phủ? Hãy nhìn ví dụ “kinh điển” NSA. Chưa kể, các giao dịch chuyển tiền liên mạng luôn phải chịu một khoản phí, nhiều khi là rất cao nếu như khoản tiền chuyển là lớn. Việc chuyển Bitcoin chỉ mất khoảng 10 phút cho mỗi confirmation (xác nhận) cho mỗi giao dịch, số tiền càng lớn thì tất nhiên cũng cần phải có nhiều thời gian cũng như confirmation để chắc chắn hơn. Một khi đã có khoảng 6 confirmations trở lên thì có thể nói chắc chắn 100% số tiền đã gửi đó đã an toàn (KHÔNG THỂ hack được) và không thể nào bị đảo ngược lại được.). Đây là sự ưu việt nhất của loại hình tiền tệ này.
(Tỉ giá BTC/USD chi tiết có thể được xem ở bitcoinwisdom.com)
Tạo ra Bitcoin như thế nào?
Câu hỏi đặt ra: nếu bitcoin chỉ là một dãy chữ và số lấy gì đảm bảo cho các giao dịch, lấy gì đảm bảo một người nào đó cứ lấy dãy chữ và số đó đi mua hàng khắp nơi, bất kể số tiền có trong ví đã tiêu hết?
Trả lời câu hỏi này chính là hiểu được cơ chế hoạt động của bitcoin. Mỗi khi có giao dịch xảy ra, thay vì dựa vào một bên thứ ba làm trung gian như một ngân hàng hay nơi phát hành thẻ tín dụng ghi lại giao dịch, cộng đồng bitcoin quy định thông tin về giao dịch đó sẽ được ghi vào một cuốn block chain mà bất kỳ ai trong cộng đồng này đều phải giữ một bản. Thông tin đó cũng được gán vào phần cuối của dãy chữ và số nói trên, cho biết chủ nhân nó đã tiêu bao nhiêu bitcoin, giờ còn lại bao nhiêu, tất cả đều công khai cho mọi người biết.
Những cỗ máy 'đào" Bitcoin cần sức mạnh xử lý thật cao cấp
Ghi như thế thì chẳng mấy chốc cuốn block chain (mà từ chuyên môn gọi là block chain) sẽ lớn dần lên (hiện nay đã lên đến 11GB, lần đầu tải về máy mất cả ngày trời). Nhưng câu hỏi tiếp theo là ai được phân công ghi block chain bởi không lẽ ai cũng ghi hết thì thông tin sẽ rất lộn xộn. Trả lời câu này chính là hiểu được cơ chế sinh ra bitcoin.
Người ta quy định cộng đồng bitcoin sẽ đua nhau giành lấy quyền được ghi các giao dịch vào block chain, cứ 10 phút cập nhật một lần. Để cái quyền này không phải ai cũng giành được, người ta sẽ gán với việc cập nhật block chain những thuật toán ngày càng phức tạp, muốn giải nó phải dùng những máy tính ngày càng mạnh. Các bài toán này liên tục được nâng độ khó, tùy thuộc vào lượng và sức mạnh tính toán của các máy tính trong hệ thống mạng ngang hàng, sao cho việc giải cần thời gian chừng 10 phút đúng như quy định về thời gian cập nhật. Ai giành được quyền cập nhật, tức quyền cập nhật thông tin vào block chain thì sẽ được thưởng, thời điểm hiện nay là 25 bitcoin. Quá trình này được ví von là “khai mỏ” (hay “đào” - mining) bitcoin.
Việc "đào" được Bitcoin thực ra cũng khá giống với trò chơi quay số may mắn
Lúc bitcoin mới ra đời vào ngày 3-1-2009, phần thưởng là 50 bitcoin. Và để thị trường khỏi lạm phát bitcoin, người ta cũng quy định cứ sau 210.000 lần cập nhật block chain thì số bitcoin được thưởng sẽ cắt còn một nửa nên bây giờ chỉ còn 25 đơn vị. Dự tính đến năm 2017, số bitcoin phát sinh mỗi 10 phút chỉ còn 12,5 và đến năm 2140 con số thưởng sẽ bằng không, lúc đó số lượng bitcoin đạt đỉnh của nó là 21 triệu đơn vị. Cho đến nay đã có khoảng 12 triệu bitcoin ra đời theo kiểu này. Đây chính là lý do khiến cho giá trị của Bitcoin ngày càng tăng cao chóng mặt.
Vậy là cách duy nhất để tạo ra bitcoin (xin nhắc lại là “tạo ra”) là phải giải được các bài toán hóc búa nhằm giành được quyền ghi dữ liệu vào block chain.
Đọc thêm: Trojan Mac OS X: Hạ GPU, Cày Tiền Ảo - Công Nghệ
Tác Gia (Tổng hợp)